Mỗi ngày chỉ bán từ 7h sáng đến 12h trưa, gần 1 tạ lợn và gần 100 mớ rau các loại tại hàng của chị Lan tại Mễ Trì Hạ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã hết sạch. Chị cho biết, tất cả từ thực phẩm như thịt gà, lợn, bò cho đến các loại rau bán tại đây đều do nhà chị tự sản xuất hoặc thu mua của bà con làng xóm quanh vùng ở Đông Anh.
“Biết được nhu cầu chuộng rau, thực phẩm sạch của người dân thành thị nên tôi mượn một phần mặt bằng của người thân ở Mễ Trì Hạ để bán. Không phải gian hàng ở chợ, cũng không phải là khu đông đúc dân cư nhưng được cái gần đường qua lại nên tôi bán rất đắt hàng”, chị Lan nói.
Trong các quầy hàng ở dãy phố thì chị Lan bán chạy nhất, khách lúc nào cũng đông. Các mặt hàng có giá bình dân, chỉ tương đương thậm chí là rẻ hơn các hàng ở chợ. Rau muống, rau cải cúc, cải xong, mồng tơi,…chỉ 2.000-4.000 đồng/mớ, thịt lợn 100.000 đồng/kg, thịt gà 100.000 đồng/kg, …Tuy nhiên, theo những người mua hàng thì vốn dĩ quầy hàng chị Lan bán chạy không hẳn do giá cả phù hợp mà còn là thực phẩm ở quê mang lên nên rất được ưa chuộng.
Khách mua hàng chủ yếu là những người dân sống quanh vùng, thậm chí một vài người sống ở khu khách nhưng biết tiếng chị Lan nên cũng qua mua. Bà Hồng, một người dân quanh đó cho biết, sáng nào bà cũng dậy thật sớm để đi “chợ” nhà chị Lan.
“Ban đầu, nhìn bên ngoài tôi cũng khó có thể tin nổi đâu là hàng sạch, hàng bẩn. Nhưng sau mua quen, luộc rau thấy nước không bị xanh đặc, nấu thịt không bị ra nước, mỡ béo thơm và ngậy thì biết là hàng sạch. Cũng từ ngày chị Lan bán hàng ở đây thì tôi ít đi chợ hơn. Hầu hết từ rau cỏ cho đến thịt thà đều mua hàng chị, chỉ khi nào hàng chị không có mới phải ra chợ mua”, bà Hồng chia sẻ.
Mặc dù nhà ở gần chợ Mễ Trì Hạ nhưng chị Khánh vẫn tranh thủ dậy sớm quay ngược đường ra cửa hàng chị Lan để mua. Theo chị Khánh, để tìm mua được những hàng bán rau quê, thực phẩm an toàn, giá lại hợp lý không phải dễ dàng. Chị cho biết: “Thịt, rau hàng chị Lan khác hẳn với phần lớn rau, thịt ở chợ. Mua quen rồi nên tôi ít khi mua ở hàng khác. Có ăn lẩu, hay giỗ chạp, lễ Tết gì tôi cũng đều đặt hàng chị Lan. Chứ ăn đồ mua ở hàng khác, thấy không đúng “đồ quê” là tôi biết ngay”, chị Khánh nói.
Ngoài bán lẻ cho các hộ dân cư ở quanh vùng, chị Lan còn đổ buôn cho một số hàng ăn và một nhà hàng ở nội thành Hà Nội. Chị cho biết, từ rau đến thịt gà, lợn đều do nhà và bà con hàng xóm trồng, mọi người thường trồng rau trong vườn, lợn nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình chứ không nuôi theo trang trại nên rất đảm bảo.
Do là hàng quê, giá cũng ngang bằng với các nơi khác nên khách hàng rất thích. Cứ người này giới thiệu người kia, nên gần 1 năm bán hàng ở đây chị cũng có một lượng khách quen nhất định. Mỗi ngày chị cả bán lẻ, đổ buôn cũng hết 70-80 kg đến 1 tạ lợn, hơn 100 mớ rau và các loại thực phẩm khác.
Bác Trần Thị Hòa, người dân sống ở đó cho biết, cứ khi nào muốn ăn gà thả vườn, vịt nhà nuôi thóc… thì bác đều dặn chị Lan tìm mua giúp ở quê. Thậm chí, bác Hòa còn lưu hẳn số điện thoại của chị trong tờ giấy, cứ dịp nào sắp cỗ là gọi điện trước mấy ngày. Các nguyên liệu sắm Tết năm nay, bác Hòa cũng đặt chị Lan mua giúp.
Nhà cách địa điểm bán hơn 20 km nên công việc cũng khá vất vả. Sáng 2 vợ chồng chị Lan phải dậy từ 2h sáng để giết mổ lợn rồi đem sang nội thành bán. Đến chiều về nhà lại phải chia nhau đi tìm nguồn hàng.
“Biết là mệt mỏi nhưng bán được hàng nên cứ hăng, quên hết cả nặng nhọc. Trước kia, 2 vợ chồng chỉ ở nhà chăn nuôi, trồng trọt, vụ nông nhàn ai mướn thì đi làm thuê. Làm không đủ ăn. Nhưng sau khi buôn bán hàng quê ở nội thành, kinh tế gia đình khá lên hẳn. Hàng ngày có đồng ra đồng vào, sắm được món này món nọ, cuối năm cũng có chút dư dả để sắm Tết”, chị Lan nói.