Quyết giữ chủ quyền

Quyết giữ chủ quyền
TP - Ngay sau trận hải chiến tháng 3-1988, hàng trăm cán bộ chiến sĩ hải quân vẫn tiếp tục đạp sóng ra Trường Sa, giữ chủ quyền. Những giọt máu của người con – chiến sĩ đã ngã xuống vì Trường Sa càng tiếp lửa ý chí, quyết tâm cho họ. Trung tá Lã Ngọc Tuân, Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 83, Công binh Hải quân (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho biết.

> Chiếc áo 23 năm của đứa con 20 tuổi

Cột mốc chủ quyền nơi những người con - liệt sĩ Trường Sa đã ngã xuống để bảo vệ đang được Trung đoàn 83 tiếp tục xây dựng, bảo vệ nơi đảo thiêng của Tổ quốc (Ảnh: Trung đoàn 83 cung cấp)
Cột mốc chủ quyền nơi những người con - liệt sĩ Trường Sa đã ngã xuống để bảo vệ đang được Trung đoàn 83 tiếp tục xây dựng, bảo vệ nơi đảo thiêng của Tổ quốc (Ảnh: Trung đoàn 83 cung cấp).
 

Không nao núng

Trung tá Nguyễn Văn Khánh (47 tuổi) - Tham mưu phó Trung đoàn 83 vẫn không quên được cảm xúc lần anh cùng các cán bộ chiến sĩ đạp sóng ra Trường Sa ngay sau ngày 14-3-1988. Ngày đó, Thiếu úy Khánh 24 tuổi, cán bộ đại đội 6 (Trung đoàn 83) đang làm nhiệm vụ tại Hải Phòng được điều động khẩn tốc về lại đơn vị và vào Khánh Hòa. Công tác ra đảo được chuẩn bị nhanh chóng.

Chập tối 15 - 3, hai tàu hải quân trực chỉ hướng Trường Sa thẳng tiến. "Dù cho chiến sự vừa xảy ra ở vùng biển Cô Lin - Gạc Ma nhưng không một ai chùn lòng, nao núng. Tất cả đều đồng lòng, hăng hái lên đường" - anh Khánh kể lại.

Phong trào “biến đau thương thành hành động” được phát huy ngay trong thời khắc đó, nhiều anh em cán bộ chiến sĩ đang còn ở Khánh Hòa chuẩn bị ra Trường Sa nhận nhiệm vụ càng thêm mong mỏi được đặt chân đến Trường Sa.

Sáng sớm, Trường Sa rực nắng, ẩn hiện giữa biển trời mênh mông sóng nước. Tàu hải quân cùng anh em chiến sĩ tiếp cận đảo Đá Nam, triển khai nhiệm vụ tuần tra, thăm dò đảo Cô Lin - Gạc Ma… "Đi qua vùng biển nơi đồng đội vừa ngã xuống, ai nấy trong chúng tôi ôm nhau bật khóc vì cảm phục những chiến sĩ đã anh dũng ngã xuống để giữ vững ngọn cờ Tổ quốc tung bay trên đảo" - anh Khánh kể.

Thêm những công trình mới ngoài Trường Sa đang được cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 83 thực hiện. Với họ đó chính là kế tục, phát huy truyền thống anh hùng và sức trẻ của đồng đội đi trước, tô thắm chủ quyền biển đảo Trường Sa (Ảnh: Trung đoàn 83 cung cấp)
Thêm những công trình mới ngoài Trường Sa đang được cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 83 thực hiện. Với họ đó chính là kế tục, phát huy truyền thống anh hùng và sức trẻ của đồng đội đi trước, tô thắm chủ quyền biển đảo Trường Sa (Ảnh: Trung đoàn 83 cung cấp).

Mọi người vừa tuần tra vừa luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu mà không chút lo lắng". Vài ngày sau, anh Khánh cho tàu chuyển hướng vào làm nhiệm vụ trên đảo Song Tử Tây. Vừa đặt chân lên đảo, các cán bộ chiến sĩ khẩn trương chuyển vật liệu, tập kết hàng hóa phục vụ công tác xây dựng.

Theo Trung tá Lã Ngọc Tuân, trong ngày 14 - 3 - 1988, đơn vị có 27 chiến sĩ ngã xuống vì chủ quyền Trường Sa. Những tấm gương liệt sĩ Nguyễn Văn Lanh, Trương Quốc Hùng, Trần Tài, Phan Văn Sự… tô thắm truyền thống của Trung đoàn. Mất mát, đau thương nhưng không ai chùn lòng. Nhiều chiến sĩ bị thương vẫn hăng hái đăng ký lên đường đến với đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Trung tá Tuân lúc đó là chiến sĩ mới ra trường, xin gia nhập lực lượng công binh. Dáng người săn chắc, nước da rám nắng, anh thật khó kể hết, kể đủ những chi tiết trong những chuyến đi nhận nhiệm vụ trực tiếp ngoài Trường Sa của mình.

Gần 23 năm quân ngũ, từ khi còn là chiến sĩ đến cán bộ trung đoàn, anh Tuân đã hàng chục lần rong ruổi khắp các hòn đảo Song Tử Tây, Niêm Yết, Đá Nam… để cùng anh em cán bộ, chiến sĩ xây dựng các công trình trên đảo, bảo vệ chủ quyền. “Nhận tin ngày 14 - 3 - 1988, nhiều cán bộ, chiến sĩ của ta hy sinh, mất tích, tôi chỉ có một mong muốn là được tham gia lực lượng công binh ngay, để có cơ hội ra với Trường Sa” - Trung tá Tuân nói.

Bà Muộn, mẹ của liệt sĩ Trường Sa Phan Văn Sự Ảnh: Nguyễn Huy
Bà Muộn, mẹ của liệt sĩ Trường Sa Phan Văn Sự. Ảnh: Nguyễn Huy.
 

Tiếp nối truyền thống hào hùng

Cuộc điện thoại “nóng” từ Trung đoàn 83 với Trường Sa đã kết nối chúng tôi với không khí làm việc khẩn trương của các cán bộ, chiến sĩ. Anh Nguyễn Văn Khánh đang triển khai nhiệm vụ trên đảo Song Tử Tây. Bao năm nay, thời gian chính của anh hầu như dành cho biển đảo.

“Với chúng tôi, Trường Sa đã là mái nhà, quê hương thứ hai rồi. Ở thì thương mà xa thì nhớ” - anh Khánh nói. Tại đảo Núi Le (Trường Sa), nhiều cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 83 đang khẩn trương đổ đường bê tông, xây nhà cấp bốn và các công trình dân sinh…

Dù thuộc diện thương binh nhưng nhiều năm nay, anh Nguyễn Văn Hồng (34 tuổi, quê Bình Lục, Hà Nam) vẫn kiên cường bám Trường Sa. Vào Trung đoàn 83 hơn chục năm nay, anh Hồng là một trong những thợ xây giỏi nhất đảo. Trong lần leo giàn giáo, anh bất ngờ bị trượt chân té ngã, thương tật hơn 30%.

“Những giọt máu của người con – chiến sĩ đã ngã xuống vì Trường Sa càng tiếp lửa ý chí, quyết tâm giữ vững chủ quyền. Phần lớn cán bộ chiến sĩ nhận nhiệm vụ Trường Sa đều trên dưới 30 tuổi. Trong đó, nhiều chiến sĩ gắn bó cả chục năm trời với biển đảo. Chính sức trẻ tạo nhiệt huyết, góp phần đảm bảo tốt nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ chủ quyền biển đảo Trường Sa” - Trung tá Lã Ngọc Tuân.

Nằm điều trị ở đơn vị chưa được một năm, anh lại đăng ký ra Trường Sa vì “nhớ không chịu nổi”.

“Mỗi lần nhìn những công trình đang mọc lên từng ngày, từng giờ trên các hòn đảo Trường Sa, lòng chúng tôi ấm lại, tự hào. Dù điều kiện đôi khi khắc nghiệt, nhưng được xây đảo là mong mỏi không bao giờ nguôi ngoai trong mỗi người lính công binh”.

Nhiều đồng đội bảo, anh Hồng dành tình yêu cho Trường Sa nhiều hơn cho vợ con. Gần chục năm nay, dù lấy vợ, sinh con nhưng thời gian nghỉ phép của anh chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo Trung tá Tuân, từ năm 2007 đến nay, do triển khai nhiệm vụ liên tục cả năm trên đảo thay vì 7 - 8 tháng như những năm trước đây, nên nhiều anh em phải ăn Tết trên đảo. Một số chiến sĩ về nhà trong đêm 30 Tết.

“Phần lớn cán bộ chiến sĩ nhận nhiệm vụ Trường Sa đều là những người trẻ, tuổi đời trên dưới 30. Trong đó, nhiều chiến sĩ gắn bó cả chục năm với biển đảo. Chính sức trẻ tạo nhiệt huyết, hăng hái góp phần triển khai tốt và sớm các nhiệm vụ đặt ra” – Trung tá Tuân nhấn mạnh.

Nhập ngũ khi mới hơn 20 tuổi, anh Nguyễn Văn Quân (34 tuổi, quê Nghệ An) đã có hơn chục năm gắn bó với Trường Sa.

Anh Quân bảo: khó khăn nhất ở Trường Sa là việc chuyển tải hàng hóa, vật liệu xây dựng từ tàu lên đảo. Sóng to, gió lớn, lại phải điều hòa làm việc theo con nước, thủy triều để tránh việc nước mặn rò rỉ vào vật liệu. Khó khăn, vất vả, tuy nhiên mỗi lần triển khai nhiệm vụ Trường Sa, anh Quân lên đường ngay.

“Nhiều lần được làm việc trên những hòn đảo nơi đồng đội đã ngã xuống, chúng tôi bật khóc. Khóc vì tự hào, xúc động, cảm phục. Tôi thuộc lòng tên các liệt sĩ Trung đoàn, họ ra đi bằng tuổi chúng tôi nhập quân ngũ và để lại tuổi thanh xuân của mình trên đảo. Giờ chúng tôi muốn đem tuổi trẻ, nhiệt huyết để tiếp nối truyền thống hào hùng, xây dựng và bảo vệ Trường Sa” – giọng anh Quân rắn rỏi.

Bà Lê Thị Muộn (80 tuổi, đường Hàn Thuyên, TP Đà Nẵng) đôi tay run run, lật mở trang sách Lịch sử Trung đoàn 83 Công binh Hải quân. “Mỗi lần đọc nó, tôi đều thấy hình bóng con mình cùng đồng đội đang kiên cường chiến đấu giữ vững lá cờ Tổ quốc và chủ quyền Trường Sa”.

Phan Văn Sự - con trai của bà là 1 trong 27 liệt sĩ Trung đoàn 83 hy sinh trong ngày 14 - 3 - 1988. Cũng như nhiều lần khác, bà Muộn vừa khóc vừa đọc cho chúng tôi nghe những dòng chữ bi tráng mà hào hùng: “Chấp hành lệnh cấp trên, cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 83 phối hợp chặt chẽ với anh em tàu 604 khẩn trương đưa vật liệu xuống đảo. 3 giờ ngày 14 - 3 - 1988, anh em đã cắm được cờ Tổ quốc lên đảo. 6 giờ chiến sự nổ ra. Anh em ta dưới sự chỉ huy của Thiếu úy Trần Văn Phương vẫn kiên quyết bảo vệ cờ Tổ quốc và không chịu rút lui.

Đôi bên giằng co quyết liệt. Đối phương cay cú nổ súng bắn vào đồng chí Phương. Phương ngã xuống, song lúc đó binh nhất Nguyễn Văn Lanh (Trung đoàn 83) đã nhanh chóng xông tới cùng anh em đứng vây quanh lá cờ Tổ quốc... Một tên lính đối phương dùng lê đâm vào Lanh từ phía sau. Lanh gục xuống, một dòng máu nhuộm đỏ dưới chân cột cờ Tổ quốc. Lanh bị thương nhưng lá cờ của Tổ quốc trên đảo không đổ…”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG