Rút khỏi hiệp ước hạt nhân với Nga, Mỹ nhắm đến Trung Quốc, Triều Tiên

Sát thủ tàu sân bay DF-21 của Trung Quốc
Sát thủ tàu sân bay DF-21 của Trung Quốc
TPO - Bối cảnh của việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ra đời năm 1988 với Liên Xô (sau là Nga) đã xác tín các đánh giá trước đó rằng quyết định của Washington chủ yếu bắt nguồn từ các diễn tiến ở Đông Bắc Á, khu vực tập trung chiến lược mới của quân đội Mỹ, chứ không phải các diễn tiến ở châu Âu hay Nga.

INF ra đời khi Mỹ và Liên Xô lúc đó là các quốc gia mạnh nhất về quân sự, không có nước thứ ba nào có thể đối đầu hay cạnh tranh.

Hiệp ước này hạn chế mở rộng kho vũ khí của hai siêu cường, ngăn cản hai bên triển khai bất cứ tên lửa mặt đất nào có tầm bắn vượt qua 5.500km hoặc tên lửa chiến thuật tầm ngắn (dưới 500km).

Tuy nhiên, theo một phân tích trên militarywatch, việc triển khai kho vũ khí tiên tiến và đa dạng về chủng loại tên lửa đạn đạo của Trung Quốc và ở quy mô thấp hơn là Triều Tiên đã ngày càng làm xói mòn vị thế quân sự của Mỹ ở Đông Bắc Á trong thập niên 2010.

Trong khi đó, tham gia INF khiến Mỹ không thể đáp trả bằng việc triển khai những hệ thống vũ khí tương tự. Cả Trung Quốc và Triều Tiên đã triển khai tên lửa đạn đạo chống hạm và hai loại nổi tiếng nhất là “sát thủ tàu sân bay” DF-21D và DF-26 được cho là có thể tấn công tàu chiến Mỹ ở khoảng cách rất xa với tốc độ siêu thanh (từ Mach 5 trở lên. Mach 1 tương đương 1235km/h) với đầu đạn công ước hoặc đầu đạn hạt nhân.

Rút khỏi hiệp ước hạt nhân với Nga, Mỹ nhắm đến Trung Quốc, Triều Tiên ảnh 1

Tên lửa DF-26

Thông tin từ viện hải quân Mỹ xác nhận rằng các tàu chiến lớn nhất và đáng giá nhất của hải quân Mỹ hiện không thể chống lại nổi các cuộc tấn công như thế và điều này khiến quân đội Trung Quốc giành được vị trí lợi thế. Một ví dụ khác là việc triển khai tên lửa đạn đạo Hwasong-12 của Triều Tiên, có tính năng tương tự như DF-26 của Trung Quốc. Cả hai loại tên lửa này được mệnh danh là “sát thủ Guam”, ý nói có thể dễ dàng tấn công căn cứ quân sự Mỹ trên đảo Guam. Tổ chức tư vấn chiến lược Rand Corporation của Mỹ cho rằng các cuộc tấn công như thế có thể gây tổn thất nặng nền cho các lực lượng Mỹ trên hòn đảo ở Thái Bình Dương này. Tất nhiên Mỹ còn nhiều biện pháp phòng thủ, và có thể triển khai các tên lửa cận âm từ máy bay ném bom, tuần dương hạm và khu trục hạm ở khu vực, nhưng những tên lửa này có sức công phá thấp hơn và dễ dàng bị đánh chặn hơn nếu so với các tên lửa đạn đạo.

Không giống các tên lửa đạn đạo mặt đất triển khai trên các xe phóng di động của Trung Quốc và Triều Tiên như đã đề cập ở trên, vốn có năng lực sống sót cao và có thể bắt từ gần như bất cứ địa điểm nào, tính hiệu quả của máy bay ném bom và tàu khu trục có thể bị giảm thiểu nghiêm trọng nếu căn cứ không quân và hải quân trong khu vực bị phá hủy.

Rút khỏi hiệp ước hạt nhân với Nga, Mỹ nhắm đến Trung Quốc, Triều Tiên ảnh 2 Trung Quốc bắn thử tên lửa đạn đạo DF-26 được cho là có thể tấn công căn cứ Mỹ ở Guam

Do vậy trừ phi phải đối đầu với Nga, và chỉ một mình Nga, ở Đông Bắc Á, Mỹ sẽ luôn phải đối diện với sự hạn chế đơn phương đối với khả năng của mình (do các điều khoản ràng buộc của INF trong khi Trung Quốc hay Triều Tiên không phải là một bên tham gia hiệp ước). Mỹ sẽ thất thế nếu phải so găng với “một thế lực cạnh tranh rất mạnh” trong khu vực nếu vẫn còn chịu hạn chế của INF.

MỚI - NÓNG