Quên lời dạy 'nhất nghệ tinh'

Quên lời dạy 'nhất nghệ tinh'
TP - Tục ngữ có câu: “Một nghề thì sống, đống nghề thì chết” để nói lên sự chí thú, chuyên tâm để ý đến một việc nhất định luôn có được thành quả đáng giá hơn là suy nghĩ viển vông, thiếu định hướng ...

Phan Kế Bính trong “Việt Nam phong tục” có nhận xét rằng: “Nước ta công nghệ thì cũng chẳng thiếu thứ gì, nhưng chỉ vì tính người mình không biết quý trọng công nghệ, người làm nghề tựa hồ như bất đắc dĩ không học được mà làm quan, chẳng lẽ ngồi khoanh tay mà chịu chết mới phải xoay ra làm nghề mà thôi.

Mà làm nghề thì không cần gì lấy tinh xảo, chỉ cốt làm cho bán rẻ tiền được nhiều người mua là hơn. Nghề như thế thì mong sao tấn tới thịnh vượng được, mà công nghệ suy nhược, lại là vì người có học thức không chịu làm, người chịu làm thì lại là người không có học thức...”.

Tục ngữ có câu: “Một nghề thì sống, đống nghề thì chết”, “Ruộng bề bề không bằng nghề trong tay” để nói lên sự chí thú, chuyên tâm để ý đến một việc nhất định luôn có được thành quả đáng giá hơn là suy nghĩ viển vông, thiếu định hướng và mông lung không rõ rệt...

Lúc trước Tân Việt cũng viết bài “Mỗi người một việc” đăng trên “Đông Pháp Thời Báo” năm 1928: “Các nước phú cường, người nào việc ấy. Nhà khoa học lo cả đời phát minh, người làm giàu thì cứ lo việc làm giàu. Còn nước ta thì không thế.

Một người làm năm bảy việc, trong khi làm bầu gánh hát bộ, lại có xuất bản một cuốn tiểu thuyết ái tình, lại có mở một cửa hàng tạp hóa. Người ngoại quốc thấy vậy, cho rằng chúng ta có lòng ham hố quá, hoặc cho rằng không có đức chuyên nhất, không có tính nhẫn nại...”

Nhận xét như thế đến tận thời nay vẫn còn giá trị. Nhớ lại thời bao cấp, thường thấy xuất hiện nhiều công ty kinh doanh tổng hợp, tức là buôn bán trao đổi tất cả các loại hàng hóa, thực chất chỉ kinh doanh theo từng đợt hàng nào xét thấy thị trường đang có giá - nhưng nhược điểm là dễ nhầm lẫn và thiếu rõ rệt – làm ăn chỉ có lợi ban đầu, sau này lại dễ dàng bị thua lỗ hoặc đi vào ngõ cụt. Về sau những hình thức tương tự không còn thấy xuất hiện nữa, ngay ở cái danh xưng mơ hồ đó!

Nhân lúc du khách nước ngoài đổ xô đến nước ta, nhiều công ty thương mại liền nhảy sang kiêm luôn lĩnh vực du lịch, tưởng sẽ béo bở lắm. Nhưng đi vào thực tế mới thấy nhiêu khê, thực hiện không đến nơi đến chốn khiến mất lòng du khách. Rồi khi thấy ở lĩnh vực bất động sản đang lên cơn sốt, nhiều công ty xin phép nhảy vào làm ăn, trong khi đang ở lĩnh vực khác... thử đặt câu hỏi như thế làm sao có tính chuyên môn, chuyên tâm cao?

Bất cứ cái gì xét thấy lợi lộc một chút là có người ở lĩnh vực khác nhảy vào làm ăn, mà chẳng đặt trọng tâm vào công việc của mình để có thể “ích nước lợi nhà” cho được.

Như thế phải chăng chỉ đến lúc người Việt mình chuyên tâm để ý một thứ việc đang thay đổi, khi đó mới có cơ may cạnh tranh được với doanh nhân nước ngoài trong thời buổi hội nhập hiện nay. Nếu không chỉ là lối làm ăn luôn mang tính cách phân tán, cục bộ, chỉ có cái lợi trước mắt hoặc có lợi cho nhóm này mà thiệt hại cho nhóm khác.

Hơn nữa dễ đi chệch hướng, làm biến dạng nghề nghiệp gây nên lỗ lã và độ rủi ro cũng cao. Ôm đồm quá nhiều công việc chẳng khác nào “bắt cá cả hai tay” dầu có ích lợi chút đỉnh, nhưng chỉ là lợi cho cá nhân mà gây thiệt hại cho tập thể, thì đúng cần phải xem xét lại...

Vương Hữu Thái
Bảo Lộc -  Lâm Đồng

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Xử lý dứt điểm vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản trong quý 2/2024
Hà Nội: Xử lý dứt điểm vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản trong quý 2/2024
TPO - Thường trực Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Hà Nội yêu cầu xử lý dứt điểm 37 vụ án trong quý 2/2024. Trong đó, có vụ án “Lừa dối khách hàng”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án đầu tư xây dựng tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes liên quan đến ông Lê Thanh Thản.