Ra mắt dự án hỗ trợ đem lại ánh sáng cho người khiếm thị

Ra mắt dự án hỗ trợ đem lại ánh sáng cho người khiếm thị
TPO - Dự án “Khát vọng sáng” ra đời với mong muốn hướng dẫn người dân cách chăm sóc và bảo vệ mắt; hỗ trợ, giúp đỡ người có bệnh lý về mắt và người khiếm thị; kêu gọi tinh thần nhân ái, sẻ chia và tuyên truyền về việc hiến ghép giác mạc đến cộng đồng.

Sáng 30/11, tại TPHCM, Kênh Y tế và Sức khỏe ytvn.vn phối hợp cùng Hội đồng bảo trợ Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam và Quỹ hỗ trợ từ thiện C.P. Việt Nam ra mắt dự án Chăm sóc mắt và hỗ trợ người khiếm thị, mang tên Khát vọng sáng. Dự án ra đời với mong muốn hướng dẫn người dân cách chăm sóc và bảo vệ mắt; hỗ trợ, giúp đỡ người có bệnh lý về mắt và người khiếm thị; kêu gọi tinh thần nhân ái, sẻ chia và tuyên truyền về việc hiến ghép giác mạc đến cộng đồng.

Có mặt tại buổi lễ ra mắt dự án Khát vọng sáng, chị Nguyễn Trần Thùy Dương (mẹ của bé Hải An – cô bé 7 tuổi nhưng đã hiến giác mạc sau khi qua đời vì trọng bệnh) chia sẻ câu chuyện xúc động về hành trình sinh con, cùng con chống chọi nỗi đau bệnh tật và hành động nhân văn của con mình.

Ra mắt dự án hỗ trợ đem lại ánh sáng cho người khiếm thị ảnh 1 Chị Thể Hạnh (thứ hai từ trái qua), chị Thùy Dương và anh Hữu Hoàng chia sẻ tại chương trình
Chị Thùy Dương cho biết, khi sinh ra bé Hải An, chị gặp tai biến nặng. Và chính tiếng khóc của Hải An như là “tiếng khóc của thiên thần” đã đánh thức những tiềm năng trong chị để dần sau đó hai mẹ con cùng kiên cường bước qua những nỗi đau cơ thể. “Suốt quá trình sinh sống của mình, Hải An đã làm được điều mà tôi tâm nguyện, đó là sống tốt cho chính mình. Hơn nữa, con còn sống tốt, sống đẹp cho người khác, cho xã hội”, chị Thùy Dương tâm sự.

Người mẹ trẻ sinh năm 1985 cũng đã đăng ký hiến tặng giác mạc sau khi mất, bởi theo chị “Sự sống của mình cho dù có mất đi, nhưng lại được chia sẻ với nhiều người khác, được “tồn tại” theo một cách đặc biệt”.

Ra mắt dự án hỗ trợ đem lại ánh sáng cho người khiếm thị ảnh 2 Các em nhỏ ở Mái ấm Nhật Hồng thể hiện ca khúc "You raise me up" tại buổi lễ
Ra mắt dự án hỗ trợ đem lại ánh sáng cho người khiếm thị ảnh 3 Em Hà Văn Đồng - người khiếm thị từng tham gia cuộc thi The Voice - góp tiết mục "Con đường tôi"

Trong khi đó, câu chuyện vượt qua bóng tối số phận để làm điều phi thường của chị Lê Dương Thể Hạnh khiến bao người xúc động, cảm phục. Chị Thể Hạnh chia sẻ, giữa lúc chị đang có một tiền đồ công việc tươi sáng, chuẩn bị lập gia đình, đi tu nghiệp ở Nhật… thì căn bệnh u não ập đến khiến tương lai chị như chấm hết. Căn bệnh quái ái khiến chị mất đi khả năng nghe, thấy, chân tay bị liệt, đồng thời kéo theo bao khó khăn, đau khổ cả về thể xác lẫn tinh thần. Nhưng bằng nghị lực sống phi thường với tâm thế “không để hình ảnh quá khứ tràn về hiện tại”, chị Hạnh tiếp cận với công nghệ để tiếp tục làm việc, đồng thời mở ra cơ hội phục vụ, hỗ trợ những người đồng cảnh ngộ. Sống mỉm cười với mọi khó khăn, chị Thể Hạnh tích cực tham gia nhiều hoạt động cộng đồng. Chị đã xuất bản được hai đầu sách là “Có một mặt trời không bao giờ tắt” (nói về hành trình vươn lên của chính mình) và “Bình yên sau giông bão”. Hiện chị đang nỗ lực để cho ra đời phiên bản Tiếng Anh của cuốn “Có một mặt trời không bao giờ tắt”. “Có đi là có đến. Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ của mình”, chị Hạnh nhắn nhủ.

Hiện chị Hạnh là giáo viên dạy máy tính miễn phí cho người khuyết tật. Với những đóng góp tích cực cho cộng đồng, chị Hạnh vinh dự nhận được giải thưởng trong cuộc thi viết của quỹ Bill & Melinda Gates.

Ra mắt dự án hỗ trợ đem lại ánh sáng cho người khiếm thị ảnh 4 Khách mời và các em nhỏ khiếm thị nhận quà và chụp ảnh lưu niệm tại chương trình ra mắt dự án Khát vọng sáng

Chia sẻ tại chương trình, anh Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương, cho rằng quan niệm “chết phải toàn thây” đã ăn sâu vào tiềm thức mọi người khiến cho lượng tiếp nhận giác mạc vẫn còn khá ít so với nhu cầu của người bệnh. “Thông qua những hoạt động của dự án Khát vọng sống, cùng với sự hỗ trợ truyền thông của báo đài, chúng tôi mong muốn mọi người thay đổi nhận thức để giúp đỡ mọi người. Một ngày chúng ta rời xa cuộc sống thì hãy hiến tặng giác mạc, mô tạng để giúp cứu được những người khác”, ông Nguyễn Hữu Hoàng nói. Ông Hoàng cũng cho biết, kể cả khi mắc ung thư, tiểu đường thì vẫn có thể hiến giác mạc.

Ông Nguyễn Tuấn Khởi, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng bảo trợ T.Ư Hội Chữ thập Đỏ, Giám đốc kênh Y tế và sức khoẻ, cho biết mục tiêu trước mắt của dự án là tuyên truyền trực tiếp và tư vấn cho 1 triệu lượt người về chăm sóc mắt và hiến tặng giác mạc. Bên cạnh đó, dự án cũng vận động khoảng 100 nghìn người đăng ký hiến tặng giác mạc; huy động các nguồn lực xã hội tặng 10 nghìn suất quà cho các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn và tổ chức khám, chữa, phẫu thuật cho 1.000 bệnh nhân có bệnh lý về giác mạc có hoàn cảnh khó khăn.

Việt Nam có khoảng 3 triệu người khiếm thị và người có thị lực kém. 1/3 trong số đó là những người nghèo không có tiền điều trị mang lại ánh sáng. 83% tỷ lệ người mù được cho là có thể phòng chữa được. Mỗi năm, số người mù do bệnh giác mạc lại tăng thêm 15.000 người.

Theo ước tính, Việt Nam hiện có trên 200.000 người mù do bệnh lý giác mạc, cần được thực hiện phẫu thuật ghép giác mạc. Từ năm 2007 đến nay, cả nước có trên 35.000 đăng ký hiến tặng giác mạc, trong đó đã có 494 người tặng giác mạc sau khi qua đời thuộc 15 tỉnh, thành. Tuy nhiên, danh sách chờ ghép giác mạc của Bệnh viện Mắt Trung ương hiện nay có tới khoảng 1.000 người và tăng 300 người mỗi năm. Và theo thống kê, chỉ có khoảng 200 ca nhận được cơ hội phẫu thuật ghép giác mạc vì số thực tế giác mạc lấy được rất ít ỏi.

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.