Sắp có gói Bảo hiểm y tế bổ sung cho người có điều kiện

0:00 / 0:00
0:00
Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi đang được thảo luận đã bổ sung thêm chính sách về hình thành và phát triển gói BHYT bổ sung bên cạnh BHYT bắt buộc. Gói BHYT bổ sung được định hướng từ sự đóng góp của những người có khả năng tài chính và nhu cầu, chi trả cho các khoản chi phí y tế nằm ngoài phạm vi chi trả của BHYT bắt buộc áp dụng chung cho mọi người.

Dự thảo Luật BHYT sửa đổi đang được Bộ Y tế nghiên cứu hoàn thiện, một trong những điểm mới được đề xuất đưa vào dự luật là chính sách về gói BHYT bổ sung, nhằm xây dựng các gói quyền lợi y tế ngoài phạm vi chi trả của BHYT, tăng quyền lợi và giảm chi từ “tiền túi” của người bệnh. Dự kiến, gói BHYT bổ sung do người dân tự nguyện tham gia theo nhu cầu và khẳng năng của mình, sau khi đã tham gia BHYT bắt buộc.

Gói BHYT bổ sung được định hướng sẽ bao phủ chi trả phần chi phí tăng thêm trong khám chữa bệnh, như: Phần đồng chi trả với BHYT, quyền lợi tăng thêm mà người bệnh có nhu cầu, dịch vụ tăng thêm so với các dịch vụ đang được BHYT hiện hành cung cấp. Mức phí BHYT bổ sung do đơn vị kinh doanh bảo hiểm quy định, trên nguyên tắc về mức phí do nhà nước quy định, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, phạm vi chi trả không được trùng lắp với BHYT bắt buộc.

Quỹ BHYT bổ sung là quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước, hình thành từ nguồn đóng BHYT bổ sung của người tham gia và các nguồn thu hợp pháp khác, được sử dụng để chi trả chi phí y tế bổ sung ngoài phạm vi thanh toán của BHYT bắt buộc.

Quyền lợi BHYT bổ sung bao gồm các quyền lợi bổ trợ và nâng cao. Theo đó, các quyền lợi bổ trợ gồm: Được thanh toán các khoản chi phí đồng chi trả ngoài mức hưởng của BHYT bắt buộc, các dịch vụ ngoài phạm vi được hưởng của BHYT bắt buộc. Các quyền lợi nâng cao bao gồm: Được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng tốt hơn, được chọn cơ sở cung cấp dịch vụ y tế theo yêu cầu.

Sắp có gói Bảo hiểm y tế bổ sung cho người có điều kiện ảnh 1

Ông Dương Tuấn Đức - Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến, BHXH Việt Nam.

Ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến (BHXH Việt Nam) cho biết, Nghị quyết 20-NQ/TW năm 2017 của Trung ương nhấn mạnh mục tiêu đa dạng các gói BHYT. Do đó, Dự thảo Luật BHYT sửa đổi cần minh bạch 2 nội dung, là BHYT bắt buộc bổ sung, hay BHYT tự nguyện bổ sung. Nếu là BHYT tự nguyện bổ sung, người dân tự nguyện tham gia theo nhu cầu, sẽ phải thực hiện theo Luật Kinh doanh bảo hiểm; nếu là BHYT bắt buộc bổ sung mới đưa vào Luật BHYT.

Trên thế giới, song song với BHYT cơ bản, nhiều quốc gia cũng triển khai chương trình bảo hiểm sức khỏe khác, như: Bảo hiểm sức khỏe cho người cao tuổi, khám chữa bệnh tại nhà, khám bệnh sàng lọc… Việc người dân tham gia BHYT bắt buộc bổ sung có thể giúp đa dạng hóa quyền lợi khám chữa bệnh, giúp người dân được khám sức khỏe định kỳ, khám sàng lọc một số bệnh nguy hiểm... Nếu được triển khai, BHYT bắt buộc bổ sung sẽ góp phần tăng nguồn lực chi trả, mở rộng quyền lợi BHYT.

Về quy định BHYT bổ sung trong Dự thảo Luật BHYT sửa đổi, ông Đức cho rằng, quy định về nội dung này trong dự luật có thể khiến BHYT tự nguyện bổ sung lấn sân sang BHYT thương mại. Đồng thời, cũng cần làm rõ việc chia sẻ thông tin y tế liên quan người bệnh và bảo mật thông tin của người dân.

Hiện, Việt Nam có khoảng 50 doanh nghiệp bảo hiểm thương mại đang cung cấp các sản phẩm bảo hiểm sức khoẻ. Năm 2022, doanh thu phí bảo hiểm sức khỏe (gồm cả sản phẩm sức khoẻ trong bảo hiểm nhân thọ) của các doanh nghiệp này trên 43.500 tỷ đồng.

Chia sẻ tại một hội thảo mới diễn ra gần đây góp ý cho Dự thảo Luật BHYT sửa đổi, bà Nguyễn Thị Hồng Chi, đại diện Cục Quản lý giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết: Quy định BHYT bổ sung tại dự luật cần nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng. Trong đó, đảm bảo không chồng chéo, mâu thuẫn với Luật Kinh doanh bảo hiểm; khả năng liên kết giữa BHYT xã hội và bảo hiểm thương mại. Đồng thời, cần làm rõ nội dung liên kết, hợp tác giữa BHYT xã hội và BHYT thương mại về sản phẩm, chia sẻ thông tin y tế, chia sẻ thông tin về giám định y tế để chi trả quyền lợi bảo hiểm.

Đại diện Bộ Y tế cho hay, các chính sách đưa vào Dự thảo Luật BHYT sửa đổi lần này đều hướng tới mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân; huy động nguồn tài chính chăm sóc sức khoẻ nhân dân và giảm chi trực tiếp từ túi tiền của người dân; hạn chế rào cản tài chính tới chăm sóc sức khoẻ của người dân, tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực.

Do đó, Dự luật bổ sung chính sách BHYT bổ sung trên cơ sở người dân đã tham gia BHYT xã hội. BHYT bổ sung sẽ giúp chi trả các chi phí y tế nằm ngoài phạm vi chi trả của BHYT bắt buộc. Cùng với đó, tăng tỷ lệ tham gia BHYT đạt bao phủ BHYT toàn dân; bảo đảm quyền lợi BHYT phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khoẻ, khả năng chi trả của quỹ BHYT. Tạo công bằng, thuận lợi cho việc cung ứng, sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT; nâng cao hiệu quả hoạt động của tuyến y tế cơ sở. Nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và quản lý, sử dụng quỹ BHYT.

MỚI - NÓNG