Việt Nam vượt Mỹ, Úc về giáo dục phổ thông (?)

Việt Nam vượt Mỹ, Úc về giáo dục phổ thông (?)
TP - Theo đánh giá xếp hạng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), giáo dục phổ thông của Việt Nam vượt qua nhiều quốc gia có nền giáo dục tiên tiến như Mỹ, Anh để đứng thứ 12 trong bảng xếp hạng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nền giáo dục nước nhà đang yếu kém, cần nỗ lực đổi mới, chớ vội mừng vì kết quả trên.

Được biết, bảng xếp hạng này được tính toán dựa trên kết quả các kỳ thi môn Toán và Khoa học của học sinh đến từ 76 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thang điểm so sánh được tính theo chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) của OECD, xu hướng nghiên cứu quốc tế về toán học và khoa học của Mỹ… 

Theo đó, 5 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á được xếp đứng đầu bảng theo thứ tự là: Singapore, Hong Kong, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Việt Nam được xếp thứ 12, đứng trước Anh (thứ 20) và Mỹ (thứ 28). Nhiều quốc gia Đông Nam Á có vị trí khá khiêm tốn, Thái Lan chỉ xếp thứ 47, Malaysia đứng thứ 52.

Theo PGS Văn Như Cương, cảm giác của ông khi biết thông tin trên là khá ngạc nhiên. Bởi theo ông, lâu nay các chuyên gia trong nước vẫn đánh giá nền giáo dục của nước mình còn thấp kém. Ông phân tích, vì nền giáo dục của chúng ta còn xa rời thực tiễn, học sinh đang học vẹt, kiến thức đa phần là vô bổ. Nếu bỏ phiếu, toàn dân sẽ thấy họ chưa bằng lòng với cách dạy, học hiện nay. Cũng vì thế, các chuyên gia giáo dục lâu nay vẫn thường nói, cần có cuộc đổi mới toàn diện, tiến lên như những nước, vùng lãnh thổ trong khu vực như Thái Lan, Hong Kong hay Philippines… thì đột nhiên, Việt Nam lại được xếp thứ 12, vượt cả Mỹ, Úc về giáo dục. PGS Cương nói thêm “chúng ta phải biết nhìn nhận vào thực tiễn giáo dục trong nước, đừng vội hài lòng với xếp hạng đó vì có thể họ xếp hạng dựa vào một vài tiêu chí nổi trội”.

Một vị chuyên gia giáo dục khác lại băn khoăn về tiêu chí xếp hạng. Vị này cho rằng, nếu chỉ dựa vào các kỳ thi về toán và khoa học thì kết quả trên là dễ hiểu. Tuy nhiên, để tính đủ các yếu tố học sinh bỏ học giữa chừng, tỉ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp, lao động chủ yếu là chân tay, thủ công…sẽ thấy nền giáo dục chúng ta đang có nhiều vấn đề.

Vị chuyên gia này phân tích thêm, theo tổ chức OECD, nền giáo dục có mối quan hệ chặt chẽ với phát triển kinh tế là đúng. Nếu một quốc gia có nền giáo dục phát triển sẽ thúc đẩy nền kinh tế phát triển và ngược lại. “Trong khi Việt Nam, các chuyên gia giáo dục khẳng định, chất lượng đào tạo đang yếu kém. Một kỹ sư ra trường chưa thể làm được việc, đa số công nhân trong công trường mới chỉ trộn hồ, xúc cát... Điều này, chứng tỏ họ chưa được học hành hoặc có học nhưng kiến thức không ứng dụng được vào thực tiễn”, chuyên gia này nói.

Được biết, báo cáo về bảng xếp hạng này sẽ được trình bày tại Diễn đàn Giáo dục Thế giới diễn ra ở Hàn Quốc trong tuần tới. Theo các chuyên gia giáo dục, cần chờ đến thời điểm OECD công bố các tiêu chí đánh giá để thấy rõ hơn kết quả trên.

MỚI - NÓNG
Sau kỳ nghỉ 5 ngày, chứng khoán diễn biến ra sao?
Sau kỳ nghỉ 5 ngày, chứng khoán diễn biến ra sao?
TPO - Kết thúc kỳ nghỉ lễ 5 ngày, chứng khoán trong nước sẽ trở lại giao dịch vào ngày mai (2/5). Dù VN-Index đã lấy lại mốc 1.200 điểm, nhưng chuyên gia cho rằng nhịp điều chỉnh chưa xác nhận kết thúc. Thị trường sẽ có các nhịp rung lắc, nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn có thể tranh thủ nhịp hồi phục sắp tới để cơ cấu, hạ tỷ trọng về mức an toàn.
Quấy rối nhìn từ vụ ồn ào ở Nhã Nam
Quấy rối nhìn từ vụ ồn ào ở Nhã Nam
TPO - Sau vụ lùm xùm về quấy rối tình dục ở Nhã Nam, chắc hẳn nhiều doanh nghiệp cũng nhận ra tầm quan trọng của việc xây dựng một bộ quy tắc về ứng xử nội bộ và thường xuyên nâng cao nhận thức cho cán bộ nhân viên về quấy rối tình dục, không để đời sống riêng của cá nhân ảnh hưởng xấu tới tập thể và thương hiệu.