Tuy nhiên, nói về sáng tạo thì anh phải hiểu sáng tạo là gì, chứ không phải anh vào rồi cứ nêu ý kiến của mình. Người ta đã thiết lập cách vận hành công ty của người ta, làm sao anh có thể biết được. Anh vào rồi cứ đưa đủ ý kiến hết, cuối cùng sẽ làm nát cả hệ thống tổ chức của họ thì làm sao được.
Một người ở bên Úc thường viết thư cho tôi, nói là:
“Nghề con làm thì rất tốt nhưng con xin ở đâu, làm được một thời gian thì cứ bị người ta đuổi. Và suốt bao nhiêu năm rồi, cứ hễ làm chừng tháng thì họ đuổi. Dù việc đó người ta rất cần nhưng con cứ bị đuổi hoài.”
Tôi hỏi: “Cô có biết tại sao người ta đuổi mình không?”
Cô ấy nói: “Con đi lên hỏi mấy thầy thì mấy thầy nói cái nghiệp của con nặng lắm. Đời trước con kém tu nên nghiệp của con nặng. Con phải đi tu một thời gian để trả hết nghiệp này thì con mới đi làm được.”
Tôi hỏi là: “Thế cô đã đi tu chưa?”
Cô bảo: “Con đã cạo đầu xuất gia, vào chùa ở sáu tháng rồi. Tu Mật tông, Nam tông, Nguyên thủy, Đại thừa, tu theo Tây Tạng cũng có rồi… Nhưng con tu mấy năm rồi mà bây giờ đi xin việc làm vẫn cứ bị đuổi hoài.”
Tôi mới nói: “Không chừng nhiều khi có những người bị đuổi là vì mình có nhiều sáng kiến quá. Mình vào công ty mà không chịu lắng nghe người ta, cứ nói theo kiểu của mình. Chắc có lẽ nếu tôi làm giám đốc công ty, tôi cũng không cần mấy người đó. Mình đã nhức đầu rồi mà nghe nó nói hoài như vậy thì thôi đuổi quách cho rồi. Thà mình chấp nhận hãng bị lỗ còn sướng hơn là cứ nghe nó nói hoài nhức đầu lắm. Tôi thấy có nhiều trường hợp như vậy.”
Cô ấy nói: “Chắc là đúng đó thầy. Chắc con bị vụ này, vì cứ vào là con góp ý. Bây giờ con niệm chú thì có thể trị hết bệnh nhiều chuyện này không thầy?”
Tôi trả lời: “Cô đã trì chú hai, ba năm rồi mà có hết đâu. Bây giờ mình đã thấy bệnh của mình rồi thì phải quyết tâm dùng ý chí sửa nó, chứ không có chuyện trì chú gì trong này cả. Mình đã thấy rõ cái lỗi, cái khuyết điểm của mình rồi, phải quyết tâm sử dụng ý chí của mình, quyết tâm từ bỏ chuyện này.”
Do vậy, anh phải hiểu sáng tạo là gì, chứ không phải anh cứ nêu ý kiến của mình. Tôi bảo anh rửa chén thì anh cứ rửa chén. Trước đây anh rửa không vui, nhưng bây giờ anh sáng tạo rửa cách nào để vừa nhanh, vừa sạch, vừa vui. Đó là sáng tạo, chứ không phải anh nói rằng là “Ôi, tôi cần gì rửa chén. Rửa chén thế nào cũng được.” Cái đó không phải! Nhiệm vụ của anh là nằm trong cả một hệ thống, một dây chuyền. Anh giữ nhiệm vụ rửa chén thì anh phải rửa chén cho thật tốt, ví dụ vậy.
Sáng tạo là trong nhóm hay bản thân anh có một ý kiến hay một ý tưởng nào đó làm việc năng xuất cao hơn mà đem lại lợi ích cho hãng nhiều hơn và anh cảm thấy vui hơn. Tức là nó chỉ nằm trong công việc của anh thôi, chứ nằm ngoài việc của anh thì không được.
Anh ngồi đây mà thấy người kia làm bậy thì đâu có được. Làm sao anh biết người đó làm trúng hay làm bậy?! Chuyện của hãng thì có rất nhiều chuyện, làm sao anh biết được. Anh không thấy anh mà cứ thấy người ta hoài thì chết rồi, người ta đuổi anh là đúng thôi.
Quý vị thấy rằng nếu không hiểu sáng tạo thì mình cứ vào rồi góp ý mãi. Người ta phải đuổi thôi vì người ta làm việc không được.
Trích audio “Gia đình và công ty” – 10/08/2010
Bạn có thể tìm hiểu thêm nhiều nội dung phong phú tại website: www.minhtriet.vn hoặc www.duytue.org (điện thoại hỗ trợ: 08.39115501 hoặc 04.37228199) |