Sau đổ bộ Mặt trăng, Ấn Độ phóng thành công tàu nghiên cứu Mặt trời

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ấn Độ vừa phóng tàu vũ trụ đầu tiên chuyên nghiên cứu về Mặt trời, đánh dấu một tháng với những thành công lịch sử cho chương trình vũ trụ dân sự của nước này.
Sau đổ bộ Mặt trăng, Ấn Độ phóng thành công tàu nghiên cứu Mặt trời ảnh 1

Tàu vũ trụ Aditya-L1 trước khi được phóng. (Ảnh: CNN)

Tàu vũ trụ Aditya-L1 được phóng từ Sriharikota, một hòn đảo ngoài khơi Vịnh Bengal, lúc 11h50 sáng 2/9 theo giờ địa phương. Tàu vũ trụ đang hướng tới một điểm trên quỹ đạo cách Trái đất khoảng 1,5 triệu km.

Con tàu Aditya-L1được phóng thành công chỉ chưa đầy 2 tuần sau khi Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ làm nên lịch sử khi đáp tàu đổ bộ Chandrayaan-3 xuống khu vực cực nam Mặt trăng, đưa Ấn Độ trở thành quốc gia thứ tư trên thế giới và là quốc gia thứ hai trong thế kỷ 21 hạ cánh tàu đổ bộ an toàn xuống Mặt trăng.

Sứ mệnh Chandrayaan-3 dự kiến sẽ kết thúc vào tuần tới.

Video phóng tàu Aditya-L1:

Còn Aditya-L1 đang hướng tới đến điểm Lagrange 1, khu vực nằm giữa Mặt trời và Trái đất, nơi lực hấp dẫn của cả hai thiên thể triệt tiêu lẫn nhau. Vị trí đó sẽ cho phép Aditya-L1 tiếp tục ở trên quỹ đạo, tại vị trí tối ưu để quan sát hoạt động của Mặt trời với mức tiêu thụ nhiên liệu thấp.

Theo cơ quan vũ trụ Ấn Độ, vị trí này sẽ mang lại lợi thế lớn hơn cho việc quan sát các hoạt động của Mặt trời và ảnh hưởng của nó đến thời tiết không gian trong thời gian thực.

Tàu vũ trụ mang theo 7 dụng cụ khoa học. Mục tiêu chính của sứ mệnh là nghiên cứu bầu khí quyển phía trên của Mặt trời và các hiện tượng Mặt trời khác nhau, như hiện tượng vành nhật hoa.

Thông tin thu thập được từ các thí nghiệm của Aditya-L1 sẽ cung cấp bức tranh rõ ràng hơn về thời tiết không gian, nghĩa là các sóng từ lan truyền trong Hệ Mặt trời của chúng ta. Theo Cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ, các trận bão không gian có thể tác động đến Trái đất khi chúng đi đến bầu khí quyển của chúng ta, đôi khi ảnh hưởng đến vệ tinh, liên lạc vô tuyến và cả lưới điện.

Aditya-L1 của Ấn Độ sẽ bổ sung thông tin thu thập được từ các sứ mệnh khác được thiết kế để nghiên cứu Mặt trời, bao gồm tàu thăm dò mặt trời Parker của NASA, tàu vũ trụ đầu tiên “chạm tới” Mặt trời từ năm 2021.

Sứ mệnh chuyên nghiên cứu Mặt trời đầu tiên của Ấn Độ góp phần nâng cao vị thế của đất nước này như một siêu cường vũ trụ mới nổi.

Theo CNN
MỚI - NÓNG