Sau Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ chuyển sang công kích Đức

Ảnh ông Erdogan trong cuộc biểu tình ở Rotterdam, Hà Lan, ngày 11/3.
Ảnh ông Erdogan trong cuộc biểu tình ở Rotterdam, Hà Lan, ngày 11/3.
TPO - Tổng thống Recep Tayyip Erdogan gọi Thủ tướng Đức Angela Merkel là “kẻ hỗ trợ khủng bố”, sau khi thách thức sẽ đưa Hà Lan ra Tòa án Nhân quyền châu Âu vì không cho phép quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nhập cảnh vào nước này.

Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình A Haber vào tối ngày 13/3, sau một cuộc họp nội các tại thủ đô Ankara, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cảnh báo, sẽ đưa Hà Lan ra Tòa án Nhân quyền châu Âu vì nước này từ chối cho phép quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nhập cảnh.

Ông Erdogan cũng cam kết sẽ triển khai “bất cứ biện pháp trừng phạt nào mà chúng tôi có” để “buộc Hà Lan có trách nhiệm”, theo trích dẫn của Reuters.

Không chỉ đề cập đến Hà Lan, ông Erdogan cũng lặp đi lặp lại lời buộc tội trước đó, cáo buộc Đức hỗ trợ khủng bố.

“Bà Merkel, tại sao bà lại giấu khủng bố trong đất nước của bà?... Tại sao bà không làm bất kỳ điều gì?... Bà Merkel, bà là kẻ hỗ trợ khủng bố”, vị tổng thống nhấn mạnh.

Ông Erdogan cho biết thêm, 4.500 hồ sơ của Ankara về các nghi phạm khủng bố, chủ yếu là người Kurd, đều không đạt được kết quả trong đề nghị dẫn độ với Đức.

Trước đó, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ tố, lãnh sự quán Đức tại Istanbul đã “trợ giúp và tiếp tay” cho chủ nghĩa khủng bố, vì che giấu cho nhà báo Đức-Thổ Nhĩ Kỳ Deniz Yucel khoảng 1 tháng trước khi giao nộp cho nhà chức trách. Yucel bị buộc tội hoạt động khủng bố, kích động và tham gia lực lượng ly khai PKK Kurd.

“Gây hấn” với cả châu Âu

Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ đang “gây hấn” với cả châu Âu, bắt nguồn từ bài phát biểu thuyết phục hàng triệu người Thổ sống ở nước ngoài bỏ phiếu ủng hộ mở rộng quyền hành pháp của tổng thống trong cuộc trưng cầu dân ý sửa đổi Hiến pháp vào tháng Tư tới.

Lo ngại bất ổn, nhiều nước châu Âu đã có động thái ngăn cản ý định này của Thổ Nhĩ Kỳ. Đức, Áo, Thụy Sỹ từ chối cho các chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ vận động ở nước họ. Hà Lan “cấm cửa” máy bay chở Ngoại trưởng Thỗ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu vào nước này. Nước này cũng ngăn cản bộ trưởng phụ trách các vấn đề gia đình của Thổ Nhĩ Kỳ vào lãnh sự quán nước này ở Rotterdam.

Đáp trả lại những động thái trên, ông Erdogan trút cơn thịnh nộ vào Hà Lan và liên tục sử dụng thuật ngữ “phát xít” để nói về nước này, bất chấp làn sóng phản đối từ châu Âu.

Vào tối 13/3, Ankara tuyên bố, cấm các đại sứ Hà Lan ở nước này trở về nước và không cho phép bất kỳ quan chức nào vào Thổ Nhĩ Kỳ cho đến khi cuộc khủng hoảng được giải quyết.

Erdogan cũng cáo buộc EU "không trung thực" trong hiệp ước hợp tác di dân ký tháng 3/2016. “Họ hứa viện trợ 6 tỷ euro, nhưng chỉ có 750 triệu euro được chuyển đến cho đến nay. Họ cũng hứa hẹn du lịch miễn thị thực, dự kiến sẽ áp dụng vào cuối năm 2016, nhưng điều đó đã không xảy ra”, nhà lãnh đạo 63 tuổi của Thổ Nhĩ Kỳ nói.

Erdogan còn khẳng định sẽ “xem xét lại” mối quan hệ giữa Ankara và Brussels (Bỉ).

Ngày 13/3, hai quan chức cấp cao cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đang dự tính rút khỏi thỏa thuận di cư.

Theo Theo RT
MỚI - NÓNG