Sinh viên sẽ làm trợ lý cho đại biểu Quốc hội

Sinh viên sẽ làm trợ lý cho đại biểu Quốc hội
Sinh viên (SV) trước hết cũng là cử tri. Là cử tri tức là nắm trong tay vận mệnh chính trị của đại biểu. Bản thân mối quan hệ của QH và đại biểu QH với SV là nhu cầu rất cần thiết, nó nằm trong tổng thể mối quan hệ với cử tri.

Hơn thế, SV là những cử tri nhạy cảm với thời cuộc và có chính kiến, tiếp nhận cái mới rất nhanh nên bất kỳ QH nước nào cũng quan tâm đến đối tượng cử tri này.

Những ứng cử viên đại biểu QH được bầu ở đơn vị bầu cử là các trường đại học hoặc nơi có nhiều cử tri SV thì đầu tiên phải quan tâm đến ý kiến cử tri là SV và giữ mối quan hệ với cử tri SV.

Bởi khóa QH tiếp theo, nếu ứng cử lại ở đơn vị đó thì SV gần như có tiếng nói quyết định ứng cử viên trúng cử hay không.

Trong kỳ bầu cử QH nước ta gần đây, ở một đơn vị bầu cử, SV đã thắc mắc về một ứng cử viên rằng: già như vậy tại sao vẫn ứng cử? Kết quả là vị này không trúng cử.

Như vậy, những đại biểu ứng cử ở các trường ĐH hoặc nơi có nhiều SV thì vấn đề giữ mối quan hệ với SV là rất quan trọng. Ngoài ra, QH có cơ quan chuyên trách là đầu mối và có mối quan tâm đến SV là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng. 

Mối quan hệ hai chiều

QH là thiết chế đại diện, chỉ vận hành khi những người ủy quyền cho người khác đại diện cũng tích cực. Người được ủy quyền trách nhiệm đến đâu tùy là người ủy quyền dám đòi hỏi đến đâu. Vì thế, mối quan hệ giữa QH và SV phải là mối quan hệ hai chiều. Nếu SV- những người đã ủy quyền- bầu xong rồi bỏ đó thì thiết chế đại diện không thể vận hành tốt được.

Đã bầu cho ai thì phải nhớ, có vấn đề thì trao đổi, hoặc mời đại biểu đến dự và phát biểu tại các diễn đàn của SV, tham gia các hoạt động của SV, đặc biệt là những người anh đã bầu.

Ngoài ra, có những chính sách lớn, SV có thể gửi ý kiến đến Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng và qua đại biểu. Điều này phải bắt nguồn từ sự tích cực chính trị và nhạy cảm của SV. Nếu một bạn SV không nhớ được người mình đã bầu thì giữ mối quan hệ với QH, đại biểu là việc khó.

Quốc hội sẽ đón sinh viên

Điều này nằm trong chương trình thông tin công chúng của QH, trong đó có việc tổ chức các đoàn tham quan QH. Hiện tại, nhà QH đang được xây và QH họp ở Hội trường Bộ Quốc phòng nên về mặt kỹ thuật là hơi khó. Sau này, khi nhà của QH hoàn thành, mọi chuyện sẽ dễ hơn.

Mở cửa cho công chúng nói chung, trong đó có SV vào thăm QH để hiểu thiết chế này và giám sát nằm trong triết lý chung của phát triển nền quản trị quốc gia hiện đại. Các trường có thể chủ động liên hệ với Trung tâm Thông tin thư viện và Nghiên cứu khoa học của Văn phòng Quốc hội để họ thiết kế và trình.

Trước đây, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức thí điểm Nghị viện trẻ. Chủ trương này hiện cũng đang gặp khó vì chưa có nhà của QH. Thực chất, tổ chức thí điểm Nghị viện trẻ là điều cả thế giới làm, vì chỉ có cách đó mới cuốn hút được sự quan tâm của tuổi trẻ với nghị viện.

Đó là một cách nuôi dưỡng tương lai khi những "nghị sỹ trẻ" đó rất có thể sẽ trở thành nghị sỹ thực sự. Ở Nghị viện trẻ các nước, Chủ tịch QH đứng ra trực tiếp điều hành. Các nước coi trọng nghị viện trẻ và chương trình giáo dục về QH vì QH vận hành trong hành vi của những người ủy quyền và những người sau này sẽ là đại biểu.

SV làm trợ lý cho đại biểu Quốc hội

Các nước có chương trình tham quan QH, giáo dục về QH do QH triển khai, nghị viện trẻ..., đặc biệt có hình thức: SV làm trợ lý, thư ký cho các nghị sỹ.

SV đến tham quan và làm thêm tại Quốc hội là việc hết sức bình thường ở nhiều nước

Ở nhiều nước, mỗi nghị sỹ có 3, 4 trợ lý, thư ký. Ngoại trừ những trợ lý cao cấp là các nhà nghiên cứu chính sách, đa số nghị sỹ các nước thường thuê SV làm công việc hành chính vì hai yếu tố. Thứ nhất, tạo điều kiện cho SV có thêm thu nhập, kiến thức.

Thứ hai, SV là những người có tri thức nhưng đang đi học nên "đòi giá" lao động không cao như người đã tốt nghiệp, vì thế, các đại biểu có thể trả được.

Những tác động phụ tiếp theo là thuê SV là một điều kiện rất tiên quyết để giúp việc học ở nhà trường gắn với cuộc sống, đặc biệt với những SV học về chính trị, pháp luật... Đồng thời, thuê SV như vậy cũng là để bổ sung nguồn cho bộ máy của VPQH. Trong số sinh viên đó, có những người khi tốt nghiệp cảm thấy yêu công việc này và có năng khiếu thì mình sẽ chọn được người giỏi.

Đó là những nguyên nhân khiến mối quan hệ giữa sinh viên và nghị viện các nước gắn bó. QH ta hiện chưa có hình thức này nhưng sắp tới khi chuyên nghiệp hóa thì cũng phải tính đến.

Theo Tuệ Lâm
Sinh viên Việt Nam

MỚI - NÓNG