Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới:

Sẽ giảm nhồi nhét kiến thức

Với chương trình giáo dục mới, học sinh sẽ thực sự được giảm tải học tập (trong ảnh: Học sinh Trường Tiểu học Nam Trung Yên - Hà Nội trong giờ ra chơi). Ảnh: Ngọc Châu.
Với chương trình giáo dục mới, học sinh sẽ thực sự được giảm tải học tập (trong ảnh: Học sinh Trường Tiểu học Nam Trung Yên - Hà Nội trong giờ ra chơi). Ảnh: Ngọc Châu.
TP - Nhiều quan chức, chuyên gia giáo dục, phụ huynh nhận định, nếu dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được thông qua, học sinh sẽ hưởng lợi nhiều, đặc biệt từ việc giảm nhồi nhét kiến thức.

Theo dự thảo, giáo dục phổ thông chia làm hai giai đoạn: giai đoạn cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.

Học sinh học hết THCS, có thể lựa chọn nghề nghiệp mà không cần phải học THPT. Những học sinh học lên THPT sẽ chỉ còn học bắt buộc 4 môn là (Toán, Ngữ văn, Công dân với Tổ quốc và Ngoại ngữ). Ngoài ra, học sinh được tự chọn tùy ý và tự chọn trong nhóm các môn học theo đúng định hướng nghề nghiệp của mình. Như vậy, học sinh sẽ được phân hóa rất rõ theo luồng học nghề về làm thợ và học tiếp lên đại học.

Phân loại học sinh

Anh Nguyễn Tuấn Cường, phụ huynh có con đang theo học lớp 1 ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) nhận xét: “Ai cũng thấy học sinh đang phải học quá nặng về kiến thức. Các cháu phải chạy đua học ở lớp, ở nhà, học thêm… đến thời gian ngủ cũng hạn chế. Nhà trường chưa chú trọng dạy cách làm người, kỹ năng sinh tồn… nên khi đi ra các nước, học sinh của ta có phần kém tự tin”.

“Với chương trình mới, nền giáo dục sẽ chuyển từ coi trọng giáo dục kiến thức sang giáo dục phẩm chất, năng lực. Chương trình hiện tại cũng nói đến phẩm chất, năng lực nhưng không đặt ra yêu cầu cụ thể, chương trình mới yêu cầu rất rõ ràng”.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển

PGS Văn Như Cương, Chủ tịch hội đồng trường Lương Thế Vinh cho rằng, chương trình tổng thể phân chia rất hợp lý nhằm phân loại và định hướng học sinh. Điều này rất khác với thực tế đào tạo từ xưa đến nay, học sinh chỉ có một con đường học một mạch từ lớp 1 lên 12 và thi vào đại học. Nhiều người coi ĐH là con đường duy nhất nên cố ôn luyện, thi cử nhiều năm để đạt được mục đích. Phụ huynh cũng vì mục tiêu đó mà gây áp lực với con em mình. Dẫn đến tình trạng xã hội thừa thầy, thiếu thợ.

“Việc thiết kế các môn học cũng cho thấy, học sinh được giảm tải học hành, thay vào đó là đào tạo phát triển kỹ năng xã hội, kỹ năng thực nghiệm, thứ mà lâu nay học sinh chúng ta đang thiếu và yếu”, PGS Cương nói.

Chương trình đề ra mục tiêu đổi mới rất lớn, có nhiều môn học mới, để thực hiện được cần có lộ trình đào tạo giáo viên theo hướng tích hợp, đa năng, chuẩn bị cơ sở vật chất… chứ không thể ồ ạt áp dụng mà thành công ngay được.

Sẽ giảm nhồi nhét kiến thức ảnh 1

Học sinh Trường Tiểu học Quang Trung (Hà Nội) trong giờ học. Ảnh: Ngọc Châu.

Phát triển năng lực cá nhân

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, điểm mới tại dự thảo là ở các cấp học, học sinh được khuyến khích phát triển năng lực cá nhân. Giai đoạn giáo dục cơ bản, có rất nhiều môn phụ đưa vào giảng dạy như, thể thao có thể có bơi lội, đá bóng, đá cầu. Nghệ thuật có hát, múa, họa… Học sinh có khả năng riêng về bộ môn nào sẽ được khuyến khích học, không yêu cầu học đại trà.

Về giáo dục tiểu học, ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học Bộ GD&ĐT cho biết, chương trình, phương thức giáo dục cũng sẽ thay đổi. “Giáo dục đạo đức sẽ được gọi là giáo dục lối sống. Môn học sẽ rộng hơn, bao hàm cả kiến thức về an toàn giao thông, bảo vệ môi trường… Phương thức giáo dục cũng thay đổi”, ông Định nói.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nói thêm, để tổ chức, thực hiện được mục tiêu đào tạo theo chương trình mới, phải đổi mới, phát huy tính sáng tạo trong dạy và học. Ngành giáo dục sẽ thay đổi cách thức đánh giá học sinh. Nếu trước đây, đánh giá để biết học sinh học tập đến đâu thì nay đánh giá để học sinh rút ra khó khăn, kinh nghiệm học tập.

Theo ông Hiển, trước đây học sinh đến hết lớp 12 có khi chưa ý thức rõ định hướng nghề nghiệp, nay học sinh được dạy theo hướng tích hợp, phân hóa để có định hướng nghề nghiệp sớm hơn.

MỚI - NÓNG