Sính hàng ngoại quá đáng

Sính hàng ngoại quá đáng
TP - Có người nhận định phàm đã là dân Việt thì hầu hết đều thích dùng hàng hóa nước ngoài, còn gọi là hàng ngoại dưới nhiều cách thức.

Nói như thế không nhằm hạ thấp giá trị dân mình, nhưng để có cái nhìn xuyên suốt về bản sắc, tính chất đời sống người Việt, rồi từ đó rút tỉa bài học kinh nghiệm trong suốt bề dày lịch sử bán buôn và giao thương của nước ta.

Nhìn về quá khứ, nhiều thị tứ lớn khắp nước ta chẳng hạn như Hà Nội vào thế kỷ 17 đã có mặt các thương nhân Hà Lan, Anh, Bồ Đào Nha và đông nhất là Hoa kiều đến buôn bán, mở cửa hiệu... nơi ba mươi sáu phố phường.

Thời kỳ ấy chúa Nguyễn ở Đàng Trong mở nhiều hải cảng để thương thuyền nước ngoài đến giao lưu buôn bán, đáng chú ý là ở Hội An rồi Đà Nẵng có nhiều điều kiện thuận lợi để tạo thành thị trường lưu thông trao đổi buôn bán trong và ngoài nước, các thương thuyền đến từ Nhật Bản, Trung Hoa... 

Do nước ta còn nghèo nàn lạc hậu, nền tiểu thủ công nghiệp còn thô sơ nên chưa tạo được các mặt hàng tinh xảo, trong khi các thương nhân ngoại quốc mang đến nhiều thứ hàng hóa lạ mắt, chất lượng tốt lại bền bỉ... nên từ đấy có lẽ đã phát sinh tâm lý “sính hàng ngoại” chăng?

Đất nước đổi mới, mở cửa, hàng ngoại, hàng nhập lậu tràn lan được bày bán nhan nhản ở cửa tiệm, bày ra cả ở ngoài đường phố và càng ngày người ta lại tiến đến gần cái tâm lý sính hàng ngoại hơn bao giờ hết. Thực tế ở giai đoạn ấy rất ít hàng hóa trong nước thật sự khởi sắc, nên hàng ngoại được xem như “đẳng cấp” quần, áo vải vóc, bia rượu, sữa, thuốc men, mỹ phẩm...

Đến thời đổi mới kinh tế, lối suy nghĩ ấy vẫn chưa thay đổi dù rằng kinh tế tư nhân đang dần dà lớn mạnh, và đã sản xuất được nhiều đồ dùng tốt, giá cả lại phải chăng...

“Ai ơi đừng phụ mụt măng,

Mụt măng có nhỏ cũng bằng cây tre”

Trong thời hội nhập, tình thế có vẻ sáng sủa hơn, nhiều nhà sản xuất trong nước tạo được hàng hóa tốt không những cạnh tranh được với hàng ngoại, mà còn xuất khẩu đến các quốc gia khác. Vì vậy ít nhiều người ta cũng quay lại dùng hàng nội.

Tuy nhiên, cái tâm lý sính hàng ngoại không thể phai lạt, nó biến tướng rất đa dạng. Chẳng hạn biếu xén quà bánh phải mang mác ngoại mới sang, dùng hàng mỹ phẩm phải chọn hàng hiệu của Pháp, Ý, Mỹ..., chữa bệnh phải bằng thuốc men ngoại mới an tâm, trong yến tiệc phải dùng đến rượu ngoại...

Cả đến kết hôn với “ngoại” được coi như đổi đời và tìm đến cuộc sống tiện nghi hơn... tất cả danh xưng “ngoại” đều được đón nhận với điều tốt đẹp. Cũng cần lưu ý không phải cái gì hướng ngoại cũng đều là xấu trong bối cảnh hội nhập với cộng đồng thế giới ngày nay.

Rồi cũng phải nhắc đến những loại hàng hóa mang mác nước ngoài được sản xuất ngay trong nước, còn gọi là hàng “liên doanh” đã được đông đảo dân mình ưa chuộng. Như thế nhà sản xuất trong nước cũng nhiều gian nan, trong giai đoạn cạnh tranh gay gắt hiện nay.

Vương Hữu Thái
(60/30 Lê Lợi, Thanh Hương 2, Lộc Thanh, Bảo Lộc, Lâm Đồng)

MỚI - NÓNG