Quy hoạch trung tâm Đà Lạt: Giữ bản sắc thế nào?

Trung tâm TP Đà Lạt hiện nay nhìn từ trên cao Ảnh Bảo Vy.
Trung tâm TP Đà Lạt hiện nay nhìn từ trên cao Ảnh Bảo Vy.
TP - Sau khi tỉnh Lâm Đồng công bố quy hoạch chi tiết khu trung tâm Hòa Bình - TP Đà Lạt, nhiều chuyên gia và người dân lo ngại việc xây dựng quá nhiều nhà cao tầng, biệt thự, trung tâm thương mại, khách sạn… sẽ làm mất đi bản sắc phố núi cao nguyên. Lãnh đạo tỉnh cho biết đã lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các chuyên gia và người dân để hoàn thiện quy hoạch này.

Lắng nghe ý kiến

Theo ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, trước khi phê duyệt đề án, địa phương đã tham khảo ý kiến của các chuyên gia, các sở ban ngành của tỉnh, thành phố, và phát ra 810 phiếu khảo sát đối với các hộ dân sinh sống trong khu vực thay đổi của đề án. Phần lớn các ý kiến đều thống nhất với chủ trương thực hiện đề án.

Ông Trung khẳng định: Khi triển khai đề án, mật độ xây dựng sẽ ít hơn thực tế hiện nay. Cụ thể, rạp hát Hoà Bình sẽ bị dỡ bỏ để xây trung tâm thương mại, dãy nhà phía sau (khu vực bến xe Tùng Nghĩa) cũng giải toả. Khu dân cư bên phải đường Phan Bội Châu (đoạn từ cầu thang chợ Đà Lạt đến khu chợ đồ cũ) cũng được giải toả để làm công viên và đường đi.

Khu vực thương xá La Tulipe, khách sạn Hải Sơn, khách sạn Golf 3 (cũ), dãy ki-ốt dẫn vào chợ sẽ trở thành công viên hoa, bãi đậu xe ngầm, không gian công cộng dành cho người dân. Riêng chợ Đà Lạt được chỉnh trang lại và bảo tồn như cũ. Sau khi công bố đề án quy hoạch, các ngành chức năng của tỉnh cũng đang lập phương án đầu tư, các dự án sẽ được đấu thầu công khai để lựa chọn nhà đầu tư phù hợp nhất. Để thực hiện dự án, địa phương sẽ thực hiện hình thức Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (đổi đất lấy hạ tầng).

“Vấn đề nhiều người quan tâm hiện nay là phá bỏ cái gì, giữ cái gì khi thực hiện đề án các chuyên gia đã tính toán. Rạp hát Hoà Bình hiện đã xuống cấp, không mang đậm giá trị kiến trúc, không còn giữ được công năng chính của nó. Riêng Dinh tỉnh trưởng là công trình kiến trúc có giá trị văn hoá, lịch sử sẽ được giữ lại nguyên trạng và được di dời sang một vị trí trên đỉnh đồi để thực hiện tổ hợp khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp. 

Bảo tồn giá trị kiến trúc-văn hóa

Nhiều người dân, kiến trúc sư, nhà nghiên cứu cùng cho rằng nếu Đà Lạt chỉ chú tâm phát triển đô thị thật nhanh mà quên mất những yếu tố bảo tồn cảnh quan, lịch sử, văn hóa thì cái hồn của Đà Lạt sẽ mất. 

Nhiếp ảnh gia nổi tiếng Nguyễn Văn Thông (sống tại Đà Lạt từ những năm 1939 đến nay, đã có hàng trăm bức ảnh nổi tiếng chụp về phong cảnh Đà Lạt) tỏ ra tiếc nuối khi biết rằng rạp hát Hòa Bình sẽ được tháo dỡ. “Trong kí ức của tôi, Đà Lạt là thành phố thanh bình, thơ mộng. Nếu phá bỏ hết những cái cũ thì những giá trị ấy chỉ còn dĩ vãng. Khi quy hoạch mới thành phố phát triển theo hướng hiện đại, văn minh, những nhà kiến trúc và lãnh đạo chắc chắn đã có những cách nhìn mới về sự phát triển hiện đại, tuy nhiên tôi vẫn mong muốn hãy giữ lại nhiều hơn giá trị riêng của Đà Lạt”.

Ông Phạm Anh Dũng (người dân TP Đà Lạt) cho rằng: Sự phát triển là quy luật tất yếu, nhưng chúng ta không nên đánh đổi hết giá trị lịch sử để thay vào đó những công trình xa lạ với người Đà Lạt. Tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta cần thay đổi nhưng thay đổi như thế nào thì cũng nên tham khảo ý kiến của người dân, chuyên gia nhiều hơn nữa. Tránh đi vào sai lầm 20 năm trước đây trong việc cho phát triển quá nhiều nhà kính sản xuất nông nghiệp xung quanh thành phố, khiến cho Đà Lạt ngày càng ngột ngạt. 

Theo KTS Trần Công Hòa (thành viên Hội Kiến trúc sư Đà Lạt, giảng viên Khoa Kiến trúc trường Đại học Yersin), giá trị đáng quý của Đà Lạt còn là di sản. Nơi đây có bề dày giá trị về mặt lịch sử, kiến trúc. Đà Lạt phấn đấu trở thành một trong những đô thị di sản. Như vậy, khu trung tâm phải là khu trung tâm của đô thị di sản, nét đó phải rõ chứ không phải khu làm ăn buôn bán vì du khách tới đây họ không cần đi vào khu trung tâm mua sắm.

Đà Lạt phát triển cùng nhiều nỗi lo
Phó giáo sư Pascal Bourdeaux (tác giả cuốn sách Đà Lạt - bản đồ sáng lập thành phố, chuyên nghiên cứu và giảng dạy về tôn giáo đương đại ở Việt Nam tại Pháp) cho rằng: Không thể bắt Đà Lạt chỉ cứ mãi đứng yên và không phát triển. Thế nhưng, cách Đà Lạt đang “phát triển” như hiện nay rõ ràng có quá nhiều vấn đề, và cả nỗi lo. Các di sản kiến trúc phải chịu áp lực đất đai rất lớn. Một tòa nhà bị phá hủy có thể được phục dựng lại dựa trên những thông tin lưu trữ. Song, ký ức về tòa nhà ấy có thể biến mất mà không thể tái tạo và cuối cùng, linh hồn của thành phố có thể sẽ tan biến theo. Không gì tệ hơn nếu Đà Lạt bị biến thành nơi chỉ dành cho những hoạt động du lịch và từ đó, mất chỗ cho cuộc sống thật sự.

Sẽ họp báo công bố thông tin
Ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cho biết: Hiện Sở đang lắng nghe, nghiên cứu các ý kiến phản biện từ công luận và chuyên gia về quy hoạch trung tâm Hòa Bình - TP Đà Lạt. Vào đầu tháng 4, chúng tôi sẽ tổ chức họp báo công bố thông tin chi tiết hơn, và trả lời những vấn đề báo chí phản biện về quy hoạch này.

MỚI - NÓNG