Chiều 4/8, Tổng công ty kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) bất ngờ thông tin công bố lộ trình tiếp tục bán vốn 3% tại Tổng công ty Sữa Việt Nam – Vinamilk (mã CK: VNM). Theo đó, thương vụ 3,33% vốn tại doanh nghiệp này dự kiến sẽ “mở bán” vào tháng 10/2017.
Phát biểu tại buổi gặp mặt trao đổi, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐTV SCIC cho biết, lộ trình bán vốn này vừa được Thủ tướng phê duyệt. Theo đó, Thủ tướng và Chính phủ cho phép SCIC triển khai tiếp tục bán 1 phần vốn Nhà nước tại VNM trong 2017.
Cụ thể, số lượng cổ phần chào bán trong năm 2017 là 48.330.000 CP tương đương 3,33% vốn điều lệ của VNM. Số 3,33% nằm trong 3,6% vốn điều lệ chưa bán hết đợt chào bán 2016. “Năm 2016, SCIC định bán 9% nhưng sau đó bán thành công 5,4% còn 3,6% và nay lãnh đạo CP quyết định bán 3,33%. Với số lượng bán này, sau khi bán xong thì vốn Nhà nước sẽ còn 36% tại VNM. Đây là con số còn lại có ỹ nghĩa quản trị và vai trò cổ đông lớn”, Ông Chi khẳng định.
Ông Chi cũng cho biết thời gian thực hiện dự kiến “mở bán” vào tháng 10/2017. Nhưng nếu làm được nhanh hơn thì càng tốt vì thị trường đang có yếu tố thuận lợi. . Nếu để kéo dài, lâu cũng sẽ không tốt. “SCIC phấn đấu càng sớm càng tốt trên cơ sở đầy đủ thủ tục theo quy trình với sự công khai minh bạch để nhà đầu tư chuẩn bị đủ và tham gia đông đủ nhất”. Ông Chi cho biết.
Về đối tượng tham gia sẽ không giới hạn và mở rộng cho các NĐT trong và ngoài nước có quan tâm, đủ điều kiện theo quy định. Trong quá trình triển khai, SCIC phối hợp chặt chẽ với VNM để giới thiệu cơ hội đầu tư cho NĐT trong và ngoài nước quan tâm. Các thông tin chi tiết bán cổ phần như giá khởi điểm, cách thức mua bán, khối lượng tối thiểu… SCIC sẽ công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng sớm nhất có thể để nhà đầu tư có thể nghiên cứu. Giá khởi điểm sẽ sát thời điểm bán để sát thị trường.
Rút kinh nghiệm đợt bán vốn VNM năm 2016, đại diện SCIC khẳng định trong quá trình xây dựng phương án lần này sẽ cố gắng khắc phục các vấn đề hạn chế của đợt chào bán 2016 ( những bất cập, ảnh hưởng đến NĐT như quản lý ngoại hối, quản lý NĐT chứng khoán nước ngoài về mã giao dịch sẽ phối hợp UBCKNN, NHNN để tháo gỡ sớm)
Phiên đấu giá VNM được mở bán tại Hose cuối năm 2016 dù chỉ bán được 60% cổ phần rao bán nhưng cuối cùng SCIC đã đem về hơn 11 ngàn tỷ, chênh vượt 800 tỷ so với dự kiến ban đầu
Trả lời câu hỏi về đợt quảng bá kế hoạch roadshow bán vốn lần này ở trong nước ngoài sẽ ra sao, thời điểm nào, có hay không thay đổi tư vấn so với trước? Chủ tịch HĐTV SCIC phương án lần này sẽ cân nhắc giới thiệu tại các trung tâm tài chính nhưng đi đâu, thị trường nào thì được quyết định sau.
Liên quan đến việc chọn tư vấn, vì là đợt bán tiếp của 3,6% của năm ngoái nên SCIC đang tính toán, cân nhắc phạm vi công việc tư vấn cần thiết theo quy định và đánh giá của SCIC và xây dựng phương án tư vấn và từ đó lựa chọn nhà tư vấn. “Nhà tư vấn nào thì hiện chưa quyết định. Quan trọng là tận dụng tư vấn của năm 2016 càng tốt”, lãnh đạo SCIC nói.
Nhìn nhận về đợt thoái vốn này, Chủ tịch SCIC cũng lạc quan cho rằng thời điểm lựa chọn thị trường khá tốt. Chưa kể các yếu tố khác như VNM từ đầu năm hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn cần lưu ý tránh kéo dài có những rủi ro của thị trường mà không kiểm soát được ví như nếu để muộn các quỹ đóng lại đi nghỉ noel và đóng quỹ vào hết tháng 12.
Vào ngày 12/12/2016, SCIC đã thực hiện bán cổ phần tại Vinamilk theo kế hoạch. Kết quả, SCIC đã bán hết được 60% số cổ phần chào bán (chiếm 5,4% vốn điều lệ), giá trị thu về là 11.286 tỷ đồng, gấp 28 lần so với giá vốn. Tại thương vụ này, SCIC đã thu về giá trị gia tăng tới hơn 800 tỷ đồng do bán được cổ phần tại mức giá 144.000 đồng/cổ phần (cao hơn so với giá thị trường ngày chốt phiên giao dịch là 133.700 đồng).