Sẽ trục xuất những người Trung Quốc làm bè trên vịnh Cam Ranh

Người Trung Quốc trên bè của họ ở vịnh Cam Ranh Ảnh: Cam Linh
Người Trung Quốc trên bè của họ ở vịnh Cam Ranh Ảnh: Cam Linh
TP - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu báo cáo việc người Trung Quốc làm bè trên vịnh, song đến chiều 1-6, lãnh đạo thành phố Cam Ranh nói vẫn chưa nhận được công văn.

> Người Trung Quốc dựng bè cá kiên cố trên vịnh Cam Ranh

Theo quy hoạch nuôi trồng thủy sản trong vịnh Cam Ranh giai đoạn 2007-2015, không một cá nhân hay doanh nghiệp nào được cấp phép nuôi trồng thủy sản trên vịnh này, chỉ có khu vực xã Cam Bình được duy trì lồng bè nuôi tôm, cá.

Nhưng hiện nay, ông Trần Văn Ớt, Phó trưởng Phòng Kinh tế TP Cam Ranh cho biết, ở vịnh Cam Ranh có 800 ha nuôi trồng thủy sản, khoảng 11.400 lồng nuôi, đều là tự phát.

Năm 2008, cơ sở nuôi cá bè trên biển của Cty TNHH Thương mại Dịch vụ Song Phong (TPHCM) bị xử phạt vi phạm hành chính 5 triệu đồng vì không có giấy phép. Nhưng nay cơ sở này vẫn tồn tại ngay gần cảng Cam Ranh (cảng Ba Ngòi) thuộc phường Cam Linh (TP Cam Ranh), dù vẫn chưa có giấy phép.

Đoàn kiểm tra liên ngành do Thanh tra Sở NN&PTNT Khánh Hòa chủ trì vừa phát hiện một bè nuôi cá (chủ yếu là cá mú) với quy mô rất lớn, do một người Việt ở TPHCM đứng tên đăng ký kinh doanh, nhưng trên bè có ba người Trung Quốc làm đại diện.

Tuy nhiên, nhiều người dân nói, trên vịnh Cam Ranh không chỉ có một bè nuôi cá của người Trung Quốc. Theo họ, trong số 40 - 50 đầu nậu thu mua hải sản tại Cam Ranh, có ít nhất 5 cơ sở thu mua hải sản và nuôi cá bè lớn của người Trung Quốc, núp bóng cơ sở của người Việt Nam.

Nổi tiếng nhất là A Yoóc ở “cây số 4” (phường Cam Phú, TP Cam Ranh), đã ở Cam Ranh chục năm nay, lấy vợ Việt. Ngoài bè của A Yoóc, trên vịnh Cam Ranh còn có bè của những ông chủ người Hoa ở vùng nước thuộc phường Cam Linh, Cam Phúc Bắc, vũng Bình Ba, Hòn Quy…

Theo ông Trần Tính, Phó Chủ tịch UBND phường Cam Linh, trước nay, ngư dân muốn nuôi trồng thủy sản trên vịnh thì chiếm một vùng lập bè, không cần phải xin phép.

Những người Trung Quốc cũng làm như vậy, không cần phép tắc gì cả. Ngay bên cạnh cảng Cam Ranh còn có một cơ sở thu mua hải sản khá lớn của Cty Khải Hoành. Bảo vệ cơ sở cho biết, ông chủ thực sự của Cty này là A Xỉu, người Trung Quốc...

Trục xuất, cấm nhập cảnh trong 5 năm

Ngày 31-5, ông Trần Sơn Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà, đã ký công văn khẩn số 2912, yêu cầu UBND TP Cam Ranh báo cáo việc người Trung Quốc làm bè nuôi và thu mua hải sản trên vịnh Cam Ranh trong nhiều năm nhưng các cơ quan chức năng địa phương buông lỏng quản lý, kiểm tra, đồng thời báo cáo việc quản lý người nước ngoài trên địa bàn.

Tuy nhiên, đến chiều 1-6, ông Đào Văn Hòa, Chủ tịch UBND thành phố Cam Ranh nói, ông chưa nhận được công văn trên. Do vậy, ông chưa thể trả lời về việc thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh.

Ông Nguyễn Khắc Toàn, Bí thư Thành ủy Cam Ranh cho biết, trước đó Thành ủy đã có chỉ đạo về kiểm tra các cơ sở mua bán thủy hải sản trên địa bàn Cam Ranh.

Qua kiểm tra, phát hiện một số trường hợp người nước ngoài không đăng ký tạm trú tạm vắng, chủ yếu là người Trung Quốc. Ngày 23-5, Công an Cam Ranh có báo cáo, cho biết đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 7 người Trung Quốc, đề nghị cấp có thẩm quyền xử phạt họ theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Mức đề xuất xử phạt: Phạt tiền 15 triệu đồng/người, trục xuất khỏi Việt Nam, cấm nhập cảnh Việt Nam trong 5 năm.

Theo ông Toàn, thành phố sẽ rà soát, chấn chỉnh mọi công tác của các cơ quan chức năng liên quan về phối hợp quản lý địa bàn, quản lý cư trú, quy hoạch nuôi trồng thủy sản, thu mua chế biến thủy sản…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.