Phế liệu ồ ạt vào Việt Nam, lỗ hổng nào?

Nhiều doanh nghiệp nhập đồ điện tử đã qua sử dụng nhưng khai báo là phế liệu bị phát hiện. Ảnh: Ngô Bình.
Nhiều doanh nghiệp nhập đồ điện tử đã qua sử dụng nhưng khai báo là phế liệu bị phát hiện. Ảnh: Ngô Bình.
TP - Theo các chuyên gia môi trường cũng như cơ quan chức năng, việc cho phép nhập khẩu phế liệu đang bị lợi dụng để đưa chất thải vào Việt Nam. Việc này gia tăng nhanh chóng sau khi nhiều nước lân cận siết chặt việc nhập khẩu phế liệu.

Nhập khẩu phế liệu nhưng đưa chất thải vào VN

Theo TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Việt Nam là một trong số những quốc gia vẫn cho phép nhập khẩu phế liệu. Ông Tùng cho biết, đây là vấn đề được bàn thảo rất nhiều khi xây dựng Luật Bảo vệ Môi trường 2014. Việc cho phép nhập khẩu một số loại phế liệu xuất phát từ nhu cầu thực tế của một số doanh nghiệp như doanh nghiệp thép, doanh nghiệp giấy. Nếu không cho phép nhập khẩu thép phế liệu hay giấy phế liệu thì nhiều doanh nghiệp tái chế giấy, tái chế thép sẽ không có đủ nguyên liệu sản xuất. Để kiểm soát phế liệu nhập khẩu, luật yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu phải ký quỹ, phế liệu nhập khẩu phải đáp ứng quy chuẩn môi trường, không có hàm lượng tạp chất quá mức cho phép. 

Phế liệu ồ ạt vào Việt Nam, lỗ hổng nào? ảnh 1

Hàng nghìn container phế liệu đang tồn đọng tại cảng Cát Lái.  Ảnh: Ngô Bình.

Tuy nhiên, theo ông Tùng, việc cho phép nhập khẩu phế liệu, nếu không quản lý và kiểm soát chặt chẽ lại tạo khe hở để một số đối tượng đưa chất thải vào Việt Nam. Thực tế tồn tại những đường dây đưa chất thải vào Việt Nam. Tại một số quốc gia phát triển, chi phí xử lý chất thải rất tốn kém và phức tạp nên nhiều doanh nghiệp ở nước này cho tiền đối tượng nước ngoài để họ chở chất thải đi ra khỏi quốc gia. Vì thế, xuất hiện những đối tượng ở Việt Nam, thực hiện các gian lận thương mại hoặc lợi dụng khe hở quản lý để đưa chất thải về Việt Nam. Đây hầu hết là những chất thải, có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng thừa nhận có chuyện các doanh nghiệp trực tiếp nhập khẩu phế liệu và các doanh nghiệp ủy thác nhập khẩu phế liệu tìm mọi kẽ hở của pháp luật để đưa chất thải vào Việt Nam. Theo đại diện Tổng cục Hải quan tại cuộc họp liên ngành do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì ngày 12/7, nhiều container mở ra, đứng cách hàng chục mét vẫn bốc mùi, không thể đến gần.

Theo ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, tồn tại nhiều hình thức đưa phế liệu trái phép vào Việt Nam. Có những trường hợp, doanh nghiệp chưa có giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường nhưng vẫn ký hợp đồng mua bán phế liệu khiến nhiều lô hàng về đến Việt Nam nhưng chưa làm thủ tục thông quan, gây ùn ứ cục bộ tại cảng. Cũng có trường hợp doanh nghiệp gian lận thương mại, khai nhập khẩu mặt hàng này nhưng thực chất là nhập khẩu phế liệu. Cũng có trường hợp một số công ty làm giả, tẩy xóa, sửa đổi các văn bản, giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu. Đặc biệt, xuất hiện hàng loạt các doanh nghiệp ma nhập khẩu phế liệu.

Xử lý phế liệu tồn đọng vô cùng phức tạp, tốn kém

Theo ông Hoàng Văn Thức, một số tổ chức, cá nhân đăng ký địa chỉ ma, cố tình nhập khẩu phế liệu không đáp ứng quy chuẩn, thực chất là chất thải nên cơ quan hải quan không thể liên hệ được. Nhiều địa chỉ ghi trên mạng nhưng khi tìm đến thì không có. Ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan chia sẻ thực tế, nếu không có cơ quan điều tra vào thì có khi có người đến nhận hàng nhưng nếu có cơ quan điều tra thì đối tượng lập tức biến mất. Vì thế, một số lượng lớn container tồn đọng lâu ngày, có khi đến 5-6 năm mà không có người đến nhận.

Phế liệu ồ ạt vào Việt Nam, lỗ hổng nào? ảnh 2

Lượng lớn container tồn đọng tại cảng nhưng vẫn chưa được xử lý. Ảnh: Ngô Bình.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, cần phải tiến hành các giải pháp ngăn chặn việc nhập khẩu phế liệu trái phép vào Việt Nam đồng thời tìm giải pháp xử lý hơn 5.000 container phế liệu tồn đọng tại các cảng.

Việc yêu cầu tái xuất theo quy định của pháp luật sẽ cực kỳ khó khăn do chủ tàu đã về nước trong khi chủ hàng đã cao chạy xa bay. Trường hợp xấu nhất là không thể tái xuất, cũng không sử dụng được sẽ phải tiến hành tiêu hủy. Khi đó, việc tiêu hủy sẽ phải dùng ngân sách Nhà nước. Chi phí để xử lý cực kỳ tốn kém.

Ông Hoàng Dương Tùng, người trực tiếp tham gia xử lý việc tồn đọng hơn 5.000 container phế liệu ở càng Hải Phòng năm 2013 cũng chia sẻ, hầu hết phế liệu nhập khẩu vô chủ là rác thải, lẫn tạp chất nhiều, không đáp ứng quy chuẩn, gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy việc xử lý rất khó khăn. Cái khó thứ nhất là tìm đơn vị xử lý. Không phải đơn vị nào cũng nhận xử lý các phế liệu này. Một số trường hợp tìm được đơn vị xử lý thì lấy đâu ra tiền. “Tôi nhớ Bộ Tài chính đã rất đau đầu trong việc tìm ra nguồn kinh phí để xử lý các chất thải này”, ông Tùng nói.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, đến tháng 5/2018, đã cấp phép cho 242 giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu trên phạm vi cả nước. Trong đó cấp phép cho 139 cơ sở sản xuất trực tiếp nhập khẩu phế liệu và 103 cơ sở ủy thác nhập khẩu phế liệu.

Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng thừa nhận, kiểm soát việc sử dụng, buôn bán, tái chế phế liệu làm nguyên liệu sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Nhiều công ty lớn có giấy xác nhận để nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Tuy nhiên, quá trình sản xuất khi có dư thừa phế liệu nhập khẩu sẽ tìm cách bán cho các đơn vị sản xuất nhỏ lẻ khác, chưa có giấy xác nhận làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường. Các làng nghề tái chế giấy, nhựa phế liệu như làng nghề Minh Khai, Hưng Yên có hoạt động tái chế phế liệu diễn ra phổ biến, sôi động, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

NGUYỄN HOÀI

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.