Rau thần dược nơi xứ Lạng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Những loại rau tự nhiên, mọc hoang, không mất công trồng cấy chăm bón mà từ đời này sang đời khác góp mặt trong bữa ăn của người Việt. Rồi qua nhiều thế hệ tiếp nhận, gìn giữ, truyền trao mà trở thành đặc sản, thành ký ức, thành mã nhớ của cả một vùng quê. Nơi nào dân sở hữu một loại rau đặc biệt như thế, họ đều gọi là “lộc của giời”.

Dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân, bên cạnh những món ăn quen thuộc như bánh chưng, thịt gà, măng, hành… thì lá sau sau rừng trở thành món rau sống không thể thiếu trong mâm cỗ của đồng bào các dân tộc xứ Lạng.

Ngược con đường đất mềm sau những ngày mưa xuân lắc rắc, bà Chu Thị Liên, người dân tộc Tày ở thôn Tân Liên, Gia Cát, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn đến những cây sau sau đang độ trổ lá mọc thẳng đứng trên dốc đồi, núi ngút ngàn. Bà nhìn lên cây, sai con trai trèo lên tìm hái lá non rồi giới thiệu: Sau sau là loại cây thân gỗ, mọc tự nhiên, còn có tên gọi khác là “sau trắng”, “phong hương” hay “bạch giao hương”. Cây sau sau mọc nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc, nhất là địa bàn bán sơn địa có nền nhiệt độ nóng ẩm, mưa nhiều. Nơi xứ Lạng, cây sau sau có ở hầu hết các huyện, nhưng tập trung nhiều tại các địa phương: Văn Quan, Cao Lộc, Bình Gia, Chi Lăng...

Lộc giời

“Do là cây thân gỗ, cao khoảng trên chục mét nên khi muốn hái những ngọn sau sau non chúng tôi phải chặt cành hoặc trèo lên cây. Lá sau sau non ra nhiều vào tháng Giêng, khi tiết trời dần trở ấm và có chút mưa phùn. Chúng tôi chọn ngọn sau sau khi mới bật mầm từ 3 đến 5 lá để thu hái, rất xanh tươi và sạch tự nhiên. Sau sau có hai loại: màu lá tím và trắng đục. Người tiêu dùng ưa thích loại màu tím hơn vì có vị đắng, tính bình, thanh nhiệt giải độc, có thể chữa viêm ruột, đau vùng thượng vị, thổ huyết, chảy máu cam, trị mẩn ngứa”, bà Liên giới thiệu.

Nói đoạn, bà dẫn tôi đến mé đồi rồi chỉ về phía trập trùng đồi núi chạy dọc biên giới Việt- Trung. Thoáng trầm tư, bà kể cho tôi nghe về sự tích cây sau sau: Ngày đó, cây cối rộng khắp um tùm, chim ca, vượn hót rộn núi rừng. Cảnh đẹp nên thơ như vậy nhưng cuộc sống nghèo túng cứ đeo bám người dân bản địa. Chàng trai người Nùng hàng ngày lên đồi, lên núi hái củi, bẫy thú làm kế sinh nhai.

Vào một ngày mưa bão, chàng trai vào rừng sâu hái măng, sau đó đi mãi, biến mất trong làn sương mù và khí núi. Cô sơn nữ lên mé đồi ngóng đợi người yêu hết ngày dài lại đêm thâu, qua mùa đông lạnh giá và đến mùa xuân. Cũng vào buổi chiều mưa lạnh, người con gái kiên trì dõi mắt về phía xa, bỗng nhiên bầu trời xuất hiện sắc cầu vồng. Cô gái cũng tự nhiên biến mất và nơi cô đứng mọc lên một loại cây thanh mỏng, dáng thẳng đứng. Trên ngọn có những búp lá non xanh như vẫy gọi, ngóng chờ.

Bà Liên đưa cho tôi nhành lá thấm đẫm câu chuyện cổ tích. Những chiếc lá sau sau rung rinh theo gió, hướng về phương xa…

Thần dược

Rau thần dược nơi xứ Lạng ảnh 1

Làm xôi bằng lá sau sau

Nghe tiếng gọi vọng về phía những ngôi nhà trình tường dưới chân núi, bà Liên vội vã sai con trai và giục tôi về nhà. Hôm nay, gia đình bà hái được một bao tải đầy lá sau sau mượt mà.

Bên tai tôi, thoáng nghe lời giới thiệu của bà Liên với con cháu: “Ngọn lá non có mùi thơm dễ chịu được dùng để ăn sống, xào nấu và nhuộm xôi. Nếu ăn lẩu thì chỉ cần rửa sạch, nhúng rau vào nồi khi nước đã sôi. Còn ăn ghém thì phải có bát nước chấm làm bằng ruột cá làm sạch, băm nhỏ cùng thịt cá, thính nếp, nước mẻ, hành tỏi, ớt, củ sả, nước mắm ngon, sau đó đem nấu khoảng 10 phút để tạo thành một thứ nước sền sệt thơm lừng. Hoặc một phương thức đơn giản hơn là sử dụng loại cà chua nấu nhuyễn, nấu cùng mẻ, thịt lợn xay nhỏ, mắm muối vừa đủ.

Một già làng hàng xóm của gia đình bà Liên góp chuyện: Theo Đông y, lá sau sau vị đắng, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, cầm máu. Quả sau sau cũng vị đắng, mùi thơm có tác dụng chữa phong thấp, đau nhức khớp xương, tâm vị đau trướng, thủy thũng, tiểu tiện khó, mề đay, viêm da, chàm. Ngược lại, nhựa quả sau sau vị ngọt, cay, tính ấm, tác dụng thông khiếu, khai uất, khứ đàm, hoạt huyết giảm đau…

Là người hoạt bát, bà Liên xăng xái hướng dẫn con cháu nấu xôi lẫn lá sau sau. Bà bảo, để nấu được món xôi từ lá sau sau thơm ngon và đẹp mắt cần chọn lá bánh tẻ 5 cánh, có mùi thơm nhẹ đem băm nhỏ, giã đều tay rồi ngâm nước để ra nhựa sau đó cho gạo nếp ngâm khoảng 10 giờ đồng hồ với nhựa sau sau đến khi gạo cho màu xanh thẫm là đạt yêu cầu. Xôi lá sau sau là món ăn dễ tiêu, chữa được nhiều bệnh như đau đầu hay còn có tác dụng bổ máu, phù hợp với những người mới ốm dậy.

Xôi lá sau sau được người dân xứ Lạng chú trọng làm trong dịp Tết Nguyên đán và tết thanh minh. Nó là món ăn đại diện cho sự hiếu thảo, tấm lòng thành kính của con cháu với tổ tiên. Qua đó, cầu mong một năm mới bình an, có nhiều sức khỏe, mùa màng bội thu, cuộc sống no ấm.

Hút khách

Những năm gần đây, lá sau sau non đã trở thành loại rau rừng đặc trưng, là món ăn đặc sản của mùa xuân xứ Lạng, rất được du khách thập phương ưa thích. Tranh thủ thời gian nông nhàn nhiều người dân đã lên rừng hái sau sau đem bán tại các chợ phiên huyện Lộc Bình, Chi Lăng, Cao Lộc và những chợ đầu mối ở thành phố Lạng Sơn như Kỳ Lừa - Chợ Đêm, Giếng Vuông, Đông Kinh…

Tôi theo người dân bản địa đến chợ Giếng Vuông ở trung tâm thành phố Lạng Sơn. Tại đây, có khoảng 50 người mặc bộ quần áo Tày, Nùng đang đứng cạnh những chiếc xe đạp, trên đó có các lồ, thúng đựng lá sau sau. Họ đi theo từng tốp, giá bán được thống nhất chung theo từng ngày, trung bình 5.000- 7.000 đồng/mớ. Ai cũng tươi cười vì nhờ lộc rừng, đồng bào các dân tộc nơi đây đã có khoản thu nhập khá ngay dịp đầu năm mới.

Dịp tháng Giêng, vào bất kỳ quán ăn nào ở xứ Lạng, thực khách cũng sẽ được khuyến mại một đĩa lá sau sau tươi rói, kèm bát nước chấm đặc biệt.

MỚI - NÓNG