Thông tin trên được ông Đào Đức Tuấn, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Bình Định cho biết sáng 24/2.
Hình ảnh thầy trò đánh nhau - Ảnh cắt trên clip (nguồn Youtube)
Ông Tuấn cho biết, trước đó, trong cuộc họp Hội đồng kỷ luật ở Trường THPT Nguyễn Huệ, thầy Trần Anh Tuấn đã kiểm điểm và tự nhận hình thức kỷ luật sa thải.
Đối với học sinh N.P.N (người bị thầy đánh đầu tiên trong clip), em N. đã kiểm điểm và tự nhận hình thức kỷ luật là cảnh cáo. Tuy nhiên, sau khi bỏ phiếu, Hội đồng thống nhất chỉ kỷ luật em N. ở mức khiển trách.
Học sinh N.T.L (người bị đánh sau và lên gối đánh lại thầy) đã kiểm điểm và tự nhận hình thức đuổi học có thời hạn. Quyết định kỷ luật dành cho L. nhẹ hơn một bậc là chỉ cảnh cáo vì theo ông Đào Đức Tuấn, học trò đến với môi trường sư phạm là để được giáo dục về kiến thức lẫn nhân cách. Hình thức xử lý kỷ luật với học sinh trong trường hợp này cũng phải được xem xét có tình, có lý.
“Hơn nữa, các em không phải là người sai trước”, ông Tuấn khẳng định.
Riêng em Đ.D.T. là người quay clip, Sở không có bất cứ một hình thức kỷ luật nào.
Trước đó, chiều 23.2, ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, chỉ đạo cần phải xử lý nghiêm vụ thầy trò đánh nhau ở Trường THPT Nguyễn Huệ và kiểm điểm trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường.
Theo ông Lộc, không nên xử lý kỷ luật em Đ.D.T về việc sử dụng điện thoại trong lớp vì “em T. không dùng điện thoại di động để chơi game hay gọi điện mà để phản ánh tiêu cực”.
Đối với lãnh đạo Trường THPT Nguyễn Huệ, Sở GD-ĐT Bình Định chỉ đạo 3 điều:
Thứ nhất, căn cứ theo luật Lao động để chấm dứt hợp đồng với thầy Trần Anh Tuấn. Sau đó, trường phải chọn giáo viên giỏi, đảm trách mọi nhiệm vụ của thầy Trần Anh Tuấn trước đây, kể cả việc đứng lớp 11A1.
Thứ hai, tiếp tục ổn định tình hình nhà trường, quan tâm và tạo điều kiện cho hai em học sinh trong clip được học tập và rèn luyện, tránh tình trạng bỏ học.
Thứ ba, Ban Giám hiệu nhà trường phải kiểm điểm trách nhiệm giải quyết sự việc trên và báo cáo Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Định trước ngày 28.2.