Quýt làm cam chịu

Quýt làm cam chịu
TP - Việc Hàn Quốc mở lại kỳ kiểm tra tiếng Hàn năm 2011 là tin vui đối với hàng ngàn lao động trên cả nước. Lao động được tham dự kỳ kiểm tra tiếng Hàn, mở ra cơ hội để họ đặt chân tới xứ sở Kim Chi - nơi có việc làm ổn định, thu nhập cao.

> Lao động 23 xã, phường không được thi tiếng Hàn

Tuy nhiên, nhiều gia đình thất vọng khi Bộ LĐTB&XH đề nghị các tỉnh nghiên cứu, tạm dừng tiếp nhận hồ sơ của thí sinh đến từ 23 xã, phường có từ 5 lao động đang bỏ trốn tại Hàn Quốc. Hà Tĩnh đã thực hiện đề nghị trên. Nhưng “đâm lao, phải theo lao”, nhiều gia đình cố “chạy” hộ khẩu để con em họ được tham dự kỳ kiểm tra tiếng Hàn tháng 12 tới.

Lâu nay, tại không ít thị trường, chỉ sau vài năm Việt Nam đưa lao động sang làm việc, lại bị nước sở tại đóng cửa. Gốc rễ là do tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn ra ngoài làm việc cao. Đã nhiều năm qua, chính quyền các cấp và cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về XKLĐ vẫn chưa đưa ra được một biện pháp căn cơ để giải quyết vấn đề trên. Thay vào đó, người ta lại thiên về lối tư duy cấm đoán.

Ở góc độ nào đó, việc đưa ra lệnh cấm, không chỉ gây bức xúc cho dân, mà còn không mang lại hiệu quả trong quản lý, làm tăng tiêu cực phí. Ví như chuyện Hà Tĩnh không tiếp nhận hồ sơ của những người lao động có hộ khẩu ở ba xã có số lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc nhiều, lập tức người dân tìm cách “chạy” hộ khẩu đến các xã khác.

Thực tế, trong số 15 quốc gia được phép đưa lao động vào Hàn Quốc, lao động Việt Nam luôn được đánh giá cao vì có trình độ tay nghề, chăm chỉ, cần cù, chịu khó. Nhưng Việt Nam lại là nước có tỷ lệ lao động bỏ trốn cao tại thị trường này. Chúng ta lên án lao động vô kỷ luật, bỏ trốn. Bởi vì họ, có thể Việt Nam lại mất thị trường, đồng nghĩa hàng vạn lao động mất cơ hội, đất nước mất nguồn ngoại tệ lớn. Nhưng vì không quản được mà cấm, cũng không phải cách hay. Nhất là lại cấm đoán kiểu “quýt làm, cam chịu”.

Đã tới lúc cơ quan quản lý về XKLĐ và chính quyền các địa phương, cần có giải pháp căn cơ chống lao động bỏ trốn. Muốn làm được điều đó, ngoài việc đặt ra những tiêu chuẩn và tổ chức đào tạo bài bản cho người lao động trước khi xuất ngoại, để sàng lọc và nâng cao chất lượng lao động, cần có những quy định ràng buộc gia đình người lao động, nếu để con em bỏ trốn.

Ví dụ, họ có thể phải chịu phạt hành chính bằng, thậm chí nhiều hơn cả số tiền mà lao động bỏ trốn kiếm được. Và với những gia đình có con em bỏ trốn, có thể cấm XKLĐ vĩnh viễn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG