Quyền lợi của thí sinh được đảm bảo

Quyền lợi của thí sinh được đảm bảo
TP - Hôm qua, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga và một số lãnh đạo cục, vụ liên quan của bộ này đã tham gia đối thoại trực tuyến tại cổng Thông tin Điện tử Chính phủ về chủ đề “Những điểm mới trong tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014”. Theo ông Ga, những thay đổi trong tuyển sinh ĐH, CĐ năm tới đều theo hướng đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.

> Ngày 10/3/2014, công bố ĐH tuyển sinh riêng

Một thí sinh hỏi: Tôi chỉ giỏi môn toán, còn hoá và lý không giỏi, do đó nhiều nguy cơ trượt ĐH nếu thi khối A theo đề chung như mọi năm. Nếu đổi mới tuyển sinh, tôi có cơ hội để vào những trường ĐH mà ở đó người ta chỉ yêu cầu học sinh giỏi toán không?

Ông Bùi Văn Ga: Khi giao quyền tự chủ cho các trường thì những em nổi trội hơn một môn nào đó sẽ có nhiều cơ hội hơn so với thi chung. Có thể sẽ có những trường do yêu cầu đào tạo của mình chỉ yêu cầu học sinh giỏi toán thôi mà không phải thi cả lý, cả hoá như khối A yêu cầu. Tuyển sinh riêng thì yêu cầu sẽ đa dạng, phù hợp với thực tế năng lực của thí sinh cũng rất đa dạng và cánh cửa tuyển sinh của các trường ĐH không bỏ sót những thí sinh có năng lực phù hợp. Đây cũng là điểm sẽ khác với kỳ thi riêng trước đây.

Năm 2014, một số trường vẫn sẽ thi chung, một số trường thi riêng. Nhiều trường cho rằng, đã riêng thì riêng hết, đã chung thì đều chung, chứ nửa riêng nửa chung rất khó làm. Thứ trưởng nghĩ sao?

Ông Bùi Văn Ga: Thực hiện đổi mới tuyển sinh phải có lộ trình, trước hết là để thí sinh quen với cách thi mới, sau nữa là để các trường có thời gian chuẩn bị. Nếu dừng ngay lập tức ba chung sẽ có những xáo trộn nặng nề. Như Nhật Bản chẳng hạn, họ cũng cần tới 5 năm để thay đổi cơ bản cách tuyển sinh của họ. Nếu sang năm dừng ngay thi chung thì xã hội sẽ không chấp nhận.

Theo dự thảo đổi mới thi và tuyển sinh, Bộ GD&ĐT đưa ra lộ trình ba năm để những học sinh vừa vào lớp 10 năm nay vẫn có thể dự kỳ thi ba chung được. Tới 2017, tất cả các trường sẽ tổ chức thi riêng.

Một thí sinh hỏi ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng GD: Theo dự thảo đổi mới tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, các trường tổ chức thi riêng sẽ không được xét tuyển từ kết quả thi chung, điều này sẽ khiến nhiều trường ngoài công lập khó khăn hơn về nguồn tuyển, ông nghĩ sao?

Ông Trần Văn Nghĩa: Chúng ta không thể đồng ý để các trường thi riêng lấy kết quả thi chung để xét tuyển, vì đây là hai thang đánh giá khác nhau, nếu cho các trường sử dụng đồng thời hai thang đánh giá đó thì sẽ không đảm bảo công bằng cho các thí sinh. Việc giao quyền tự chủ cho các trường trong tuyển sinh không nhằm mục đích lấp đầy chỉ tiêu cho những trường khó tuyển sinh. Mục đích là giao quyền cho các trường tìm ra phương án tuyển sinh tốt hơn phương án hiện tại, phù hợp với các ngành đào tạo của họ.

Câu hỏi dành cho ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ GD &ĐH: Chỉ còn hơn một học kỳ nữa là thi ĐH mà hiện nay vẫn chưa biết trường nào thi chung, trường nào thi riêng nên các thí sinh rất lo lắng. Ông có chia sẻ với các thí sinh sự băn khoăn này không?

Ông Bùi Anh Tuấn: Tôi khẳng định những thay đổi về tuyển sinh chỉ là sự thay đổi về nhận thức từ đó dẫn đến sự thay đổi về cách làm. Còn nội dung thi vẫn dựa vào chương trình THPT và chủ yếu ở lớp 12. Việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh cũng không phụ thuộc gì vào vấn đề tuyển sinh riêng hay tuyển sinh chung mà dựa hoàn toàn vào năng lực đào tạo của nhà trường và các tiêu chí đảm bảo chất lượng.

Liệu bao giờ sẽ có một danh sách trường nào thi chung trường nào thi riêng không, thưa ông Bùi Anh Tuấn?

Ông Bùi Anh Tuấn: Đến 10/2 này là thời hạn cuối cùng để các trường nộp đề án đổi mới tuyển sinh. Đầu tháng ba năm tới Bộ GD&ĐT sẽ công bố công khai danh sách các trường thi chung/ riêng.

Trước một số ý kiến cho rằng, học sinh năm nay là “chuột bạch” cho Bộ GD&ĐT thí nghiệm cách thức đổi mới tuyển sinh, ông Bùi Anh Tuấn chia sẻ: Bản thân tôi là nhà quản lý, đồng thời cũng là một phụ huynh có con đang học lớp 12, sẽ thi ĐH năm 2014. Tôi rất hiểu băn khoăn của các em và các phụ huynh cùng cảnh ngộ. Tuy nhiên, đây là năm đầu tiên chúng ta thực hiện Nghị quyết T.Ư 8 về đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT, cũng là năm đầu tiên thực hiện Luật GD&ĐT về việc giao quyền tự chủ trong tuyển sinh cho các trường ĐH. Đổi mới kỳ thi này luôn bảo vệ quyền lợi chính đáng cho thí sinh.

Quý Hiên
ghi

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.