Rác phế liệu tràn về: Hồi chuông cảnh tỉnh

TP - Theo số liệu của Viện Công nghệ Tái chế Hoa Kỳ, năm 2016, tổng lượng nhựa phế liệu (NPL) nhập khẩu (NK) của các nước trên thế giới vào khoảng 15,5 triệu tấn, tương đương 5,4 tỷ USD. Riêng Trung Quốc NK 7,3 triệu tấn trong năm này. Các nước EU, Mỹ, Nhật là những nhước xuất khẩu (XK) NPL lớn nhất.

Mặt hàng này được XK đến trên 90 nước, và các nước nhập khẩu (NK) chủ yếu nằm ở châu Á như Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, và tất nhiên, trong đó có cả Việt Nam.

Sẽ không có gì đáng bàn nếu như chính sách XNK mặt hàng này vẫn ổn định. Thế nhưng, từ 1/1/2018, Chính phủ Trung Quốc ban hành lệnh cấm nhập 24 loại phế liệu thì lượng NPL nhập vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm tăng gấp đôi so với năm 2017 (năm 2017, nhập 90.000 tấn NPL). Và, qua rà soát, điều tra, Tổng cục Hải quan phát hiện, khởi tố một doanh nghiệp ở Ninh Bình có hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu để nhập khẩu hơn 13.000 tấn NPL. Lúc này, công tác quản lý phế liệu NK mới thực sự được Chính phủ, các bộ ngành ráo riết quan tâm. Hoạt động NK phế liệu được siết chặt, song công tác giải phóng gần 5.000 container phế liệu ở tất cả các cảng biển của Việt Nam lại vô cùng gian nan.

Nhà chức trách tìm mọi cách liên hệ nhưng hầu hết các DN từ chối nhận hàng vì cho rằng bị...gửi nhầm. Trong khi đó, nhiều DN lại gửi đơn cầu cứu lên Chính phủ vì sự thay đổi quản lý cấp phép NK phế liệu đột ngột của Bộ Tài nguyên và Môi trường, sự chồng chéo trong các quy định quy chuẩn hàng hóa, chi phí lưu container cao gấp nhiều lần so với giá trị thực tế của phế liệu. Không chỉ ngành nhựa, mà cả ngành thép, ngành giấy...và nhiều ngành cần nguyên liệu khác cũng kêu cứu vì...bị vạ lây từ việc cơ quan quản lý siết NK phế liệu theo kiểu đánh đồng phế liệu với rác.

Theo các chuyên gia kinh tế, nếu khai thác tốt nguồn nguyên liệu là phế liệu sẽ mang lại hiệu quả cho cả người kinh doanh và môi trường. Nhưng ranh giới giữa nhập phế liệu và nhập rác rất mong manh, dễ bị lợi dụng để NK những chất thải nguy hại, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và môi trường.

Thế nhưng, nghiên cứu của nhóm nhà khoa học ở Đại học bang Georgia phát hiện rằng Trung Quốc đã NK hơn 106 triệu tấn rác nhựa kể từ năm 1992, chiếm 45% lượng rác nhựa toàn cầu và tương đương với trọng lượng của hơn 300 tòa nhà chọc trời Empire State cao 102 tầng ở thành phố New York (Mỹ). Việc Trung Quốc cấm cửa “rác ngoại” đang tạo ra một khoảng trống lớn và không thể thay thế trên thị trường tiêu thụ rác nhựa. Nhà nghiên cứu Amy Brooks cho rằng giờ đây, rác nhựa ở các nước giàu chỉ có thể đưa ra bãi rác hoặc đốt tiêu hủy. Tuy nhiên, cả hai phương án đều sẽ thải khí và các chất độc hại ra môi trường, gây ra các vấn đề sức khỏe cho người dân.

Trong báo cáo đăng trên tạp chí Science Advances, nhà nghiên cứu Amy Brooks cho biết sau lệnh cấm của Trung Quốc, một số nước như Việt Nam, Thái Lan và Malaysia đã tăng cường nhập khẩu rác nhựa. Song giờ đây, các nước này cũng đang chuẩn bị đưa ra các lệnh cấm tương tự vì không có đủ năng lực để xử lý lượng rác nhựa khổng lồ. “Đây là một hồi chuông cảnh tỉnh. Bấy lâu nay, chúng ta phụ thuộc vào Trung Quốc để tái chế rác nhựa nhưng giờ đây họ từ chối. Số rác nhựa này cần phải được quản lý một cách đúng đắn”, Brooks nói.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.