Ranh giới giữa nghệ thuật và 'vẽ bậy'

Hình rồng có thể tìm thấy trên mạng được tái tạo trong dự án Nghệ thuật kiến tạo cộng đồng tại tập thể Học viện Phụ nữ Trung ương, phố Pháo Đài Láng, Hà Nội.
Hình rồng có thể tìm thấy trên mạng được tái tạo trong dự án Nghệ thuật kiến tạo cộng đồng tại tập thể Học viện Phụ nữ Trung ương, phố Pháo Đài Láng, Hà Nội.
TP - Nghệ thuật công cộng ngày càng song hành với quá trình đô thị hóa. Sự phát triển của quảng cáo làm biến đổi bộ mặt đô thị ngoài tầm kiểm soát. Ô nhiễm thị giác ở đô thị đã đến mức báo động? Nhà nghiên cứu nghệ thuật, giám tuyển Như Huy cho rằng cần có những dự án nghệ thuật công cộng tử tế thay vì làm đẹp đường phố theo kiểu tự phát.

Trong khi quảng cáo bảng biển giới hạn về không gian và thời gian thì ở Hà Nội xuất hiện một số hình thức logo, tên doanh nghiệp đính kèm tác phẩm nghệ thuật công cộng như ở Con đường gốm sứ, gần đây là tranh tường ở khu tập thể Học viện Phụ nữ. Anh nghĩ sao về hiện tượng này?

Không gian công cộng chứa nhiều chức năng, đan xen nhiều quyền sử dụng, vì thế phải chịu sự quản lý chặt chẽ bằng các luật. Bansky chuyên sáng tác không phép nơi công cộng vẫn bị truy lùng dù nổi tiếng cỡ thế giới.

Chỉ có hai thực thể quyết định logo có được phép xuất hiện trong hoặc bên cạnh tác phẩm. Đó là luật và nghệ sĩ. Đây trước hết là thỏa thuận dân sự giữa tác giả và nhà tài trợ. Nếu việc đặt logo phạm vào tác phẩm nghệ thuật thì chúng ta phải chống lại. Tất nhiên nghệ sĩ mình thường hiếm khi phản ứng, vì như thế sẽ không có tiền. Nhưng về nguyên tắc, nghệ sĩ có quyền làm như vậy.

Vấn đề lớn là Việt Nam dường như không có luật về sử dụng không gian công cộng. Không gian đó giống như thuộc về nhà nước, nhà nước thích cho thì cho, không cho thì thôi. Nếu có luật thì mọi chuyện sẽ trở nên phức tạp. Logo được để trong bao lâu, kích cỡ thế nào, để đấy ảnh hưởng gì đến cộng đồng... đều thành vấn đề.

Từ góc độ người tiếp nhận và nhà phê bình, anh nhận xét thế nào về sự hiện diện của logo bên cạnh, thậm chí bên trong tác phẩm?

Tài trợ nghệ thuật lâu nay thường xuất hiện trong nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật thị giác ít lắm. Đòi hỏi của nhà tài trợ đôi khi xung đột với tính thẩm mỹ của tác phẩm được tài trợ. Trong nghệ thuật thị giác theo tôi biết có những nhà tài trợ không cần khuếch trương. Hầu hết các quỹ tài trợ văn hóa đều hiểu vấn đề. Với các hãng kinh doanh thì nghệ sĩ phải tự điều đình. Cho nên tôi luôn nói nhiệm vụ của nghệ sĩ là phải trở nên khôn ngoan chứ không cần phải thay đổi thế giới gì cả. Khôn ngoan là lúc biết nói không, lúc biết nói có, sao cho tác phẩm của mình hiệu quả.

Tôi luôn chống lại những hình thức quảng cáo làm hỏng tác phẩm nghệ thuật. Ngoài ra, nếu tôi làm tác phẩm mà nơi tài trợ chẳng hạn có một quá khứ xấu nào đấy, tôi còn không nhận. Tôi rất cực đoan: Nhà tài trợ phải chiều theo ý nghệ sĩ chứ nghệ sĩ không nên chiều theo ý nhà tài trợ. Ở Việt Nam, tôi cũng nhận được khá nhiều tài trợ đấy. Không gian nghệ thuật Ga 0 tôi phụ trách từng nhận tài trợ của quỹ Đan Mạch, quỹ Nhật Bản, viện Goethe…

Ranh giới giữa nghệ thuật và 'vẽ bậy' ảnh 1 Sự xuất hiện của các nhãn hiệu xa xỉ trong tác phẩm Tuần lễ thời trang phố cổ trên phố Phùng Hưng nằm trong ý đồ nghệ thuật của tác giả. Ảnh: Nguyễn Mạnh Hà.

Một số địa phương nhận thấy tranh tường góp phần kích cầu du lịch nên loại hình này đang có xu hướng phát triển. Vài nhóm tình nguyện trẻ cũng tìm cách vẽ lên tường, hay cột điện, bốt điện, với mong muốn những chỗ đó không còn bị bôi bẩn bởi quảng cáo rác… Anh nghĩ sao về những động thái này?

Nếu không có ý tưởng thì chỉ là tự phát hay còn gọi là vẽ bậy. Có ý tưởng dù hay dù dở đã được coi là nghệ thuật. Vẽ chỉ để trang trí không phải làm nghệ thuật. Giống như người có đống gạch tự xây khác với xây theo bản vẽ của kiến trúc sư. Nghệ thuật không nguy hiểm, người ta không thấy được, chứ xây nhà không có kiến trúc sư, đổ luôn.

Việc mọi người đã nghĩ đến làm đẹp phố phường là tốt, nhưng nếu không có tư duy, không có dự án tử tế, cụ thể, nó lại thành một thứ rác khác. Trang trí cũng là ý tưởng, nhưng với nghệ sĩ bao giờ cũng đòi hỏi phải thách thức. Ý tưởng càng mạnh, càng lớn càng làm cho tác phẩm càng bền vững, càng hay.

Khi có ý tưởng, không cần dùng công cụ đẹp/xấu chủ quan để đánh giá. Trong nghệ thuật, không ai có quyền cao nhất. Anh thấy đẹp, người khác thấy xấu thì sao. Vấn đề lớn, rất nguy hiểm với nghệ thuật Việt Nam là chúng ta mới chỉ có 2 tiêu chuẩn (đẹp/xấu) rất đơn sơ nhưng phải đánh giá những dự án nghệ thuật rất phức tạp. Tất cả nhà nghiên cứu đứng trước tranh tường hay tranh Tô Ngọc Vân đều chỉ biết khen đẹp hay xấu. Kể cả trong các phiên đấu giá cũng chỉ có đúng tiêu chuẩn đẹp/xấu.

“Cái này đẹp, tôi thích, cái này lãng mạn, làm tôi rung động…” là những tiêu chuẩn của thế kỷ 16-17. Trong khi nghệ thuật thế kỷ 19-20 thay đổi rồi. Khi áp dụng chuẩn “đẹp”, ta đã loại bỏ đến 90% các tác phẩm loại khác không còn đặt cơ sở trên tiêu chuẩn đẹp/xấu.

 Các nước khác quản lý nghệ thuật công cộng, bao gồm tranh tường như thế nào, như anh biết?

Cũng tùy, nhưng ở nước ngoài, không gian công cộng rất ít đấy. Tại vì hầu hết nó thuộc sở hữu cá nhân. Những nước như Việt Nam, Trung Quốc… không gian gọi là công cộng mới có nhiều. Các nước khác nhà nước cũng không can thiệp được, dẫn đến việc thực hiện các dự án nghệ thuật công cộng khó khăn hơn nhiều. Ở đâu phải theo luật ở đó.

Năm ngoái, anh đã giám tuyển thành công dự án tranh tường về lịch sử Sài Gòn tại cố đô Yogykarta của Indonesia. Chuyện bếp núc dự án có gì thú vị?

Yogykarta là thành phố tranh tường, đi đâu cũng thấy tranh tường- từ nhỏ bằng bàn tay trở đi. Dự án Những câu chuyện Sài Gòn với thời hạn trưng bày 3 năm thuộc loại cực lớn ở đây. Bên đấy họ quản lý rất hay, từ dưới lên chứ không phải từ trên xuống. Dự án đấy tôi phải ký 3 hợp đồng. Phải xin phép đầu tiên là ông chủ phố, thứ hai là ông chủ chợ cạnh bức tranh và ông chủ nhà có bức tường. Nếu dân ở đó có vấn đề với cái mình vẽ, họ sẽ kiến nghị trước tiên với ông chủ phố. Còn ở mình, chính quyền đưa ra một loạt tiêu chuẩn, nếu ở dưới không thỏa mãn thì chính quyền sẽ thấy “khó chịu”, nhưng bên kia chỉ có dân thấy khó chịu thì chính quyền sẽ theo. Tất nhiên mình đưa những cái chống tôn giáo, chống chính quyền thì họ cũng không chấp nhận. Các nước khác tôi nghĩ đều như vậy hết.

Liên quan đến nghệ thuật công cộng đang phát triển ở đô thị, theo ông nên có quy định ai được vẽ và vẽ ở đâu?

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm: Làm gì có quy định nào của nhà nước can thiệp kỹ như thế. Nó gọi là sinh hoạt văn hóa, sự tham gia vào đời sống nghệ thuật của người dân ở mức độ nào đấy. Những công trình ở vị trí cần sự kiểm soát của cơ quan văn hóa đương nhiên phải làm đầy đủ các thủ tục theo quy định, phải thẩm định chất lượng trước khi thực hiện. Nhưng những việc như người dân tự tô vẽ ngõ xóm mình hiểu theo nghĩa tích cực là họ làm sạch mặt tường rêu phong thì mình chỉ nên hướng dẫn họ làm sao cho tốt. Còn đương nhiên quan điểm của tôi không khuyến khích những việc như thế, nhưng không nên can thiệp quá. Vì nó là văn nghệ quần chúng, để cho người ta tự nhiên một chút.           

N.M.Hà

MỚI - NÓNG