Râm ran chuyện “chạy” tiêu chí phụ

Học sinh ôn luyện đến phút chót. Ảnh minh họa.
Học sinh ôn luyện đến phút chót. Ảnh minh họa.
TP - Đến cuối tháng 5, đầu tháng 6 là phụ huynh có con thi vào lớp 10, xét tuyển vào lớp 6 ở Hà Nội lại bấn loạn vì lo. Câu chuyện “chạy” tiêu chí phụ lại bắt đầu râm ran trong dư luận.

Từ năm 2015, Bộ GD&ĐT nghiêm cấm tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 6. Học sinh được giảm áp lực nhưng lại có một cuộc chạy đua ngầm giữa các bậc phụ huynh. Chị Lương Thị Trang, nhà ở Ái Mộ, Long Biên cho biết, để có một bộ hồ sơ đẹp cho con gái vào lớp 6 năm nay, chị đã cấp tốc cho con đi luyện và thi lấy chứng chỉ tiếng Anh vì con không có giải thưởng nào trong suốt quá trình học.

 “Năm nay, trường Nguyễn Tất Thành tuyển thẳng với những thí sinh đạt 113 điểm TOEFL Primary. Nếu cháu thi chứng chỉ đủ điểm như trường yêu cầu thì tôi cho cháu học. Nếu không đủ, tôi cho cháu về học đúng tuyến” - chị Trang chia sẻ. Cho con đến trung tâm luyện thi, chị mới ngã ngửa khi thấy tất cả các bạn thi cùng đợt đều có nguyện vọng vào Nguyễn Tất Thành. “Con tôi thi đợt cuối để kịp nộp hồ sơ vào trường mà có tới 50 bạn khác cùng thi” - chị Trang cho hay.

Một số phụ huynh khác thì có kế hoạch đầu tư cho con thi các giải của Sở GD&ĐT, Bộ GD&ĐT để đáp ứng yêu cầu tuyển chọn của các trường điểm. Vì không được thi tuyển, nên những trường như Hà Nội Amsterdam, Marie Curie, Nguyễn Siêu, Cầu Giấy, Nguyễn Tất Thành, Lương Thế Vinh… phải tìm đến tiêu chí phụ để chọn học sinh. 

Chính vì vậy, từ đầu năm học lớp 5, phụ huynh xác định cho con vào những trường điểm là phải vắt chân lên cổ lo. Một phụ huynh bật mí các giải liên quan đến văn hóa khó có thể “lọt” nhưng các giải liên quan đến văn nghệ, thể thao thì có thể “lo” dễ hơn. “Các giải thể thao không được tuyển thẳng vào các trường nhưng nó là tiêu chí phụ để xét vào các lớp như mong muốn” – vị phụ huynh chia sẻ. Mặt khác, trong dư luận cũng luôn râm ran câu chuyện có thể “mua” được huy chương tại các giải thể thao.

Trao đổi với Tiền Phong về vấn đề này, bà Dương Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng giáo dục quận Hoàn Kiếm cho biết đối với các giải thể thao, các trường chỉ có trách nhiệm cung cấp danh sách thí sinh dự thi. Còn giải thưởng thế nào, chấm thi ra sao là Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch quyết định.

Theo công văn số 10267 của Sở GD&ĐT Hà Nội ban hành ngày 3/11/2015 thì hiện có 8 cuộc thi dành cho học sinh tiểu học và 20 cuộc thi dành cho học sinh THCS và THPT. Quy định mới nhất của Sở GD&ĐT Hà Nội ban hành ngày 16/5, các trường căn cứ vào danh sách 28 cuộc thi này để tuyển thẳng hoặc cộng điểm ưu tiên.

Ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, các trường THPT chỉ được phép tuyển thẳng học sinh vào lớp 10 khi được giải thưởng cấp quốc gia. Còn cấp thành phố, chỉ cộng điểm khuyến khích. Ông Chất cho biết, năm nay có 500 thí sinh được tuyển thẳng vào lớp 10.

Liên quan tiêu chí phụ, ông Chất cho hay, “Sở đã đưa ra danh sách các giải, học sinh đạt, có chứng nhận thì phải cho các em được hưởng theo đúng quy định”. Tuy nhiên, ông Chất cũng thừa nhận, ngành chỉ đưa ra các tiêu chí, quy chế chặt chẽ hơn, còn không thể ngăn được tình trạng “chạy” chứng chỉ của phụ huynh. Còn đứng dưới góc độ của các trường xét tuyển, hiệu trưởng một trường THCS tại quận Cầu Giấy cho biết, chất lượng tuyển sinh khóa đầu tiên xét tuyển không được như mong muốn. So với những năm trước trường tổ chức thi tuyển, kết quả học tập của lứa học sinh này thấp hơn nhiều.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.