Ngay từ những năm 60, Tiền Phong cũng có những bài viết chống tệ trù dập cán bộ trẻ. Bài viết về câu chuyện xảy ra ở trường tiểu học Dư Hàng Kênh (Hải Phòng) là một ví dụ tiêu biểu.
Từ thực tế đã được điều tra kỹ lưỡng, phóng viên Kim Khang viết bài phóng sự điều tra “Phi lý và phi pháp” lên án thái độ gia trưởng của vị hiệu trưởng chèn ép một giáo viên trẻ của nhà trường.
Hiệu trưởng Đàm Quang Mậu đã vu cho thày giáo trẻ - bí thư chi đoàn nhà trường Vũ Văn Hải tội không gương mẫu thực hiện các nhiệm vụ kế hoạch công tác, gây bè phái, chống đối lãnh đạo, gây không khí đố kỵ trong hội đồng nhà trường, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy, làm đảo lộn các giờ học... chỉ vì thày Hải dám góp ý một số việc làm không đúng của ông Mậu.
Tháng 3/1964, Ủy ban Hành chính huyện Hải An đã ra quyết định buộc thày Hải thôi việc về lao động cải tạo tại địa phương. Thành Đoàn Hải Phòng phản đối quyết định này. Việc được báo cáo lên T.Ư Đoàn. Khi đồng chí Bí thư thứ nhất BCH T.Ư Đảng Lê Duẩn về thăm làm việc tại Hải Phòng, vụ việc đã được báo cáo lên đồng chí.
Bài phóng sự đã gây một sự chú ý rất lớn trong dư luận, đặc biệt trong ngành giáo dục. Đại diện T.Ư Đoàn đề nghị lãnh đạo Bộ Giáo dục cử cán bộ tìm hiểu lại vụ việc. Ít lâu sau, vụ việc được xem xét lại, thầy giáo trẻ được trở lại nghề dạy học.
Năm 1975, Tiền Phong đăng “Lòng trung thực bị trù úm” trên số 50 ra ngày 16/12 bảo vệ quyết liệt đoàn viên Nguyễn Thị Hoa, nhân viên kế toán của Quốc doanh dược phẩm Nam Hà, người dám đấu tranh bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa và bị cấp trên trù úm.
Bài báo làm dấy lên một dư luận mạnh mẽ khiến Tỉnh ủy Hà Nam Ninh phải cho xem xét vụ việc kết luận đoàn viên Hoa làm đúng và chỉ đạo xử lý 3 kẻ trù úm cô bằng hình thức khai trừ Đảng, đình chỉ chức vụ, giao cho cơ quan pháp luật xem xét trách nhiệm hình sự.
Dũng cảm trong đấu tranh, có trường hợp đối tượng bị phê phán kéo đông người đến tòa soạn đe dọa rất căng thẳng, tự vệ cơ quan phải mang súng ra ngăn chặn, có trường hợp PV phải ra tòa, nhưng báo kiên quyết bảo vệ cái đúng và giành thắng lợi.
Sự dũng cảm trong thông tin, đấu tranh chống tiêu cực mang tích xây dựng vì cái chung được các thế hệ sau của Tiền Phong phát triển lên tầm cao với những Xuân Ba, Mạnh Việt, Phạm Nguyên Bảng, Minh Toản, Trần Tuấn, Sáu Nghệ, Đinh Anh Tuấn, Phùng Công Sưởng vv..., trở thành thương hiệu của báo.