Ra Hoàng Sa làm dịch vụ

Ra Hoàng Sa làm dịch vụ
TP - "A lô, Sang đó hả, tàu tui cần 300 lít dầu, 5 cân thịt, 5 thùng mỳ tôm nha, đang ở tọa độ..., vùng biển Hoàng Sa".

> Trường Sa vươn bóng Bồ Đề

Trọn buổi sáng, thuyền trưởng tàu ĐNa 90424 Lê Văn Sang mấy lần nhấc ICOM trả lời khách hàng, là hàng trăm ngư dân cần mẫn đánh bắt ở trùng khơi Hoàng Sa.

Gia đình ông Lê Mến ba thế hệ làm hậu cần nghề biển Ảnh: Nam Cường
Gia đình ông Lê Mến ba thế hệ làm hậu cần nghề biển. Ảnh: Nam Cường.

Đại gia đình hậu cần biển

Ngôi nhà 3 tầng của ngư dân Lê Mến (Thuận Phước, quận Hải Châu, Đà Nẵng) lừng lững trong con hẻm. Ông Lê Diệp đã 90 tuổi, quắc thước phương phi, tiếp tôi, giọng sang sảng: "Chờ thằng Mến tí, nó đi cắt tóc để chuẩn bị ra Hà Nội nhận bằng khen Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi".

Ba lần nhận bằng khen ở Đà Nẵng, đây mới là lần đầu tiên đại gia Lê Mến nhận bằng khen quốc gia.

Ông Diệp bắt đầu thủa hàn vi từ một chiếc ghe nhỏ, buôn bán thực phẩm lèo tèo cho tàu gần bờ. Đến năm 60 tuổi thì giải nghệ, để lại cho con trai Lê Mến một chiếc tàu bán dầu 22 mã lực, chạy loanh quanh Quảng Nam - Đà Nẵng, với lời dặn: Ráng giữ nghề.

Thế nhưng, cha con ông Lê Mến đã làm được hơn tâm nguyện của cha và ông nội: giữ nghề, trở thành giàu có với khát vọng biển khơi vô bờ bến.

Năm 2000, với số vốn liếng ít ỏi, cha con ông Mến sắm tàu ĐNa 8597 với 72 mã lực, đáp ứng phần nhỏ nhu cầu dầu, thực phẩm gần bờ của tàu thuyền Đà Nẵng.

Đến năm 2004, nhận thấy ngư trường Hoàng Sa lồng lộng chưa có tàu nào trực tiếp cung ứng dầu, thực phẩm, đá?, ông Mến bỏ tiền, đóng con tàu ĐNa 90424 có công suất 480 mã lực. Kinh tế gia đình phất lên từ đây.

"Đó là một nước cờ mạo hiểm, bởi trước đến nay, chẳng ai làm thế cả. Người ta quen với việc đánh bắt xong, tàu quay vào bờ. Chừng ấy cá, mực là đủ. Có muốn ở lại cũng chẳng được vì nhiên liệu, thực phẩm, đá, nước ngọt không đủ. Tôi nghĩ, sao không đưa ra tận nơi cho bà con ngư dân, lợi cả đôi đường" - ông Lê Mến kể.

Những chuyến biển đầu tiên, sự hờ hững của ngư dân khiến gia đình ông Mến điêu đứng. Vì thế, tàu bán dầu ĐNa 90424 kiêm luôn cả việc câu cá ngừ đại dương.

 

Đầu nậu thường ép giá ngư dân, nhưng chúng tôi không thế, chúng tôi giúp ngư dân giải phóng được thời gian và giữ cho sản phẩm của họ được tươi, đưa ra thị trường một cách nhanh nhất. Tôi luôn mua với giá thị trường. Như thế, phải gọi là siêu nậu mới đúng

 

Dần dần, những chuyến biển xa, sự thiếu thốn nhiên liệu khi đang say luồng cá bắt buộc ngư dân phải suy nghĩ lại.

Chừng nửa năm, những cuộc gọi tới ông Mến đề nghị cung ứng dầu, thực phẩm dày hơn. Có khi tàu ĐNa 90424 đi gần cả chục chuyến trong 1 tháng.

"Ban đầu, tôi chấp nhận lỗ, bán gần ngang vốn, mua luôn hải sản trên biển với giá cao.

Sau này ngư dân tự hiểu, nâng giá luôn cho tôi chứ chẳng đợi gì. Cùng cánh với nhau, ai cũng ăn sóng nằm gió, hiểu nhau cái rẹt. Gì chứ làm ăn với ngư dân là hào sảng nhất. Giữa trùng khơi lênh đênh, tình người quý hơn tính mạng, chẳng ai tính từng đồng"- ông Lê Mến bồi hồi.

Lợi cả đôi đường mà ông Mến kể là việc ngư dân tiết kiệm được hàng chục tấn cá, nhiên liệu, thời gian quay ra vào. "Nhiều khi thấy họ xả mấy tấn cá nhỏ xuống biển để chấp nhận theo luồng cá lớn mà tiếc hùi hụi.

Ai đời miếng cơm và vào rồi bỏ đi. Khi đó, tàu chúng tôi đến, chuyển cá sang, tiếp nhiên liệu. Thế là họ như khởi đầu một chuyến biển mới mà chẳng tốn thời gian ra khơi" - ông Mến nói.

Chị Nguyễn Thị Hạnh - Chủ tịch Hội Nông dân phường Thuận Phước kể với tôi, đến nay, gia đình ông Lê Mến là trường hợp duy nhất ở miền Trung có tàu cung ứng dầu, thực phẩm ở Hoàng Sa lâu đời.

"Hiện Quảng Ngãi cũng có vài tàu, nhưng họ bán gần bờ chứ không ra tận Hoàng Sa, tận nơi đánh bắt như chúng tôi" - vẫn lời ông Lê Mến.

Thân tàu khủng đang đóng Ảnh: Nam Cường
Thân tàu khủng đang đóng. Ảnh: Nam Cường.

Khát vọng biển lớn

Ngư dân đang lác mắt với kiểu làm ăn mạnh bạo của cha con ông Lê Mến thì đùng cái, đầu tháng 4 vừa rồi lại ngã ngửa khi ông Mến cho đóng con tàu hậu cần khủng, công suất lên tới 1.200 CV.

Như vậy, sau khi tàu câu mực ĐNa 90567 gần 1.000 CV của ông Trần Ban (quận Sơn Trà) ra khơi thì sắp tới, tàu của ông Lê Mến sẽ là chiếc thứ hai có mã lực lớn nhất miền Trung, nhưng là tàu hậu cần nghề biển.

Con trai ông Mến - thuyền trưởng Lê Văn Sang 28 tuổi, là người vừa ra khơi cầm lái tàu ĐNa 90424, vừa chỉ huy đóng tàu mới, đọc vanh vách từng chi tiết khủng của tàu: Dài 26,3m; rộng 6m; cao mớn nước 3,1m, 27 hầm hàng đông lạnh (mỗi hầm chứa 3 tấn hải sản) được xử lý PU công nghệ hiện đại.

Có thể chở theo 35 ngàn tấn đá, hàng chục ngàn tấn dầu, thực phẩm tươi, khô, gas; 2 máy ICOM đời mới...?Tổng trị giá con tàu khi hoàn thành là trên 3 tỷ đồng.

Dự kiến, đầu tháng 6 tới, tàu làm lễ hạ thủy, bắt đầu hành trình xuyên Hoàng Sa, cung cấp cho hầu hết ngư dân có nhu cầu đánh bắt dài ngày.

Ông Lê Mến nói: Nếu thằng Sang không nhanh nhẹn, chỉ vài tháng lĩnh hội hầu hết tinh hoa, kinh nghiệm mấy chục năm tài công của tôi, e là tôi cũng chả dám đóng tàu mới. Nhưng khi giao lại quyền thuyền trưởng tàu ĐNa 90424 cho nó, việc kinh doanh còn thuận hơn dưới thời tôi, vả lại nhu cầu của ngư dân ngày càng lớn.

Từ đó, cả gia đình họp lại, quyết làm bằng được một cái gì đó thật lớn lao, dù 3 tỷ đồng là số tiền lớn. Nói thật, nhìn căn nhà hoành tráng thế này, nhưng áp giá để thế chấp chẳng được bao nhiêu, vốn thì dồn hết cho các chuyến hàng. Nhưng vẫn phải làm, có vay mượn, nợ nần cũng làm.

Cuối năm 2010, Lê Văn Sang bỏ nghề chạy bàn khách sạn, lên tàu ra biển cùng cha. Được vài tháng, anh học ngay bằng thuyền trưởng hạng 4, cộng với sự chỉ dạy tận tình của cha và ông nội, Sang mạnh dạn làm tài công tàu ĐNa 90424.

Vài tháng đi biển đã làm tài công, chuyện không tưởng? Đáp lại nghi hoặc của tôi, Lê Văn Sang nói: Đi tàu đánh cá khó nhất biển động, bão tố, còn đi tàu hậu cần biển khó gấp đôi. Bởi ngoài bão tố, tàu hậu cần còn khó đường chạy. Tức là số hải lý nhiều gấp mấy lần tàu đánh cá. Đi đi về về, tháng mấy chuyến.

Biển khơi bất trắc khó lường, ai dám nói điều chi khi mà lúc nào cũng rẽ sóng trên 10 hải lý/giờ ? Tàu ĐNa 90424 có tới 15 thuyền viên, số lượng chỉ kém những tàu câu mực xà.

"Cực lắm, cập ngư trường, gặp bạn hàng là chuyển dầu, bốc hàng giữa sóng gió. Xong lại quay về liền. Ít người kham không nổi" - anh Sang nói.

Tàu 1.200 CV sắp được hạ thủy. Ảnh: Nam Cường.
Tàu 1.200 CV sắp được hạ thủy. Ảnh: Nam Cường..

Có những lần, chở dầu ra tận Hoàng Sa, đã thấy tàu ngư dân nhưng không cách nào tiếp cận được với nhau do sóng quá lớn đành bó tay. Một vài lần các hậu cần viên phải chất phuy dầu lên thúng, cột dây chèo thúng đưa dầu qua. Rất nguy hiểm nhưng không còn cách nào khác.

Tại đà (nơi đóng tàu) Thọ Quang, con tàu 1.200 CV của gia đình ông Lê Mến đang được hoàn thiện những chi tiết cuối cùng của phần thân. Tàu nằm lừng lững giữa bãi, hàng chục nhân công khoan cắt gỗ, phun PU, hỳ hục làm luôn trưa trong cái nắng ghê người.

"Làm cho kịp tiến độ, dự kiến đầu tháng 6 hạ thủy là phải xong, giờ chỉ còn phần nội thất, bắt điện, lắp máy".

Giữa trưa, từ đà, anh Sang lại tất tả chạy về bến thuyền Thuận Phước để giao dịch qua ICOM với khách ở trùng khơi. Vài ngày nữa, tàu anh lại xuất bến, đem phao tiếp sức đến với bà con ngư dân.

Anh Khang (chủ tàu ĐNa 90163, nghề mành chụp), bảo: Tui làm ăn với gia đình ông Mến hàng chục năm nay rồi. Phải nói là quá hay và thuận tiện.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG