SCIC - Những thay đổi lớn về Người đại diện

CTCP Cảng An Giang- một trong những Doanh nghiệp SCIC thể hiện là cổ đông lớn năng động và trách nhiệm.
CTCP Cảng An Giang- một trong những Doanh nghiệp SCIC thể hiện là cổ đông lớn năng động và trách nhiệm.
TP - Mùa Đại hội cổ đông năm 2016, tại những Doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hoá có vai trò tham gia của Người đại diện phần vốn Nhà nước, dấu ấn để lại là sự thay đổi mạnh mẽ về “chất và lượng”. Kết quả có một phần không nhỏ đến từ nỗ lực thay đổi và kiện toàn hệ thống của Tổng công ty kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). 

Bước chuyển

Tại Vinaconex- nơi có cơ cấu cổ đông đa dạng bao gồm cổ đông Nhà nước (SCIC, VIETTEL) và các tổ chức, cá nhân với tỷ lệ sở hữu vốn tại Vinaconex là 57,79%, SCIC đã cử các nhân sự là lãnh đạo cấp cao để tham gia là thành viên HĐQT, thành viên BKS của Vinaconex.

Sự tham gia của Người đại diện SCIC có sự thay đổi từ tháng 04/2017, khi ông Nguyễn Đức Chi – chủ tịch HĐTV SCIC được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT của Vinaconex (kiêm nhiệm) và 1 cán bộ được cử tham gia thành viên HĐQT chuyên trách. Điều này giúp SCIC kịp thời nắm bắt được nhanh và sâu thực tế, kịp thời có những quyết định quan trọng phù hợp với thực tế doanh nghiệp (DN).

Dù chỉ một thời gian ngắn, nhưng SCIC đã kịp góp sức, vực dậy thương hiệu từng vang bóng này. Theo đó, SCIC đã giúp thông qua kế hoạch dài hạn của Vinaconex cho nhiệm kỳ 5 năm tới với mục tiêu tái cơ cấu mạnh mẽ vốn đầu tư của Vinaconex tại các DN, thu gọn đầu mối để tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính là Xây lắp và Bất động sản để tăng cường năng lực cạnh tranh và phát huy thế mạnh vốn có của Vinaconex. Hình thành 2 công ty về Xây lắp và Bất động sản do công ty mẹ sở hữu 100% vốn. Phấn đấu hàng năm cổ tức mang lại từ 10-15% cho các cổ đông

Vào ngày 22/12/2015, SCIC tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Cảng An Giang (Công ty) từ UBND tỉnh An Giang. Ngay lập tức, Tổng công ty cũng “xắn tay” vào hỗ trợ hoạt động quản trị của DN. Tại ĐHCĐ nhiệm kỳ 2016-2020, SCIC cùng các cổ đông khác đã thực hiện việc tách chức danh Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc; đồng thời đề cử 2/7 thành viên HĐQT độc lập.

Người đại diện CTCP Cảng An Giang của SCIC, ông Bùi Thành Hiệp cho biết: thời gian vừa qua SCIC đã thể hiện được vai trò, hình ảnh là cổ đông lớn năng động, trách nhiệm và chuyên nghiệp thông qua công việc SCIC đã và đang phối hợp đồng hành cùng Công ty trong việc triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, kế hoạch kinh doanh năm 2017 cũng như nhiệm kỳ 2016-2020.

SCIC - Những thay đổi lớn về Người đại diện ảnh 1

Kiện toàn hệ thống

Thay thế Người đại diện là cán bộ các cơ quan Nhà nước; tăng cường cử cán bộ Tổng công ty, cán bộ lãnh đạo DN làm đại diện vốn tại các DN quan trọng, có quy mô lớn hoặc tại các DN phát sinh những vấn đề phức tạp. Đó là điểm nhấn SCIC đã làm quyết liệt nhằm nâng cao hiệu quả quản trị các DN nơi Tổng công ty đại diện phần vốn Nhà nước.

Trên cơ sở đánh giá Người đại diện và Người quản lý DN tại các công ty TNHH MTV của SCIC, từ tháng 7/2017, Tổng công ty đi vào thí điểm áp dụng hệ thống quản trị nhân sự mới theo hướng chuẩn hoá nội dung, chất lượng và tiến độ đối với toàn bộ cán bộ, nhân viên là người lao động tại Tổng công ty (trong đó có cả các cán bộ của SCIC hiện đang là Người đại diện biệt phái đến các DN thành viên).

Với tư cách là một cổ đông năng động, chủ động, SCIC đặt ra yêu cầu đối với việc tham gia các ĐHCĐ bằng sự chuẩn bị chu đáo và chuẩn mực. SCIC đã ban hành quy chế quản trị vốn đầu tư tại các công ty cổ phần rất cụ thể, qua đó hướng dẫn cán bộ, người đại diện của SCIC các nội dung, quy trình tham gia ĐHCĐ. Đồng thời, SCIC phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) xây dựng và ban hành Bộ Quy tắc quản trị doanh nghiệp và Sổ tay Hướng dẫn biểu quyết dành cho người đại diện vốn tham khảo trước khi xin ý kiến của SCIC về các vấn đề liên quan để tham gia các cuộc họp HĐQT, ĐHCĐ.

Nhìn lại những phần việc đã làm được trong công tác Người đại diện hơn 10 năm qua, SCIC có thể tự hào vì những đóng góp về “chất và lượng” mình đã mang lại. Theo đó, Người đại diện thực hiện tốt chỉ đạo của Tổng công ty tiếp tục tái cơ cấu, cổ phần hóa các Công ty TNHH MTV theo Đề án Tái cơ cấu SCIC theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Người đại diện cũng phối hợp tốt với Tổng công ty và các cơ quan quản lý Nhà nước tập trung giải quyết dứt điểm những tồn tại của DN kinh doanh thua lỗ lớn. Trong bối cảnh thị trường không thuận lợi, Người đại diện đã phối hợp tốt với Tổng công ty xử lý các tồn tại, hỗ trợ tư vấn xây dựng hồ sơ bán vốn, giới thiệu nhà đầu tư, tạo điều kiện tốt để bán vốn thành công.

Năm 2016, SCIC bán vốn thành công tại 73 DN (trong đó bán hết vốn tại 71 doanh nghiệp, bán bớt 2 DN) và có 37 doanh nghiệp trong danh sách khó bán, thu về 16.112 tỷ đồng trên giá vốn 3.083 tỷ đồng (đạt 5,2 lần), chênh lệch tăng là 13.029 tỷ đồng.

Có thể nói, bước chuyển lớn trong kiện toàn hệ thống Người đại diện đã mang lại  những “trái ngọt” đầu tiên cho SCIC.  Sự thay đổi trong điều hành, quản trị, những quyết sách năng động kịp thời từ Người đại diện đã, đang và sẽ góp phần hỗ trợ DN hoạt động ngày một hiệu quả, tốt và bền vững hơn.

Theo SCIC, tính đến 31/7/2017, tổng số danh mục đầu tư của Tổng công ty tại 141 doanh nghiệp, với vốn nhà nước theo giá trị sổ sách là 19.558 tỷ đồng trên tổng số vốn điều lệ là 94.927 tỷ đồng, bao gồm: 134 Công ty cổ phần; 02 Công ty TNHH 2 thành viên trở lên; 05 Công ty TNHH MTV. Việc quản lý vốn nhà nước được thực hiện thông qua 227 Người đại diện (tính đến ngày 31/7/2017) , tương ứng với 253 lượt người đại diện, trong đó có 171 Người đại diện là cán bộ DN (chiếm tỷ lệ hơn 75%).

MỚI - NÓNG