Rò rỉ khí độc 'đe dọa' nghìn người: Xử trí thế nào nếu hít phải amoniac?

Rò rỉ khí độc 'đe dọa' nghìn người: Xử trí thế nào nếu hít phải amoniac?
TPO - Vụ rò rỉ khí amoniac của cơ sở chiết nạp gas May cao su Vĩnh Lộc hôm 10/10, tại ấp 2 xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh khiến cả ngàn người phải sơ tán, nhiều người nhập viện. Toàn bộ cây trồng vật nuôi trong khu vực này đều bị chết sạch. Nếu chẳng may hít phải khí này cần phải xử trí thế nào?  

TS Huỳnh Khánh Duy – khoa Kỹ thuật hóa học trường ĐH Bách Khoa TPHCM cho biết, amoniac là một trong những loại khí độc rất nguy hiểm. Ở nhiệt độ phòng, amoniac là khí không màu, có mùi hăng khai và nhẹ hơn không khí, dễ dàng hòa tan trong nước. Khí amoniac thường bị nén dưới dạng lỏng khi ra tiếp xúc với không khí sẽ chuyển thành hơi.

Ở dạng hơi nồng độ của nó sẽ rất cao. Vì vậy, những tai nạn về amoniac rất nguy hiểm bởi tốc độ lan rộng của hơi nhanh và ngưỡng gây độc từ tỉnh táo tới hôn mê rất hẹp. Một người vừa nhận thấy có biểu hiện cay mắt đã có thể chuyển sang trạng thái hôn mê khi tiếp xúc ở nồng độ cao.

Tùy theo liều lượng, nồng độ và thời gian tiếp xúc với amoniac mà mức độ ảnh hưởng khác nhau đối với cơ thể. Ở nồng độ cao, khí này có thể ngay lập tức gây phỏng da, mắt, mũi, họng, đường hô hấp, thậm chí dẫn đến mù, tổn thương phổi và tử vong. Hít phải amoniac nồng độ thấp hơn sẽ gây ho, kích ứng mũi, họng, nuốt vào cơ thể gây bỏng miệng, họng và dạ dày.

Phát hiện ra khí độc amoniac, cần di chuyển càng xa càng tốt. Nếu như chưa thể di chuyển ra xa, cần tìm phương tiện bảo vệ như găng tay, khẩu trang... làm sao cách ly không cho khí độc amoniac xâm nhập cơ thể.

Khi xâm nhập vào người, amoniac tác dụng với nước trong cơ thể tạo thành amoni hydroxit. Hóa chất này có tính ăn mòn và làm tổn thương tế bào. Các mô tổn thương lại bị thoát dịch sẽ làm biến đổi amoniac thành amoni hydroxit tiếp tục gây phỏng da, mắt, đường hô hấp, tiêu hóa.

Chất này còn phá hủy các nhung mao và niêm mạc đường hô hấp là những cơ quan bảo vệ cơ thể chống lại sự nhiễm trùng. Các tổn thương ở đường hô hấp có thể dẫn tới bệnh phổi mạn tính.

Rò rỉ khí độc 'đe dọa' nghìn người: Xử trí thế nào nếu hít phải amoniac? ảnh 1
Rò rỉ khí độc 'đe dọa' nghìn người: Xử trí thế nào nếu hít phải amoniac? ảnh 2
Rò rỉ khí độc 'đe dọa' nghìn người: Xử trí thế nào nếu hít phải amoniac? ảnh 3

Cây cối, vật nuôi chết rũ sau vụ rò khí amoniac ở Huyện Bình Chánh

Dấu hiệu nhận biết khi rò rỉ khí độc amoniac đó là mùi khí rất nồng nặc. Khí amoniac làm mắt cay xè, mặt bỏng rát và người tiếp xúc gần như không thở được.

Phát hiện ra khí độc amoniac, người dân cần di chuyển càng xa càng tốt. Nếu như chưa thể di chuyển ra xa, cần tìm cho mình phương tiện bảo vệ như găng tay, khẩu trang... làm sao cách ly không cho khí độc amoniac xâm nhập cơ thể. Trường hợp chưa thể di chuyển ra ngoài, hãy dùng vật dụng bịt kín việc rò rỉ khí amoniac, hạn chế tối đa việc phát tán khí độc. Nhanh chóng loại bỏ quần áo đã tiếp xúc với amoniac – TS Duy hướng dẫn.

Ở góc độ sức khỏe, BS Phan Văn Ngọc – Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho hay, khí này có thể gây tổn thương nghiêm trọng đa cơ quan. Với cơ quan hô hấp: ho, đau ngực, tức ngực, khó thở, thở khò khè. Với mắt, tai, mũi, và cổ họng: chảy nước mắt hay rát mắt, mù tạm thời, đau cổ họng, đau miệng, môi phồng lên.

Tim và mạch máu: tim đập nhanh, mạch yếu. Hệ thần kinh: chóng mặt, bồn chồn. Da: môi và đầu ngón tay hơi xanh, xuất hiện những vết bỏng nghiêm trọng nếu tiếp xúc khoảng một vài phút. Hệ tiêu hóa: đau dạ dày, ói. Đặc biệt, khi mật độ của khí amoniac trên 10.000 ppm có thể dẫn đến nguy cơ tử vong.

Trong gia đình nếu có sẵn bình chữa cháy thì có thể sử dụng để phun bọt vào nơi xuất hiện rò rỉ khí độc. Nếu không thì có thể thay thế bằng bình nước phun sương để làm giảm mật độ phủ khí độc.

Chú ý tuyệt đối không dùng nước dội trực tiếp lên cơ thể vì khí này lan trong không khí, hòa lẫn vào nước nên sẽ gây ảnh hưởng trầm trọng hơn đến sức khỏe con người. Phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.

Trường hợp nặng, nạn nhân ngất, ngưng tim, ngưng thở, cần hô hấp nhân tạo tại chỗ, gọi 115 hoặc dịch vụ cấp cứu chuyên nghiệp, đồng thời nhờ nhân viên y tế trực tổng đài hướng dẫn sơ cấp cứu, sau đó nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất” – BS Ngọc nhấn mạnh.

Các chuyên gia cũng lưu ý, không cho nạn nhân uống natri cacbonat hoặc các loại nước giải khát có ga. Nếu nạn nhân nôn thì phải để đầu thấp hơn chân để tránh vật nôn lọt vào phổi. Sau đó đưa nạn đến trạm y tế hoặc bệnh viện để cứu chữa.

Thông tin từ lãnh đạo huyện Bình Chánh cho hay, các nạn nhân của vụ rò rỉ khí  được cơ quan chức năng hỗ trợ 16 triệu đồng/người để điều trị tại bệnh viện Nguyễn Tri Phường và 6 triệu đồng cho nạn nhân điều trị tại bệnh viện Quốc Ánh. Riêng nạn nhân đang được chăm sóc đặc biệt là Thạch Sanh (nhân viên trạm chiết nạp) được hỗ trợ 26 triệu đồng. Hiện tại chính quyền đã có kế hoạch di dời trạm chiết nạp này cũng như các cơ sở hoạt động liên quan tới lĩnh vực an toàn cháy nổ, ra khỏi khu dân cư.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.