Sản vật địa phương vẫn tiêu thụ chủ yếu qua thương lái

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nhiều đặc sản như bơ, cà phê, xoài... là thế mạnh của Đắk Nông, Hậu Giang nhưng vẫn chưa đưa được nhiều hàng trực tiếp vào siêu thị, mà chủ yếu tiêu thụ thông qua thương lái.

Ngày 30/6, tại TPHCM đã diễn ra chương trình kết nối giao thương do Sở Công Thương TPHCM, Sở Công Thương Đắk Nông, Sở Công Thương - Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hậu Giang phối hợp tổ chức, nhằm giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của tỉnh Đắk Nông, tỉnh Hậu Giang với các siêu thị, nhà phân phối trên địa bàn thành phố.

Sản vật địa phương vẫn tiêu thụ chủ yếu qua thương lái ảnh 1

Bơ 034 nhận được sự quan tâm của nhiều khách hàng tại TPHCM

Đem bơ 034 vào giới thiệu với các hệ thống siêu thị ở TPHCM, ông Võ Đình Nguyên, Giám đốc HTX Nông nghiệp - Dịch vụ Đồng Lợi (TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) cho biết, bơ Đắk Nông rất nổi tiếng nhưng sản phẩm vẫn tiêu thụ qua thương lái tại địa phương và thiếu tính ổn định về giá. HTX đã có kế hoạch triển khai tổ chức lại sản xuất, mở rộng thành viên, vùng nguyên liệu, áp dụng quy trình sản xuất thống nhất theo tiêu chuẩn của đối tác và khách hàng.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Quý, Giám đốc Công ty Cà phê Hương Quê Đắk Nông cho biết, sản phẩm cà phê của công ty đạt chuẩn OCOP 3 sao và đã vào hệ thống siêu thị Co.opmart.

Ông Quý dự định kết nối các siêu thị tại TPHCM khi sức mua tại thị trường này rất lớn. “Hiện nay, tất cả mọi thứ đều tăng theo giá xăng dầu, chi phí nguyên liệu tăng 5-7%, riêng phân bón tăng hơn 10%. Nhưng chúng tôi vẫn giữ giá để tiếp cận thị trường. Cà phê Robusta chúng tôi bán 210.000 đồng/kg, cacao doanh nghiệp khác bán với giá 350.000-380.000 đồng/kg, trong khi chúng tôi bán chỉ 300.000 đồng/kg. Bây giờ chấp nhận lời ít miễn là có lời để tạo điều kiện sản phẩm tiếp cận người tiêu dùng” – ông Quý bộc bạch.

Sản vật địa phương vẫn tiêu thụ chủ yếu qua thương lái ảnh 2

Nông sản ngon, sạch giới thiệu tại TPHCM

Phó Giám đốc Sở Công Thương Đắk Nông Võ Công Tuấn cho rằng, Đắk Nông là một trong 5 tỉnh Tây nguyên có các điều kiện để phát triển các loại cây trồng tạo ra những mặt hàng nông sản có năng suất và chất lượng cao được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Hiện nay các loại nông sản tiêu biểu của tỉnh bao gồm các sản phẩm như cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, khoai lang, ngô và nhiều cây ăn trái khác là xoài, bơ, sầu riêng….

Những loại cây trồng trên đã sản xuất ra một lượng hàng hóa lớn đảm bảo tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Tuy nhiên, với đặc thù là một tỉnh có điều kiện cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn, hệ thống kênh phân phối hiện đại nhỏ lẻ, sức tiêu thụ tại địa phương còn thấp trong khi đó sản lượng từ cây trồng của tỉnh tương đối lớn cà phê 350.000 tấn, tiêu 60.000 tấn, điều 20.000 tấn, các loại cây ăn trái như bơ 14.000 tấn, xoài 6.000 tấn…

“Mặc dù sản phẩm nông nghiệp của Đắk Nông rất đa dạng về chủng loại, có chất lượng cao, tuy nhiên đầu ra hiện nay không ổn định, chưa kết nối được với các DN chế biến, tiêu thụ nông sản, chưa khẳng định được thương hiệu trên thị trường cũng như cầu nối đầu ra bền vững cho người nông dân. Nông sản của tỉnh vào được hệ thống siêu thị tại TPHCM còn rất ít”- ông Tuấn nói.

Sản vật địa phương vẫn tiêu thụ chủ yếu qua thương lái ảnh 3

Nhiều doanh nghiệp hy vọng sẽ đưa hàng vào siêu thị trong dịp kết nối này

Về phía nhà phân phối, đại diện MM Mega Market Việt Nam cam kết sẽ không ngừng quảng bá, tiếp thị hàng Việt chất lượng cao đến rộng rãi người tiêu dùng, nhất là những sản phẩm đặc trưng, thế mạnh địa phương trên cả nước.

Hiện tại, MM Mega Market cũng đang triển khai đồng hành cùng người nông dân Việt phát triển nông sản hữu cơ, tốt cho sức khỏe với sản lượng dồi dào để đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong nước.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM, thành phố là thị trường lớn nhất cả nước, thu nhập bình quân đầu người cũng cao nhất nước, sức mua rất lớn. Do đó, TPHCM không chỉ là thị trường các nhà sản xuất trong nước hướng đến, mà các doanh nghiệp nước ngoài cũng rất quan tâm.

“TPHCM có thế mạnh về hệ thống phân phối hiện đại. Khi tiếp cận được hệ thống này sẽ xây dựng được thương hiệu, quảng bá được nhiều đối tượng khách hàng. Các siêu thị phải lựa chọn hàng hóa tốt nhất, chất lượng nhất để đưa lên quầy kệ. Vì vậy, các siêu thị luôn đòi hỏi sản phẩm đưa vào luôn có thương hiệu, việc nhận sản phẩm mới có nhiều khó khăn, điều kiện khắt khe về giá cả, chất lượng, cách thức giao hàng… Do đó các nhà cung cấp cũng phải tính toán cân nhắc, có giải pháp thì mới kết nối hiệu quả” – ông Phương nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG