Sáng sớm 4/2, trên quốc lộ 1A, đoạn qua huyện Bình Chánh và quận Bình Tân (nối giữa TPHCM với các tỉnh miền Tây) hướng từ miền Tây lên TPHCM dòng người bắt đầu đổ dồn về thành phố.
Ngồi nghỉ chân dưới cầu vượt gần bến xe miền Tây, vợ chồng anh Nguyễn Văn Ba, quê ở Tiền Giang cho biết, anh chị về quê ăn Tết từ 27 Tết, đến nay về lại thành phố để chuẩn bị cho ngày 6/2 đi làm.
Tại Bến xe miền Tây (phường An Lạc, quận Bình Tân, TPHCM), hàng trăm chuyến xe chở khách từ các tỉnh miền Tây lần lượt ra vào bến. Theo chị Nga, quê ở Cà Mau, làm việc tại KCN Tân Tạo, chuyến xe của chị gần như kín chỗ, đa số người trên xe đều làm công nhân, về quê ăn Tết như chị.
Tại bến xe miền Đông (quận Bình Thạnh), các tuyến xe khách miền Bắc, Trung và Tây Nguyên cũng liên tục cập bến trả khách. Hành khách nào xuống xe cũng va li, túi xách lỉnh kỉnh.
Các tuyến xe như Huế, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Lắk… lượng xe bắt đầu đổ về thành phố ngày một đông đúc. Tại bãi đỗ của bến xe miền Đông, từng đoàn xe nối đuôi nhau ra vào, hàng trăm hành khách đợi lấy hành lý. Đội ngũ xe ôm, xe buýt ở đây hoạt động hết công suất.
Theo một nhân viên bảo vệ bến xe, những ngày tới, lượng hành khách các tỉnh đổ về thành phố sẽ tiếp tục nhiều hơn vì lượng người miền Bắc và miền Trung làm việc ở TPHCM khá lớn.
Đầu giờ chiều hôm qua, trên tuyến quốc lộ 1A nối liền Đồng Nai- TPHCM hàng ngàn chiếc xe máy nối đuôi nhau hướng vào thành phố. Nhiều người chọn xe máy làm phương tiện di chuyển vì tiện lợi và kinh phí thấp. Anh Nguyễn Thành Hưng (32 tuổi, quê Đồng Nai) cùng vợ và con trở lại thành phố cho biết, công ty anh làm việc từ mồng 6 Tết, nhà cách thành phố không xa nên cả gia đình di chuyển bằng xe máy cho tiện.
Tuyến quốc lộ 13, quốc lộ 1K cũng tập trung đông xe máy hướng vào thành phố. Nhiều xe máy bị cán phải đinh, hết xăng giữa đường khiến cả gia đình phải dắt chiếc xe cồng kềnh đi những đoạn đường dài mới tìm được trạm xăng hoặc tiệm sửa xe.
Nhà ga, sân bay kín người ra vào
Tương tự các bến xe, tại ga Sài Gòn cũng bắt đầu đón một lượng lớn người từ miền Bắc và miền Trung về thành phố.
Dòng người trở lại TP.HCM làm việc sau Tết Nguyên đán
Ông Quang, quê ở Nha Trang vào TPHCM làm ăn hơn 20 năm cho biết, năm nay gia đình ông 9 người gồm vợ chồng, dâu rể và con cháu về Nha Trang ăn Tết. “Xa quê bao nhiêu năm nhưng đây là lần đầu tiên tôi dẫn toàn bộ gia đình về quê ăn Tết. Mấy đứa con lần đầu về thăm quê nên đứa nào cũng mua nhiều quà lắm, chỉ có đi tàu mới chứa nổi thôi”, ông Quang nói.
Trong khi đó, gia đình anh Nhân, quê ở Quảng Ngãi, bán hàng ăn ở chợ Bình Tây cũng đi tàu SE3 vào Sài Gòn nhưng do hết vé nên gia đình anh 5 người thì phải có 2 người ngồi ghế phụ.
“Ngồi ghế phụ khổ lắm, nhưng do hết vé, với lại ngày mồng 6 Tết tốt ngày, tôi muốn bán mở hàng để lấy hên đầu năm nên khổ mấy gia đình tôi cũng phải đi”, anh Nhân nói.
Trong khi đó, ở sân bay Tân Sơn Nhất, dòng người xếp hàng dài để chờ làm thủ tục bay với vẻ mặt mệt mỏi. Bế đứa con gái trên tay, anh Chương, quê ở Đà Nẵng cho biết, do trong Tết giá vé quá đắt, đi Đà Nẵng mất hơn 2 triệu đồng nên vợ chồng anh ở lại thành phố ăn Tết, ra Tết vé rẻ nên mới về quê thăm ông bà, anh em.
“Gần 1 tiếng đứng chờ làm thủ tục bay mà vẫn chưa tới lượt, vợ chồng tôi cũng mệt mỏi lắm, nhưng bù lại tiết kiệm được gần 3 triệu tiền vé để mua quà cho gia đình”, anh Chương nói.
Trong khi đó ở chiều ngược lại, lượng hành khách đáp sân bay cũng đông không kém. Chị Ly, quê ở Hà Nội vừa đáp sân bay trưa 4/2 nói: “Khi về quê ăn Tết đông người không nói, giờ vào lại làm việc người đi cũng đông không kém, may là mình đặt vé trước đó gần cả tháng”.
Theo tìm hiểu của PV, các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet Air hay Jetstar, giá vé máy bay đi Hà Nội, Vinh, Huế, Đà Nẵng từ ngày mồng 3 Tết trở đi khá rẻ nên nhiều người chọn làm phương tiện đi lại. Vì thế, sân bay Tân Sơn Nhất có rất đông người làm thủ tục cất cánh.