Sau vụ khủng bố ở Đắk Lắk, cần nắm bắt tốt hơn nữa tình hình cơ sở

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Vụ việc xảy ra ở Đắk Lắk vừa qua nhận được nhiều sự quan tâm tại hội nghị giao ban công tác 6 tháng đầu năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 của Ban Dân vận Trung ương, diễn ra chiều 12/7.

Không để bị động, bất ngờ

Tại hội nghị, ông Vy Tư Liệu, Vụ trưởng Vụ Đoàn thể nhân dân, Ban Dân vận T.Ư, báo cáo kết quả công tác dân vận của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương.

Báo cáo cũng phản ánh sự lo lắng của nhân dân trước tình trạng một số tổ chức phản động, chống phá, lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, sự thiếu hiểu biết của một bộ phận nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số tập hợp, thu hút và huấn luyện để tấn công, chống phá Đảng, Nhà nước.

Sau vụ khủng bố ở Đắk Lắk, cần nắm bắt tốt hơn nữa tình hình cơ sở ảnh 1

Đồng chí Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Thường trực T.Ư Đoàn trao đổi tại hội nghị

Điển hình là vụ việc xảy ra vào ngày 11/6, một nhóm người bị thế lực phản động lôi kéo đã dùng vũ khí tấn công vào trụ sở công an xã Ea Tiêu và Ea Ktur (huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk).

Theo bà Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam, qua vụ việc ở hai xã này, người dân cũng mong muốn có thông tin nhanh, chính thức, kịp thời từ cơ quan chức năng.

Trao đổi về vấn đề này, anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Thường trực T.Ư Đoàn, cho biết, ngay sau khi xảy ra vụ việc, T.Ư Đoàn đã cử cán bộ xuống cơ sở ở tại đó trong 2 tuần liên tiếp để nắm bắt tình hình, hằng ngày báo cáo thông tin đầy đủ; đồng thời tổ chức hội nghị tập huấn cho cán bộ chủ chốt tại tại Lâm Đồng vào ngày 24/6.

Ông Phạm Tất Thắng – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận T.Ư nhấn mạnh, qua vụ việc ở Đắk Lắk, cần phải làm tốt hơn công tác nắm bắt tình hình trong nhân dân, không để bị động, bất ngờ. Nhiệm vụ trọng tâm được Ban Dân vận T.Ư đề ra trong thời gian tới là cần chú trọng nắm chắc tình hình nhân dân, tình hình các giai tầng xã hội. Qua đó, kịp thời tham mưu đề xuất tổ chức các diễn đàn trao đổi, đối thoại và tiếp xúc, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng, sáng kiến của nhân dân.

Sau vụ khủng bố ở Đắk Lắk, cần nắm bắt tốt hơn nữa tình hình cơ sở ảnh 2

Ông Phạm Tất Thắng – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận T.Ư phát biểu

Hỗ trợ doanh nghiệp trong nước vượt qua khó khăn

Báo cáo của Ban Dân vận T.Ư cũng cho thấy, nhân dân lo lắng trước tình hình các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn vì đơn hàng bị cắt giảm làm cho việc làm, thu nhập đời sống của một bộ phận người lao động gặp nhiều khó khăn. Sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp không hiệu quả, thua lỗ, thu nhập của người lao động ở nhiều ngành, nghề giảm sút khá nghiêm trọng.

“Nhân dân lo lắng nếu kéo dài tình trạng này thì một số doanh nghiệp lớn sẽ tiếp tục rời khỏi thị trường, đời sống của người lao động sẽ rơi vào tình trạng khó khăn chồng khó khăn; tình trạng ngừng việc tập thể tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài diễn ra ngày càng nhiều; người lao động đồng loạt rút bảo hiểm xã hội một lần khi nghỉ việc diễn biến phức tạp”, báo cáo nêu.

Trao đổi về vấn đề này, bà Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng, tình trạng thiếu việc làm, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của nhân dân, cần được quan tâm, phản ánh, tăng cường giải pháp khắc phục, có chương trình an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động mất việc làm.

Cùng mối quan tâm, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, vào thời điểm năm 2022, khi dịch bệnh COVID-19 giảm, doanh nghiệp cố giữ chân người lao động. Nhưng sang năm nay, sức chịu đựng của họ dường như đã cạn kiệt, nên ai kết thúc hợp đồng, họ sẽ cho nghỉ việc. Trong bối cảnh đó, Tổng Liên đoàn đã ban hành nghị quyết, chia sẻ khó khăn với người lao động và doanh nghiệp, giúp họ vượt qua khó khăn.

“Doanh nghiệp đang rất khó, đường ra chông chênh do ảnh hưởng bởi thị trường chung của thế giới. Nên chăng, trong 6 tháng cuối năm, cần vận động, làm tốt hơn chủ trương “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước vượt qua khó khăn”, ông Hải cho hay.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng cho thấy, tình trạng thao túng thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp vẫn diễn ra rất phức tạp, có nơi gây bức xúc vì người dân, nhà đầu tư đã chi tiền mua nhà ở, đất ở của các dự án nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, đến nay họ chưa nhận được nhà ở, đất ở...

MỚI - NÓNG