Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tập trung xem xét, thông qua 4 nội dung quan trọng, cấp bách liên quan đến việc sửa đổi một số điều của 8 luật, các nghị quyết về chính sách đặc thù cho thành phố Cần Thơ, chính sách tài khoá, tiền tệ phục hồi và phát triển kinh tế và dự án cao tốc Bắc – Nam.
Ngoài ra, Chính phủ dự kiến cũng sẽ có báo cáo gửi Quốc hội liên quan đến biến chủng Omicron và việc mua sắm các trang thiết bị y tế, trong đó có vụ việc “thổi giá” kit test của Công ty Việt Á gây bức xúc dư luận thời gian qua.
Quốc hội họp trực tuyến cả kỳ qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 62 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (riêng Đoàn Hà Nội sẽ họp tại điểm cầu Nhà Quốc hội).
Theo Văn phòng Quốc hội, thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các Ủy ban đã khẩn trương chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp bất thường lần thứ Nhất.
Sáng nay 4/1, Quốc hội tiến hành họp phiên trù bị và Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường sẽ báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự kiến chương trình kỳ họp. Vào 9 giờ sáng cùng ngày, Quốc hội họp phiên khai mạc kỳ họp, được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.
Trong ngày khai mạc, Chính phủ và cơ quan thẩm tra sẽ trình 4 nội dung được xem xét, thông qua tại kỳ họp. Chiều cùng ngày, Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Trả lời báo chí trước kỳ họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho biết, nợ công và bội chi là vấn đề quan trọng quốc gia, liên quan đến an ninh tài chính tiền tệ. Khi nền kinh tế phát triển nóng sẽ dùng chính sách tài khóa tiền tệ để điều hòa trở lại, bảo đảm tăng trưởng bền vững và khi kinh tế suy giảm sẽ phải tăng thêm nguồn lực hỗ trợ kích thích phát triển. Tuy nhiên nếu đặt bội chi, nợ công quá cao sẽ ảnh hưởng đến an ninh tài chính, nguy cơ tác động ngược, làm tăng lạm phát, tăng các chi phí. Do đó đây là bài toán điều hành mà các nước đều hết sức thận trọng.
Đại biểu cho rằng, trong thời gian tới, cần thiết bơm thêm tiền và sẽ tăng bội chi, tăng nợ công nên cần tính toán ở mức độ nhất định để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và gắn với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Trong khi đó, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến cho rằng, việc xem xét cho ý kiến đối với Dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cần đáp ứng các quan điểm quan trọng, như bám sát chủ trương định hướng của Đảng, tập trung tăng cường cho tổng cung và tổng cầu, trong đó ưu tiên cho tổng cung; phối hợp linh hoạt, chặt chẽ, hài hòa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác như chính sách thương mại, dịch vụ, đầu tư, để tối ưu hóa nguồn lực.
Gói quy mô cần đủ lớn, có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm để giải quyết những vấn đề cấp bách, tránh lãng phí nguồn lực; được thiết kế và thực thi nhanh, kịp thời, nguồn lực đưa ra phải được hấp thụ tối đa. Thời hạn triển khai gói này trong 2 năm 2022-2023, gắn với kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Trong đó có một nội dung rất quan trọng là huy động và quản lý được nguồn lực hợp lý, minh bạch, công khai và chống tiêu cực và lợi ích nhóm…
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn |
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) đồng tình với việc tại kỳ họp bất thường này Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội về tình hình biến chủng Omicron, đặc biệt là việc mua sắm các trang thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có vụ việc “thổi giá” của Công ty Việt Á. Qua phản ánh về tình hình hoạt động và những vi phạm của Công ty Việt Á, các Bộ liên quan cần có báo cáo giải trình, làm rõ vấn đề này.
Theo ông, thời gian qua, báo chí đã lên án rất nhiều, người dân cũng rất bức xúc và bản thân tôi đã đăng đàn, phê phán nhiều lần về vấn đề giá xét nghiệm. Vì vậy, rất cần phải có một báo cáo để Quốc hội và nhân dân nắm bắt được đúng, sai thế nào, vi phạm ra sao? Đặc biệt, trách nhiệm của Bộ KH&CN và Bộ Y tế đúng chỗ nào, sai chỗ nào? Có hay không sự bao che của những cơ quan này, hay có sự cấu kết của CDC các tỉnh, thành với Công ty Việt Á để nâng khống giá không?...
“Theo tôi, trách nhiệm của Bộ KH&CN là việc chủ trì, thành lập Hội đồng thẩm định cấp quốc gia về khoa học, để thẩm định chất lượng bộ kit xét nghiệm này. Cùng với đó là trách nhiệm khi đăng trên Cổng thông tin điện tử, cho rằng bộ kit test này đã được WHO công nhận. Mặt khác, Bộ này “đính chính” thông tin, nói do tổng hợp từ báo chí cũng hết sức vô lý, thiếu trách nhiệm. Cùng với đó, chi phí từ ngân sách nhà nước với gần 19 tỷ đồng để nghiên cứu sản xuất bộ kit test, vấn đề này thuộc trách nhiệm của Bộ KH&CN chứ còn ai khác?”, ông nói.
Với trách nhiệm của Bộ Y tế là vấn đề giá kit test, theo đại biểu, lý do nào Bộ Y tế đưa ra mức giá trần 470 nghìn đồng/bộ? Rồi trách nhiệm của Bộ trong việc kiểm tra, giám sát, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ra sao? Cán bộ y tế vi phạm đấu thầu, đấu giá mua sắm trang thiết bị y tế, trách nhiệm của bộ y tế như thế nào về mặt chuyên môn và quản lý nhà nước?...