Quảng trường Thủ Thiêm: Biểu tượng văn hóa của TP HCM?

Khu vực dự kiến xây dựng quảng trường trung tâm Thủ Thiêm
Khu vực dự kiến xây dựng quảng trường trung tâm Thủ Thiêm
TP - TPHCM dự kiến xây dựng Quảng trường trung tâm tại khu đô thị mới Thủ Thiêm mang tên Quảng trường Hồ Chí Minh. Đây là không gian công cộng lớn nhất Việt Nam với chiều dài 700m, rộng từ 80 - 200m, sức chứa gần nửa triệu người và kinh phí đầu tư lên tới gần 2.000 tỷ đồng. 

Kết nối nhiều thiết chế văn hóa

Theo đồ án Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 vừa được UBND TPHCM phê duyệt, Quảng trường trung tâm khu đô thị mới Thủ Thiêm có diện tích 20,72ha được quy hoạch thành không gian công cộng lớn nhất của Việt Nam. Quảng trường là điểm nhấn của cả Khu đô thị mới Thủ Thiêm với chiều dài khoảng 700m; chiều rộng từ 80 - 200m.Tổng vốn đầu tư của dự án ước tính gần 2.000 tỷ đồng, có sức chứa tối đa 430.000 người.Quảng trường sẽ là nơi diễn ra các hoạt động giao lưu, tổ chức các lễ hội văn hóa - chính trị và các hoạt động giải trí thường nhật phục vụ người dân thành phố và du khách.

Quảng trường Thủ Thiêm: Biểu tượng văn hóa của TP HCM? ảnh 1 Phối cảnh Quảng trường Thủ Thiêm
Quảng trường Thủ Thiêm: Biểu tượng văn hóa của TP HCM? ảnh 2 Cầu bộ hành nối quảng trường với trung tâm quận 1 
Cùng với quảng trường, công viên bờ sông là công trình công cộng trải dọc theo bờ sông Sài Gòn tại khu lõi trung tâm Thủ Thiêm với quy mô 9,05ha, dài 2km từ Trung tâm triển lãm quốc tế phía Bắc đến Khu Thể thao và Giải trí  tại phía Nam. Đây là một không gian công cộng rộng lớn có chiều cao trình từ 1,5 - 2m cùng hệ sinh thái tự nhiên đa dạng. Theo quy hoạch, công viên sẽ là vườn bách thảo với các dải thực vật khác nhau trên suốt chiều dài của công viên bờ sông.

Công viên Bờ sông được phát triển thành trung tâm sinh thái độc đáo, đặc trưng vừa mang bản sắc văn hoá “sông nước Nam bộ” với hệ thực vật phong phú như: sú vẹt, đước, dừa nước… tiêu biểu cho thảm thực vật đặc trưng ven bờ của bán đảo Thủ Thiêm, vừa giúp giữ đất một cách tự nhiên tại các vị trí uốn khúc của dòng sông này.

Điểm nhấn của công trình hoành tráng này là cầu bộ hành dài 360 m bắc qua sông Sài Gòn kết nối Quảng trường trung tâm và quận 1 tại công trường Mê Linh. Ngoài ra, một bến phà nhỏ và bến taxi thủy cũng được bố trí dọc sông Sài Gòn - nơi giao nhau của Quảng trường Trung tâm và Công viên Bờ sông.

Mới đây, tại đại hội cổ đông thường niên năm 2018, ông Trần Bá Dương, Tổng giám đốc Công ty Đại Quang Minh (chủ đầu tư) cho biết công ty đã hoàn thành thiết kế cầu bộ hành vượt sông Sài Gòn nối từ quảng trường trung tâm khu đô thị Thủ Thiêm (quận 2) sang khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1). Hiện nay, Công ty Đại Quang Minh đang chuẩn bị hoàn tất các thủ tục cần thiết để khởi công xây dựng Quảng trường Trung tâm Thủ Thiêm và Công viên Bờ sông tại khu đô thị mới quận 2.

Theo ông Trần Bá Dương, việc hoàn thành dự án này sẽ giúp khu Thủ Thiêm gìn giữ và bảo vệ chất lượng môi trường sống quận 2. Quảng trường phải là nơi tiếp nhận những không gian hiện đại, mang tính biểu tượng cao và thể hiện quyết tâm của chính quyền trong việc bảo lưu, bảo vệ chất lượng môi trường sống ngay trong lòng trung tâm thành phố. Hiện nay, nhà đầu tư đã hoàn thành đưa vào khai thác 4 tuyến đường chính từ đầu năm 2017 và đang xây dựng đường dẫn phía quận 2; đường dẫn phía quận 1 và trụ chính dây văng ở giữa sông Sài Gòn của cầu Thủ Thiêm 2. 

Biểu tượng của TPHCM

UBND TPHCM đã có văn bản chính thức kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt tên Quảng trường trung tâm Thủ Thiêm là “Quảng trường Hồ Chí Minh”.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết: Toàn bộ cụm công trình sẽ bao gồm quảng trường, cột cờ Tổ quốc, nhà trưng bày về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà sàn và Ao cá Bác Hồ, Công viên lưu niệm 63 tỉnh thành. Các hạng mục này sẽ là không gian mô phỏng các công trình hiện hữu về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại khu di tích Phủ Chủ tịch nhưng với tỷ lệ nhỏ hơn. Riêng tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được đặt tại công viên trước UBND TPHCM trên phố đi bộ Nguyễn Huệ nên sẽ không đặt thêm tượng Bác tại quảng trường.

Theo ông Phong, từ sau ngày thống nhất đất nước đến nay, TPHCM chưa đầu tư xây dựng quảng trường phục vụ lợi ích xã hội mang tầm vóc lớn xứng tầm là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học và giáo dục của cả nước để phục vụ nhân dân. Quảng trường sẽ là công trình có không gian công cộng lớn tại TPHCM, khi hoàn thành sẽ là biểu tượng trường tồn, đồng hành với sự phát triển của thành phố.

Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hoà, Giám đốc Diễn đàn phát triển đô thị bền vững châu Á tại Việt Nam, vị trí của quảng trường gần với quảng trường Mê Linh, được nối bằng một cây cầu. Vị trí này cho thấy ý đồ Quảng trường Thủ Thiêm (Quảng trường Hồ Chí Minh) như đề xuất của nhà thiết kế là phần mở rộng của trung tâm Sài Gòn, nằm trong ý đồ bổ sung cho những gì mà Sài Gòn còn thiếu, hoặc đã quá tải. 

“Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi mà vào những ngày lễ hội, ở nơi đây sẽ có hàng trăm nghìn người dồn về đây kèm theo đó là xe hơi và xe máy. Việc nhiều người dồn về vào một thời điểm ngắn của những ngày lễ hội là chắc chắn, bởi vì Sài Gòn sau 300 năm hình thành chưa có quảng trường thành phố nào đúng nghĩa mà chỉ có những khoảng không gian chuyển tiếp giữa các ô phố và công trình công cộng được gọi là quảng trường như Mê Linh, Quách Thị Trang, 30-4,... Thành phố này vô cùng thiếu không gian công cộng cho người dân, đặc biệt là các không gian có qui mô lớn”, ông Hòa nêu ý kiến.

Theo một số chuyên gia, từ trước tới nay, các ngày lễ trọng đại thành phố chỉ tổ chức với qui mô nhỏ ở trong dinh Độc Lập, trong nhà hát lớn, hoặc trên đường Lê Duẩn. Do diện tích chật hẹp và bị khống chế không gian nên tổ chức thiếu quy mô, tầm vóc, đôi khi luộm thuộm. Việc xây dựng Quảng trường Thủ Thiêm thành quảng trường phục vụ chính trị và đời sống văn hóa của TPHCM  là cần thiết.

 “Công trình với tên gọi “Quảng trường Hồ Chí Minh” sẽ mang ý nghĩa, tình cảm của Đảng bộ, nhân dân thành phố và nhân dân miền Nam đối với Bác qua đó sẽ giáo dục cho thế hệ trẻ lịch sử đấu tranh, bảo vệ và xây dựng đất nước”.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong

Hình dáng chưa phù hợp?
Nhiều chuyên gia cho rằng hình thế quảng trường không thật lý tưởng cho các lễ chính trị trọng đại với chiều dài gấp 3,5 lần chiều rộng, một đầu to và một đầu nhỏ. Các quảng trường tại nhiều nước thường có hình chữ nhật nằm ngang để thuận tiện cho các hoạt động diễu hành và diễu binh.



MỚI - NÓNG