Đằng sau những “ngôi sao” mạng xã hội
Học ngành Công tác xã hội của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nhưng bạn Nguyễn Thuỳ Linh (23 tuổi) - trợ lý của TikToker Hạnh Chee (Nguyễn Hồng Hạnh) chọn làm công việc này từ năm cuối đại học đến nay. Lựa chọn này của Linh đôi lúc khiến cô phải cố gắng giải thích với nhiều người khi họ có định kiến: “Làm trợ lý làm gì, có cơ hội gì không hay chỉ “núp” sau bóng người khác?”. Với Linh, công việc này cho cô cơ hội tiếp xúc với những người giỏi, nổi tiếng và làm bước đệm trở thành một Tiktoker trong tương lai.
|
Làm trợ lý cho TikToker, Linh nói vui, công việc này như làm “mẹ” vì sẽ lo toan mọi thứ. “Từ sắp xếp kế hoạch, lên thời gian biểu, làm cố vấn hình ảnh, thời trang, hay chấn chỉnh, nhắc nhở lịch sinh hoạt điều độ và lên tiếng bảo vệ khi gặp phải vấn đề”, Linh cho biết.
Sống chung với guồng quay công việc của TikToker Hạnh Chee, Linh thấy mình trưởng thành hơn khi được rèn luyện khả năng giao tiếp, ứng xử để vừa phát triển bản thân, vừa bảo vệ hình ảnh cho “sếp” của mình. Linh đại diện trao đổi với các nhãn hàng để bảo vệ quyền lợi cho TikToker của mình và hài hoà với các yêu cầu, tiêu chí mà đối tác mong muốn. “Mình học được cách lúc nào cần nhu, lúc nào cần cương. Hay đơn giản như việc mình trở nên kỹ tính hơn, cẩn thận hơn, cần phải xác nhận sự chắc chắn hoặc có sự minh chứng rõ ràng đối với các vấn đề để nếu có xảy ra tranh cãi sẽ có phương hướng giải quyết”, nữ trợ lý cho hay.
Trợ lý Nguyễn Thuỳ Linh (bên phải) chọn làm công việc này để tạo bước đệm trở thành một TikToker trong tương lai |
Từ công việc này, Linh cảm nhận, bản thân được thoải mái khi không phải ngồi văn phòng cả ngày. Thay vào đó, cô được đi, được trải nghiệm ở nhiều nơi, được gặp nhiều người trẻ năng động.
Nguyễn Thị Thu Trang (24 tuổi - trợ lý TikToker Hoàng Minh Ngọc) cho rằng, khả năng sắp xếp, quản trị thời gian, danh mục công việc cho TikToker là dấu sao quan trọng, để duy trì sự tương hỗ với nhau trên hành trình trở thành người của công chúng.
Trang phụ trách chính về mảng quay, chụp và dựng video nên có cơ hội được luyện tập, thực hành để trang bị bộ kỹ năng cho công việc truyền thông chuyên nghiệp trong tương lai. Tuy nhiên, thu nhập của công việc này không cố định vì phụ thuộc vào số lượng công việc của TikToker. “Nhưng đổi lại, mình có thể linh hoạt về thời gian để phát triển các sở thích cá nhân cũng như có khoảng nghỉ để học thêm các lĩnh vực mới”, Trang chia sẻ.
Cùng nhau trải nghiệm
Trong vai trò tìm trợ lý - “người bạn” đồng hành, TikToker Hoàng Minh Ngọc (1,1 triệu người theo dõi) cho hay, cô cần người có cùng tư duy trong công việc và luôn khao khát được học thứ mới. Tiêu chí quan trọng nhất là trung thực và tôn trọng, giữ bí mật đời tư.
“Mình đề cao những giá trị khác nữa về kiến thức, quan điểm sống, tư duy để cùng chia sẻ với người bạn đồng hành, cùng nhau tốt lên. Vì vậy, mình tự nhìn nhận thấy số tiền mình bỏ ra cho các bạn không quá nhiều, nhưng chúng mình làm việc với nhau trơn tru, tạo nhiều những giá trị khác bền vững và nâng đỡ, cùng nhau phát triển sự nghiệp cá nhân”, nữ TikToker nói.
Theo chị Trần Thị Thu Hương - Trợ lý điều hành Giám đốc vùng khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên), thành viên của Hiệp hội hành chính viên quốc tế, đa phần TikToker là những người trẻ có suy nghĩ sáng tạo, cách làm việc năng động, vậy nên họ sẽ có xu hướng tạo ra một môi trường làm việc nhiều cảm hứng cho các trợ lý của mình.
“Ngoài ra, sự trải nghiệm là yếu tố thu hút bạn trẻ. Các TikToker sáng tạo nội dung liên quan tới trải nghiệm như du lịch, ẩm thực, thời trang, âm nhạc, vũ đạo… Khi làm công việc trợ lý cho họ, các bạn trẻ sẽ được tìm hiểu trực tiếp hoặc gián tiếp trải nghiệm những điều này”, chị Hương cho hay.
Công việc trợ lý cho TikToker bản chất là trợ lý cá nhân, một công việc không hề quá mới mẻ. Những cá nhân có sức ảnh hưởng trong xã hội, những người nổi tiếng với lịch trình bận rộn và có những dự án kinh doanh, dự án xã hội sẽ luôn cần không chỉ một trợ lý mà cả đội ngũ hỗ trợ phía sau. Sự phát triển của mạng xã hội có vai trò mở rộng hơn, gợi ra nhiều hướng đi hơn cho bạn trẻ trong phát triển công việc trợ lý cá nhân.
Theo chị Hương, sự thoải mái trong trao đổi, chia sẻ, đóng góp ý kiến giữa những người trẻ dễ tạo nên mối quan hệ gần gũi hơn so với mối quan hệ sếp - nhân viên. Các bạn trẻ có cảm giác người “sếp Tiktoker” của mình như một người bạn. Khi đó, các bạn có cơ hội thể hiện sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám phát biểu và đóng góp ý kiến, ý tưởng. Mỗi trợ lý trở thành mắt xích quan trọng phía sau, hỗ trợ và xây dựng hình ảnh người “sếp TikToker” của mình.
Về định hướng cho công việc trợ lý cá nhân của TikToker, chị Thu Hương cho rằng, khó để xét đến hai chữ “ổn định” bởi đây là một nền tảng sẽ thay đổi từng ngày. “Không có mẫu số chung để đánh giá về góc khuất của công việc này bởi mỗi TikToker hoạt động trong lĩnh vực nội dung khác nhau. Tuy nhiên, tôi có thể đưa ra một chia sẻ rằng, giải quyết được góc khuất trong công việc trợ lý phụ thuộc rất nhiều vào người sếp - các suy nghĩ và ứng xử của họ. Với TikToker và trợ lý, các bạn cùng trẻ và cùng có những suy nghĩ “thoáng” hơn để gỡ rối mà không phải dè chừng đến cái tôi của đối phương”, chị Hương nói.
“Bản chất công việc này do 2 cá nhân tự thỏa thuận nên các quyền lợi về luật lao động sẽ khó được đảm bảo như ở các công ty, tổ chức. Và vì không có một quy chuẩn, hệ thống để đối chiếu, nên nếu có mâu thuẫn phát sinh như người nổi tiếng bị rò rỉ thông tin cá nhân, hay trợ lý bị ép buộc làm những việc không phù hợp… sẽ khó để đảm bảo quyền lợi lao động như khi làm việc tại cơ quan, tổ chức”, chị Trần Thị Thu Hương - Trợ lý điều hành Giám đốc vùng khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên).