Sắp áp thuế tối thiểu toàn cầu, doanh nghiệp FDI muốn 'bù đắp' gì?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Dự kiến, từ năm 2024, khi Việt Nam áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu (TTTTC), hàng loạt doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn tại Việt Nam như Samsung, Intel, LG, Bosch, Sharp, Panasonic, Foxconn sẽ chịu tác động. Doanh nghiệp FDI mong muốn cơ quan chức năng sớm có giải pháp bù đắp số tiền đóng thuế này, nhằm tạo điều kiện ưu đãi cho doanh nghiệp (DN) tiếp tục hoạt động tại Việt Nam.

Ngày 18/4, Bộ Tài chính tổ chức hội thảo Quy tắc TTTTC - kinh nghiệm áp dụng của quốc gia, dự kiến tác động và khuyến nghị giải pháp cho Việt Nam. Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, sự phát triển của kinh tế số và toàn cầu hoá đang ảnh hưởng lớn đến các quốc gia. Nhiều loại hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ thông tin ra đời đặt ra thách thức mới cho cơ quan quản lý. Đặc biệt, biện pháp quản lý thu thuế phù hợp nhằm ngăn chặn hành vi làm “xói mòn” cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận.

Ông Choi Joo Ho - Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung tại Việt Nam - cho biết, bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, nếu không ứng phó triệt để với chính sách TTTTC sẽ dẫn tới sự gia tăng khó khăn cho rất nhiều DN FDI.

Sắp áp thuế tối thiểu toàn cầu, doanh nghiệp FDI muốn 'bù đắp' gì? ảnh 1

Samsung là một trong những DN sẽ chịu tác động của TTTTC Ảnh Samsung

“Chính phủ Việt Nam cần quyết đoán trong quá trình ứng phó với thuế tối thiểu toàn cầu này. Với tư cách là DN, chúng tôi có một số kiến nghị về phương án hỗ trợ duy trì năng lực đầu tư của doanh nghiệp FDI và chính sách ưu đãi có liên quan. Việt Nam cần xây dựng hình thức hỗ trợ nhằm bù đắp cho DN FDI bị ảnh hưởng do áp dụng TTTTC. Phương án triển khai hình thức hỗ trợ này sẽ tùy theo đặc điểm của từng loại hình DN để có tiêu chuẩn áp dụng kèm theo”, ông Choi Joo Ho kiến nghị.

Ông Robert King - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam - kiến nghị, Chính phủ nên có chính sách hỗ trợ cho nhà đầu tư để tăng tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Chính sách ưu đãi như: Hỗ trợ trực tiếp vào chi phí đầu tư, chi phí nghiên cứu và phát triển. Hỗ trợ chi phí đầu tư xây dựng công trình bảo vệ môi trường, hoạt động giảm phát thải...

Trong thời điểm kinh tế suy thoái có thể xem xét việc hỗ trợ các chi phí liên quan đến phúc lợi cho nhân viên như: Chi phí xây dựng ký túc xá cho công nhân, nhà trẻ, trạm y tế phục vụ cho công nhân tại khu công nghiệp. Hỗ trợ khoản chi phí để giảm giá thành sản xuất như hỗ trợ tiền điện, tiền xe đưa đón công nhân.

TTTTC là loại thuế đánh vào DN lớn, công ty đa quốc gia có doanh thu lớn, nhưng đầu tư vào những nước có mức thuế suất thấp, nhằm trốn thuế, tiềm ẩn nguy hại về cạnh tranh không lành mạnh.

Theo ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, hiện tại có khoảng 335 dự án có số vốn đầu tư đăng ký trên 100 triệu USD hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại các khu kinh tế và khu công nghiệp và đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn 15%. Trong đó, chủ yếu DN trong lĩnh vực công nghệ cao như: Samsung, Intel, LG, Bosch, Sharp, Panasonic, Foxconn, Pegatron...

Theo bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam. Khi áp dụng TTTTC, cơ quan chức năng không nên hỗ trợ ưu đãi cho DN FDI bằng tiền.

MỚI - NÓNG