Saigon Co.op - Hội nhập với tâm thế chủ động

Các chuỗi bán lẻ của Saigon Co.op luôn chiếm được niềm tin của người tiêu dùng. Ảnh: Ðại Dương
Các chuỗi bán lẻ của Saigon Co.op luôn chiếm được niềm tin của người tiêu dùng. Ảnh: Ðại Dương
TP - Là nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam, Saigon Co.op đã và đang tập trung nguồn lực để tiếp tục dẫn dắt thị trường bán lẻ trong tương lai. Tổng giám đốc Nguyễn Thành Nhân chia sẻ với Tiền Phong về những chiến lược, ấp ủ của Saigon Co.op trên bước đường tiến sâu vào hội nhập. 

Tự tin cạnh tranh bằng lợi thế riêng

Với việc gia nhập TPP, Việt Nam  hội nhập sâu vào thị trường thế giới, cánh  cửa thị trường trong nước mở toang, Saigon Co.op có nhiều lo ngại, thưa ông?

Chúng tôi đủ tự tin bước vào sân chơi hội nhập, bởi thực tế chúng tôi đã có bước chuẩn bị, cũng được cọ xát và cạnh tranh từ trước. Từ 15 năm trước các nhà bán lẻ nước ngoài đã vào thị trường Việt Nam và số lượng này tăng theo từng năm. Cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhưng như anh thấy, Saigon Co.op vẫn không ngừng lớn mạnh, với trên 180 điểm bán hàng (tính đến Tết Bính Thân 2016), gồm các chuỗi siêu thị Co.opmart, cửa hàng Co.op Food, đại siêu thị Co.op Xtra, Trung tâm thương mại Sense City, HTV Co.op, Vivo City, Cửa hàng co.op. Mở cửa hội nhập sâu với thế giới là xu hướng tất yếu, bất cứ doanh nghiệp (DN) nào muốn phát triển bền vững đều phải chấp nhận xu thế đó và phải tính toán cho mình các phương án để hoạt động và phát triển trong bối cảnh như vậy.

Ông tự đánh giá, Saigon Co.op có những lợi thế cạnh tranh gì trên thị trường bán lẻ?

“Trong quá trình hội nhập, chúng tôi luôn lấy cái lõi, xuyên suốt quá trình phát triển của tổ chức hợp tác xã, luôn tận tâm phục vụ, gắn kết với khát vọng hướng đến lợi ích cộng đồng làm kim chỉ nam cho hoạt động của mình”.

(Nguyễn Thành Nhân- Tổng giám đốc Saigon Co.op)

Tinh thần phục vụ nhiệt tình, tận tâm và thái độ thân thiện, gần gũi với khách hàng của nhân viên Co.opmart là điểm mạnh và lợi thế cạnh tranh của Saigon Co.op. Những đánh giá này là kết quả của các cuộc nghiên cứu thị trường khách quan và độc lập. Co.opmart hiểu sâu sắc về nhu cầu, sở thích của người tiêu dùng Việt, đó cũng là điểm mạnh và là lợi thế lớn thứ nhất của chúng tôi.

Lợi thế thứ hai của Saigon Co.op là chúng tôi đang sở hữu mạng lưới phân phối phủ khắp cả nước. Ðây là điều rất quan trọng đối với một đơn vị bán lẻ, giúp cho khách hàng thuận tiện trong việc tiếp cận, mua sắm.

Cho đến thời điểm này, chúng tôi tự hào là hệ thống bán lẻ có nguồn hàng dồi dào, phong phú và được kiểm soát chặt chẽ từ đầu vào, đảm bảo đến mức cao nhất về chất lượng hàng hóa và an toàn vệ sinh thực phẩm.Và đây là điểm mạnh thứ ba của Saigon Co.op.

Chủ động hội nhập

Saigon Co.op chuẩn bị những gì để phát huy lợi thế của mình và đón lấy cơ hội từ hội nhập, thưa ông?

Saigon Co.op - Hội nhập với tâm thế chủ động ảnh 1

TGÐ Saigon Co.op Nguyễn Thành Nhân.

Có 3 việc chúng tôi tập trung chuẩn bị và thực hiện trong thời gian tới. Thứ nhất, tập trung tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực. Chúng tôi tuyển chọn những người có năng lực, yêu thích công việc, sau đó đào tạo họ trở thành những người thật sự tận tâm, tận lực phục vụ khách hàng với tính chuyên nghiệp cao. Ðây là chìa khóa giúp cho đơn vị bán lẻ như Saigon Co.op có được sự gắn kết với khách hàng.

Thứ hai, tập trung phát triển nguồn hàng, dịch vụ hậu cần logictis để nguồn hàng đến được điểm bán một cách tốt và hiệu quả nhất. Saigon Co.op sẽ đầu tư phát triển hệ thống logictics hiện đại xứng tầm quốc tế, đảm bảo cho hệ thống phân phối của Saigon Co.op hoạt động hiệu quả. Về xây dựng nguồn hàng, chúng tôi không chỉ dừng ở mức độ liên kết với các nhà sản xuất, nông dân, nhà cung cấp mà còn đầu tư phát triển vùng nguyên liệu để có được chân nguồn hàng thật tốt, thật chất lượng và đảm bảo kiểm soát thật đầy đủ các quy trình để từ đó phục vụ khách hàng với những hàng hóa chất lượng tốt nhất và giá thành tốt nhất.

Thứ ba là tập trung phát triển mô hình và mạng lưới phân phối. Một mặt chúng tôi tiếp tục phát triển mạng lưới đối với các mô hình sẵn có trên tinh thần lựa chọn những địa điểm phù hợp vừa thuận tiện cho người tiêu dùng vừa đảm bảo hiệu quả, phát triển chắc chắn các chuỗi hiện có. Mặt khác, chúng tôi nghiên cứu và phát triển những mô hình thương mại mới để đáp ứng ngày càng tốt hơn những nhu cầu đa đạng của người tiêu dùng.

Không vì lợi nhuận mà đi ngược niềm tin của khách hàng

Saigon Co.op được biết đến là đơn vị đồng hành với các DN Việt, và ở mức độ nào đó còn là sự nâng đỡ các nhà sản xuất trong nước phát triển. Hiện nay, tỷ lệ hàng Việt trong các hệ thống của Saigon Co.op chiếm vị trí, tỷ lệ thế nào, thưa ông?

Khoảng 90% lượng hàng hóa trong hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op là hàng Việt. Nói một cách công bằng, không phải Saigon Co.op nâng đỡ các DN sản xuất trong nước, mà là chúng tôi cùng các DN đồng hành, gắn kết với nhau và nâng đỡ lẫn nhau. Vào thời điểm Co.opmart ra đời (năm 1996) mọi người đều nghĩ siêu thị là bán hàng ngoại nhập với giá cao, siêu thị đồng nghĩa với “siêu giá”, cho nên chúng tôi tính toán, muốn thu hút khách vào siêu thị, mình phải làm khác đi, chứ hàng ngoại nhập, giá cao sẽ bán không được nhiều và không phù hợp với bản chất hợp tác xã. Chúng tôi chọn cách làm bạn với mọi nhà, đúng như slogan của mình đề ra. Với hướng đi đó, chỉ có hàng Việt Nam chất lượng cao là thích hợp, điều đó tạo nên sự cộng hưởng và thành công của Saigon Co.op cũng nhờ các nhà sản xuất hàng Việt Nam chất lượng cao. Từ trước tới nay, hệ thống Co.opmart luôn ưu tiên cho hàng Việt.

Khi đã hội nhập sâu, hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, hàng hóa các nước tràn vào rất  nhiều và có thể giá sẽ rẻ hơn hàng hóa trong nước, nếu tiếp tục không lựa chọn hàng nước ngoài, liệu Saigon Co.op có còn ưu thế cạnh tranh?

Như đã nói, ngoài các chuỗi bán lẻ hiện hữu, Saigon Co.op sẽ có thêm nhiều mô hình thương mại mới để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Hàng Việt vẫn ưu tiên, nhưng với những mô hình mới, như bán hàng trực tuyến chẳng hạn, thì cần hàng mới, độc đáo, lúc đó chúng tôi lựa chọn những mặt hàng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, kể cả hàng ngoại nhập. Các nhà sản xuất hàng Việt cũng phải thay đổi, phải tự cải tiến chất lượng,  mẫu mã sản phẩm. Lựa chọn sản phẩm là quyền của người tiêu dùng.

Saigon Co.op cũng là nhà bán lẻ hiếm hoi có những động thái quyết liệt trong việc từ chối phân phối những sản phẩm được cho là không thích hợp với sức khỏe, an toàn của cộng đồng. Ðộng lực nào để Saigon Co.op làm điều đó, thưa ông?

Từ lâu chúng tôi từ chối phân phối thực phẩm tươi sống có nguồn gốc Trung Quốc vì sức khỏe người tiêu dùng. Cũng vì sức khỏe cộng đồng, chúng tôi cương quyết không bán gà thải loại có xuất xứ Hàn Quốc. Sản phẩm này vẫn được phép lưu hành, và ở thời điểm đó, chúng tôi đứng trước sức ép về cạnh tranh, lợi nhuận rất lớn nhưng khi thấy không an tâm về chất lượng nên Saigon Co.op vẫn quyết định nói không. Saigon Co.op từ chối lợi nhuận trước mắt để bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng. Không thể vì lợi nhuận mà mình đánh mất uy tin của mình, đi ngược lại với tiềm tin của người tiêu dùng dành cho mình. 

Saigon Co.op là một trong 5 đơn vị được UBND TP.Hồ Chí Minh lựa chọn bán hàng thực phẩm an toàn và đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP (tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt của Việt Nam) phục vụ Tết Bính Thân 2016 tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành lân cận. Saigon Co.op có 176 điểm bán với nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm đạt chuẩn an toàn thực phẩm tươi sống và đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Saigon Co.op hiện kinh doanh trên 4.000 mặt hàng thiết yếu phục vụ bữa ăn hàng ngày của người dân đạt các chứng nhận ISO, HACCP, GMP. Các mặt hàng còn lại đều đạt chuẩn an toàn thực phẩm, và đặc biệt là có 224 mặt hàng rau củ quả, thịt gà và trứng gà đạt tiêu chuẩn VietGAP đã được Saigon Co.op duy trì kinh doanh từ nhiều năm nay và đang được tiếp tục tăng cường. Từ đầu tháng 12, Saigon Co.op tăng cường đưa vào kinh doanh mặt hàng thịt heo đạt chứng nhận VietGAP cho tất cả Co.opmart, Co.op Xtra và Coop Food tại TP.Hồ Chí Minh, đồng thời sẽ phối hợp các địa phương nhân rộng đến các siêu thị trên cả nước.

MỚI - NÓNG