RIAV phản ứng yếu ớt

RIAV phản ứng yếu ớt
TP - Ngày 6-5, Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam (RIAV) tổ chức họp báo, thông báo chính thức về việc phản đối tăng giá tiền tác quyền do Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đưa ra từ đầu năm 2011 (giá tiền tác quyền của các ca khúc sẽ tăng gấp đôi so với trước.

Cụ thể, phí thu cho CD sẽ tăng từ 500.000 đồng/bài nhạc lên 1 triệu đồng/bài và phí thu cho DVD từ 750.000 đồng/bài tăng lên 1,5 triệu đồng/bài). Cuộc họp báo diễn ra không như những tuyên bố mạnh mẽ trước đó từ các thành viên của Hiệp hội.

Những lời tuyên bố như “Phá sản ngành ghi âm Việt Nam”, “Nhiều hãng băng đĩa sẽ đóng cửa vì mức thu phí cao”... đã không được phát biểu trong cuộc họp. Tham dự cuộc họp ngoài báo chí, chỉ có các nhà sản xuất băng đĩa - thành viên của RIAV. Chủ trì cuộc họp là ông Trần Chiến Thắng, Chủ tịch RIAV.

Ông Thắng cho rằng, trong hoàn cảnh khó khăn hiện tại của những thành viên RIAV, việc nâng giá sẽ gây nhiều khó khăn hơn cho các thành viên. Ông nói, trong thời gian tới, sẽ làm việc với ông Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam, nhằm tháo gỡ những khó khăn cho các thành viên.

Bà Trương Thị Thu Dung, Phó Chủ tịch RIAV, Giám đốc Trung tâm Băng nhạc Rạng Đông, nói rằng, các thành viên RIAV đã thống nhất sẽ gửi công văn thông báo cho VCPMC về việc đề nghị tạm ngưng thu phí tác quyền để giải quyết cụ thể vấn đề này.

Các thành viên cũng đề xuất kiến nghị với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TPHCM tạm thời cấp phép cho những băng đĩa chưa nộp phí bản quyền theo giá mới do VCPMC đưa ra. Nhiều ý kiến khác đề nghị áp dụng hình thức thu phí bản quyền theo doanh thu. Nghĩa là tùy theo doanh thu bán băng đĩa của các nhà sản xuất mà đưa ra giá cụ thể.

Kết thúc cuộp họp, các thành viên nhất trí sẽ gửi kiến nghị lên các cấp cao hơn nhằm giải quyết tình hình bế tắc hiện nay. Trước mắt, sẽ có một số nhà sản xuất tạm ngưng các chương trình đã định.

"Từ trước tới nay, chúng tôi luôn coi mối quan hệ với các nhạc sỹ là mối quan hệ thân thiết như răng với môi. Các nhạc sỹ có các sáng tác và chúng tôi là người đưa các sáng tác đó đến với công chúng, nếu sáng tác đó hay thì đôi bên cùng có lợi. Chúng tôi là nhà sản xuất đã trả phí tác quyền nhưng sau đó các đơn vị khai thác sẽ tiếp tục sử dụng các sản phẩm của chúng tôi và lại tiếp tục phải trả tiền tác quyền. Vì thế, bên VCPMC thu được nhiều hơn từ chính sự đóng góp ban đầu của các nhà sản xuất chúng tôi. " - Bà Trương Thị Thu Dung

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG