Từ Bắc vào Nam, chỗ nào ta cũng thấy những ngôi đình với kiến trúc niên đại khác nhau, là nơi hội tụ của những con người vùng đất ấy.
Nhà văn Kim Lân có truyện nổi tiếng với cái tên thật ngắn: “Làng” (đăng trên tạp chí Văn Nghệ năm 1948). Truyện kể về những người dân làng nọ rất hoang mang, dằn vặt, đau khổ khi nghe người ta tung tin “Cả làng chúng nó Việt gian theo Tây”.
Mọi chuyện chỉ được giải tỏa khi có thông tin giặc Pháp vừa vào tàn phá ngôi làng ấy. Người dân đau xót vì làng mình bị tàn phá, nhưng họ cũng vui mừng bởi giờ đây làng đã được minh oan: “Tây nó đốt nhà tôi rồi ông chủ ạ. Đốt nhẵn. Ông chủ tịch làng em vừa lên cải chính… Cải chính cái tin làng chợ Dầu chúng em Việt gian ấy mà. Láo! Láo hết, chẳng có gì sất”.
Tôi nhớ mãi lần trò chuyện, phỏng vấn bác Kim Lân. Nhà văn nói chuyện say sưa về làng của ông, một ngôi làng cổ kính ở xứ Kinh Bắc lưu giữ nhiều phong tục văn hóa cổ xưa.
Người ở Bắc Ninh thường tự hào họ sống gần sát thủ đô Hà Nội, nhưng luôn giữ được nét văn hóa riêng của mình, đặc biệt là phong tục hát Quan họ. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, để bảo vệ các ngôi đình làng tuyệt đẹp như đình Bảng, đình Diềm… nhiều người đã anh dũng ngã xuống trước mũi xe thiết giáp quân thù.
Tôi đi viết bài ở Phú Thọ, được nhà văn Phùng Phương Quý ở Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh này đưa đi thực tế, vào các ngôi đình cổ của tỉnh. Hai anh em đi qua những con đường làng đầy bụi đỏ, dân cư còn thưa thớt. Các ngôi đình làng còn giữ được nhiều nét văn hóa vô cùng độc đáo, nhất là hát xoan, tục phồn thực.
Điểm lại những di sản của Việt Nam được UNESCO tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại như Hát xoan, Quan họ… người ta đều thấy bóng dáng của các ngôi đình, nơi lưu giữ và là không gian diễn xướng của các loại hình nghệ thuật dân gian.
Mới đây, trên báo chí và mạng xã hội rộ lên thông tin việc mấy chục sắc phong của đình làng Phú Thọ đang được rao bán trên mạng nước ngoài. Một câu hỏi được đặt ra là làm sao những sắc phong từ thời phong kiến cho các ngôi đình lớn, mấy trăm năm được các làng quê lưu giữ rất tốt mà giờ đây lại rơi vào tay những kẻ buôn bán cổ vật của các nước?
Theo thông tin của các cơ quan tỉnh Phú Thọ, năm 2021 tại địa phương đã xảy ra vụ mất trộm 40 đạo sắc phong và một số sách cổ quý. Các cơ quan văn hóa Phú Thọ đang xác minh và đề xuất phương án “hồi hương” 40 bản sắc phong từ nước ngoài về đình cũ.
Một nhà sưu tập cổ vật nói với tôi: “Sau thời gian phản đế, phản phong, đặc biệt là cách mạng văn hóa thì ở Trung Quốc rất khan hiếm cổ vật. Thời gian gần đây phong trào mua bán cổ vật rộ lên ở Trung Quốc và người ta săn lùng mua cổ vật, kể cả mua từ Việt Nam, vì Việt Nam sử dụng chữ Hán nên nhiều sách cổ, thư tịch, đồ cổ, thậm chí sắc phong viết bằng chữ Hán”.
Chuyện mất mát sắc phong cho thấy công việc bảo quản, gìn giữ các đình làng nhiều nơi còn lỏng lẻo. Nhiều đình xuống cấp, thậm chí còn bị tháo dỡ để xây dựng các công trình mới, từ đó thất lạc, mất mát sách cổ, sắc phong.
Cách đây không lâu, việc mất mát sách cổ bằng chữ Hán, chữ Nôm xảy ra tại Viện Hán Nôm cũng khiến dư luận xôn xao. Một tiến sĩ văn học chia sẻ lo ngại của mình trên mạng xã hội: “Đừng để mất sách cổ, tài liệu, thư tịch cổ khẳng định chủ quyền đất nước!”.
Sắc phong chính là các văn bản viết trên giấy sắc, có ấn triện của vua, công nhận việc thờ thần của một làng. Sắc phong chính là thư tịch cổ cực kỳ thuyết phục để khẳng định chủ quyền của một vùng đất, một xứ sở, trực thuộc sự quản lý của nhà nước Việt Nam từ xa xưa.
Bảo vệ, gìn giữ các sắc phong cho đình làng cũng chính là giữ gìn thư tịch khẳng định chủ quyền của đất nước - đặc biệt là ở các vùng biên giới, hải đảo.