Quốc Trung: Cư xử chợ búa sẽ gặp những “bà nội trợ“

"Đi làm dịch vụ kiếm tiền thì không nên kêu ca. Nếu làm việc theo kiểu tuỳ tiện được chăng hay chớ thì sẽ gặp phải những đối tượng tương xứng thôi. Nếu cư xử theo kiểu chợ búa thì sẽ gặp những "bà nội trợ" - nhạc sĩ Quốc Trung.

Câu chuyện bản quyền âm nhạc lại nóng lên trên các mặt báo những ngày qua mà cụ thể là việc BTC liveshow Khánh Ly lần 2 tại Hà Nội và Đà Nẵng không thương thảo được giá với Trung tâm bảo vệ quyền tác giả (VCPMC) do nhạc sĩ Phó Đức Phương làm Giám đốc. Là người hoạt động nghệ thuật, từng đứng ra tổ chức nhiều chương trình ca nhạc, anh có suy nghĩ gì về vấn đề thu phí bản quyền âm nhạc hiện nay? Theo anh tình trạng rối trong thu phí tác quyền âm nhạc hiện nay xuất phát từ đâu?

Việc thu bản quyền là việc phải làm mà tôi nghĩ ai cũng phải ủng hộ và thực hiện. Nguyên nhân của việc "rối" đầu tiên là từ năng lực của người thực thi việc đó.

Đã gần 20 năm xây dựng văn hoá tôn trọng bản quyền ở Việt Nam thì đến nay cảnh vị phạm bản quyền âm nhạc vẫn tràn làn, các quan hệ vẫn như kiểu chợ búa. Hình ảnh của một ông giám đốc Trung tâm "bảo vệ" bản quyền ăn vạ như vậy thì dễ dàng hình dung được quy mô năng lực của họ đến đâu.

Hãy tự đặt một câu hỏi đơn giản là tại sao VCPMC lại phải "vất vả " như vậy?... Nếu họ nắm vững luật pháp và thẩm quyền của mình thì đơn giản cứ mang BTC hay bầu show ra toà mà kiện. Không những thu được tiền mà còn được đền bù nhiều hơn, họ hoàn toàn có thể làm điều đó.

Anh đã từng tổ chức nhiều chương trình ca nhạc uy tín, trong đó tôi có nhớ là những ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được sử dụng. Vậy riêng với việc trả tiền bản quyền cho tác giả sáng tác anh đã làm theo cách nào: trả cho VCPMC (mức giá bao nhiêu/bài) và trả cho phía gia đình (làm việc với ai và mức giá bao nhiêu), thưa anh? Mức thu phí một bài hát do VCPMC đưa ra được áp dụng theo biểu giá hiện thời có hợp lý hay không?

Tôi khá thân với anh Sơn và cũng được gia đình quý mến. Tuy nhiên tôi luôn đóng tiền bản quyền cho VCPMC đầy đủ. Bản quyền là quan hệ dân sự, thuận mua vừa bán. Nhưng ở đây người bán cần bán được và người mua cũng phải mua bằng được cho nên cần xây dựng quan hệ tương hỗ văn minh.

Quốc Trung: Cư xử chợ búa sẽ gặp những “bà nội trợ“ ảnh 1

Nhạc sĩ Quốc Trung.

Việc đưa ra mức giá cũng phải được sự đồng thuận của nhiều người mà việc đó thương là do một hiệp hội nghề nghiệp đứng ra. VCPMC có gần 20 năm hoạt động đã biến mình thành một trung tâm đại diện khai thác chứ không xây dựng năng lực để bảo vệ tác giả âm nhạc. Đã có lần tôi chất vấn họ về cái tên thì họ nói họ chỉ khai thác chứ không đứng ra bảo vệ tác giả.

Có nhạc sĩ cho rằng việc trả tiền tác quyền của VCPMC chưa minh bạch, rõ ràng. Thực hư việc này ra sao? Với cá nhân anh, doanh thu mỗi quý, mỗi năm từ việc uỷ quyền cho VCPMC?

Họ hiểu được tâm lý của đa số tác giả là thu được đồng nào là tốt rồi, thắc mắc làm gì nữa. Nhưng việc của họ là phải báo cáo và nó cũng không mất nhiều công sức thời gian để đến khi hỏi thì mới đưa ra. Tôi là người đóng tiền và được nhận tiền nên tôi biết. Nếu họ thu của tôi 1, 8triệu/bài thì họ cũng cần phải nộp đủ cho tôi từng đó. Tôi cứ đếm số lần ca sĩ hát mà đòi họ thôi.

Họ có làm được vậy không hay lại kêu khổ, kêu khó? Xin thưa là anh đi làm dịch vụ kiếm tiền thì không nên kêu ca, lĩnh vực này cũng có rất nhiều người muốn nhảy vào đó. Nếu làm việc theo kiểu tuỳ tiện được chăng hay chớ thì sẽ gặp phải những đối tượng tương xứng thôi. Nếu cư xử theo kiểu chợ búa thì sẽ gặp những 'bà nội trợ'.

Hầu hết tiền bản quyền tác giả được thu phí chủ yếu đối với đối tượng đơn vị tổ chức biểu diễn, nhà sản xuất. Nhưng thực tế có một tình trạng là ngoài những chương trình tổ chức biểu diễn chuyên nghiệp, không ít ca sĩ ngôi sao chạy show với tư cách cá nhân cho đám cưới, hội nghị... với thù lao lên đến vài chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng nhưng không ca sĩ nào trả thù lao tác quyền cho nhạc sĩ và và VCPMC cũng khó thu tiền tác quyền. Ý kiến của anh về điều này như thế nào?

- Đấy chính là những bất cập và sự yếu kém trong việc thực thi luật bản quyền tác giả âm nhạc. Tôi xin kể một ví dụ là luật bản quyền cho một tác phẩm âm nhạc classic như giao hưởng được tính 10% thu nhập của tất cả các nhạc công của dàn nhạc cộng với tiền đi lại ăn ở. Bạn thử tính ngay cả việc dàn nhạc đó không lấy tiền thì 10% của tiền vé máy bay, khách sạn, ăn ở của hơn 100 nhạc công sẽ là bao nhiêu.

Thời gian gần đây nhiều ý kiến cho rằng nên thành lập thêm nhiều trung tâm tác quyền ý kiến của anh ra sao?

 Một trung tâm còn loạn như vậy thì nhiều trung tâm thì sẽ như thế nào. Vấn đề là phải có hiệp hội mà ở đây là Hội nhạc sĩ cần có tiếng nói để việc thu tiền bản quyền được hiệu quả và tránh bị lạm dụng.

Hồ Hoài Anh: Là một nhạc sĩ tôi cũng rất muốn việc thu bản quyền các ca khúc của mình được thực hiện một cách đầy đủ và chính xác. Vấn đề là VCPMC chưa đầy đủ chức năng là một đơn vị nhà nước để quản lý tiền bạc (giống như Cục thuế) mà chỉ giống như một hội tự phát nên chưa có luật gì cụ thể cả. Nếu có luật như luật hình sự thì cứ y án thế mà làm cũng chẳng ai dám cãi.

Hồ Hoài Anh

Quốc Trung: Cư xử chợ búa sẽ gặp những “bà nội trợ“ ảnh 2Mọi người đều thấy câu chuyện bản quyền ở Việt Nam còn rất nhiều khúc mắc không riêng bản quyền âm nhạc. Tôi nghĩ không riêng gì tôi mà có rất nhiều nhạc sĩ và các nhà tổ chức nghệ thuật đều khẩn thiết yêu cầu các cơ quản quản lý nhà nước vào cuộc để tìm ra cách giải quyết vấn đề này và xây dựng một hệ thống pháp lý thật chặt chẽ cho việc thu bản quyền. Thực hiện tốt điều này còn thể hiện được đúng một nền văn hóa "tiên tiến" và văn minh.
Theo Sơn Hà
Theo Vietnamnet
MỚI - NÓNG