Sắp thanh tra việc mua sắm thiết bị y tế, kít xét nghiệm tại Bộ Y tế, Hà Nội và TP.HCM

0:00 / 0:00
0:00
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương
TPO - Thanh tra Chính phủ đã có quyết định thực hiện thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch COVID -19 tại Bộ Y tế, thành phố Hà Nội và TP.HCM.

Chiều 8/12, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, với những chính sách mới, cần rà soát đánh giá tác động đầy đủ, bảo đảm tính khả thi.

Về nhân lực tham gia tiêm chủng, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị người nhiễm COVID-19, cần giới hạn để có cơ chế quản lý, kiểm soát chặt chẽ với quy định rõ ràng, tránh việc lạm dụng khi tình hình chưa đến mức, hoặc không còn “đe dọa nghiêm trọng nữa”. Bộ Y tế cũng nên có hướng dẫn cụ thể với đối tượng là sinh viên, đối tượng đào tạo sau Đại học để hỗ trợ thực hiện một số hoạt động khám chữa bệnh, chứ không phải tất cả.

Về nội dung khám bệnh, chữa bệnh từ xa, theo ông Phương, quy định này còn chung chung, không khác gì tư vấn sức khoẻ, nên cần quy định rõ bằng các văn bản dưới luật. Với chế độ chính sách đối với người được điều động tham gia phòng, chống dịch, Phó Chủ tịch Quốc hội cơ bản đồng tình, vì các lực lượng, nhất là lực lượng ngành Y tế, thời gian vừa rồi rất vất vả. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, cần có quy định cụ thể, tránh bị lạm dụng và đưa những người không đủ tiêu chuẩn vào danh sách để trục lợi chính sách.

"Nhưng ngành Y tế, còn các ngành khác thì sao, Chính phủ đã tính đến chưa? Tham gia phòng chống COVID-19 vừa qua có rất nhiều lực lượng. Cán bộ cơ sở bây giờ cũng bức xúc lắm, nhiều người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” cũng muốn thôi không làm nữa, thì đã tính đến chưa? Khi ngành Y tế được, các ngành khác so bì thì sao?”, ông Phương nêu.

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, các nguồn chi trả gồm có ngân sách nhà nước, BHYT, thu từ dịch vụ y tế và các nguồn thu khác. Trong đó ngân sách Trung ương đảm bảo cho các cơ sở thu dung, điều trị do Trung ương lập. Ngân sách địa phương đảm bảo cho các cơ sở do địa phương thành lập và Ngân sách Trung ương hỗ trợ cho các địa phương có khó khăn. Ông Hưng cũng nhất trí với việc huy động các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân trên cơ sở có quy định về thu giá dịch vụ y tế.

"Chúng tôi nhất trí với Bộ Y tế trình theo hướng ngân sách nhà nước đảm bảo chi phí thực tế khám chữa bệnh COVID-19. Đối với bệnh khác, trong trường hợp không bóc tách được, thì ngân sách nhà nước đảm bảo trả toàn bộ. Tiền công, tiền lương người tham gia công tác phòng chống dịch do ngân sách nhà nước đảm bảo”, ông Hưng nêu rõ, đồng thời nhất trí bổ sung thêm trang thiết bị y tế vào các mặt hàng bình ổn giá.

Liên quan đến kiểm toán, ông Vũ Văn Họa, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, thời gian vừa qua, nếu “tính toán, soi kỹ” để bảo đảm chính xác thì rất khó. “Tôi đã làm việc với một số tỉnh, nhất là TP.HCM, các đồng chí có ý kiến là đến lúc dịch cứ tiêu thôi, không phân nguồn nào là ngân sách… Thời gian tới chúng tôi sẽ kiểm toán”, ông Họa cho hay.

Về nhóm cơ chế chính sách, theo Phó Tổng kiểm toán, với tuyến đầu chống dịch, ai tham gia là được, kể cả các bộ, ngành chứ không riêng ngành Y tế. Liên quan đến an sinh xã hội, theo ông Họa, qua kiểm toán thấy nhiều khoản kinh phí chuyển từ MTTQ sang Bộ Y tế “không chi được” vì vướng cơ chế chính sách, nhất là mua sắm trang thiết bị. Nếu không có cơ chế gỡ vướng sớm, ngành Y tế không tiến hành mua sắm phục vụ khám chữa bệnh được.

Cũng theo đại diện kiểm toán, hiện Thanh tra Chính phủ đã có quyết định thực hiện thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch COVID -19 tại Bộ Y tế, thành phố Hà Nội và TP.HCM. “Kiểm toán xin ý kiến, chúng tôi giới hạn không kiểm toán việc mua sắm này, vì nói thật, khi vào kiểm toán, chúng tôi sợ không có đường ra. Bởi mua sắm mỗi ông một kiểu, vì dịch, lúc đó mua được là mua thôi”, Phó Tổng kiểm toán cho hay.

Theo Phó Tổng giám đốc BHXH Phạm Lương Sơn, qua khảo sát số lượt khám chữa bệnh cho bệnh nhân COVID-19 đến 9/11/2021: có khoảng trên 1 triệu bệnh nhân được Bộ Y tế công bố chi phí bình quân ở TP.HCM để điều trị cho 1 bệnh nhân khoảng 4,1 triệu đồng, toàn quốc là 1,26 triệu đồng. Tính theo tỉ lệ chung, qũy BHYT chi cho khoảng 20 – 25%, nằm trong khả năng quỹ dự phòng BHYT cùng ngân sách có thể hỗ trợ được.

MỚI - NÓNG