Sẽ thế nào nếu tách Luật Giao thông đường bộ?

0:00 / 0:00
0:00
 Hoạt động đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe đã được xã hội hóa Ảnh: Phạm Thanh
Hoạt động đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe đã được xã hội hóa Ảnh: Phạm Thanh
TP - Tại Dự thảo sửa đổi Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) mới nhất, Bộ GTVT tiếp tục xây dựng theo hướng tách thành 2 luật, chuyển cơ quan quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe sang Bộ Công an quản lý. Trong khi tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 10/2020, góp ý cho dự thảo luật này, đa số đại biểu không đồng ý với 2 đề xuất trên.

Bộ GTVT vừa hoàn thiện Dự thảo Luật GTĐB sửa đổi và gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương. Trong Dự thảo, Bộ GTVT bảo lưu quan điểm tách Luật GTĐB hiện hành thành 2 luật. Theo đó, Luật GTĐB (sửa đổi) do Bộ GTVT xây dựng, chỉ điều chỉnh các nội dung liên quan tới kết cấu hạ tầng, phương tiện, vận tải và quản lý nhà nước về giao thông đường bộ. Phần quy định về an toàn giao thông, đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe, cấp và thu hồi đăng ký xe... được tách đưa vào Luật Bảo đảm trật tự an toàn GTĐB do Bộ Công an xây dựng.

Do tách làm 2 luật, nên Dự thảo Luật GTĐB sửa đổi sẽ không còn nội dung về quy tắc giao thông và người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Tại các phiên thảo luận ở Quốc hội tháng 10/2020, có đại biểu cho rằng làm như thế là chưa hợp lý, thiếu đồng bộ... Bộ GTVT cho biết, sẽ bổ sung 2 nội dung này vào Dự thảo Luật GTĐB sửa đổi trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền quyết định không tách luật.

Chuyển quản lý học lái xe sang Công an

Với nội dung chuyển cơ quan quản lý về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an quản lý, và đưa vào Luật Bảo đảm bảo trật tự an toàn GTĐB, cũng tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2020, đa số đại biểu bày tỏ sự không đồng ý. Họ đề nghị cần đánh giá tác động của thay đổi này một cách toàn diện, khách quan, khoa học để đảm bảo quản lý chuyên nghiệp, hiệu quả; quyền lực phải được kiểm soát, tránh cục bộ khép kín, độc quyền.

Bộ GTVT cho rằng, việc đánh giá tác động của chuyển quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe sang Bộ Công an quản lý đã được thực hiện tại hồ sơ dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn GTĐB. Dự kiến, Dự thảo Luật GTĐB sửa đổi và Luật Bảo đảm trật tự an toàn GTĐB sẽ được đồng thời trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp vào tháng 10 tới.

Chiều 13/9, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Thanh (nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam) nêu quan điểm, không đồng ý với việc tách Luật GTĐB làm 2 luật. Nếu tách, theo ông Thanh, cả Luật GTĐB và Luật Bảo đảm trật tự an toàn GTĐB đều thiếu quy định, nhưng thừa luật. Do Luật GTĐB đa số nói tới kết cấu hạ tầng, không điều tiết giao thông (đi lại), trong khi giao thông phải đủ 5 thành tố: đường, phương tiện, người lái, tổ chức khai thác và quy tắc giao thông. Nếu không có đủ 5 thành tố này, chỉ nên gọi là Luật Hạ tầng đường bộ. Tương tự, Luật Bảo đảm trật tự an toàn GTĐB cũng nên đổi thành Luật người tham gia GTĐB, vì chỉ nói về an toàn, người lái...

“Không nước nào tách luật ra như vậy, luật phải đủ các thành tố, quy định, còn phân cấp, phân quyền thực hiện cho bộ, ngành nào do Quốc hội quyết, không cần thiết phải chia tách luật để trao quyền cho mỗi bộ, ngành riêng”, ông Thanh nói.

MỚI - NÓNG