Quảng Nam sẽ làm gì để cán bộ không lo 'thất nghiệp'?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ sáp nhập huyện Núi Thành với thành phố Tam Kỳ để phát triển thành đô thị loại I. Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh đã lên kế hoạch để sắp xếp lại tổ chức bộ máy cán bộ.

Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói về việc sắp xếp cán bộ dôi dư sau sáp nhập.

Ngày 14/3, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam trao đổi phỏng vấn báo chí liên quan nội dung công bố quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quảng Nam sẽ làm gì để cán bộ không lo 'thất nghiệp'? ảnh 1

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Hoài Văn

PV báo Tiền phong đặt câu hỏi về phương án sắp xếp sử dụng cán bộ dôi dư sau sáp nhập, đảm bảo để cán bộ không lo “thất nghiệp”.

Ông Lê Trí Thanh cho biết, sáp nhập cấp xã, huyện là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và được làm trong cả nước. Tại Quảng Nam, tỉnh đã lên kế hoạch để sắp xếp lại, tổ chức bộ máy tinh gọn, đồng thời giải quyết các chế độ chính sách phù hợp để những người trong giai đoạn sắp xếp này yên tâm nghỉ việc. HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết.

“Bên cạnh đó việc điều động, bố trí, sắp xếp trong bộ máy tỉnh Quảng Nam nói chung, và sử dụng cán bộ dôi dư có lộ trình khoa học, bài bản phù hợp với năng lực trong quá trình đóng góp của cán bộ đó. Nội dung này đang được Sở Nội vụ chủ trì để hoàn thiện, và sau này tỉnh sẽ làm từng bước. Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam cũng sẽ học tập kinh nghiệm của các địa phương bạn trong quá trình bố trí lại cán bộ sao cho phù hợp nhất để cán bộ yên tâm, phát triển công tác”, ông Thanh nói.

Quảng Nam sẽ làm gì để cán bộ không lo 'thất nghiệp'? ảnh 2

Theo quy hoạch, Quảng Nam sẽ sáp nhập huyện Núi Thành với thành phố Tam Kỳ để phát triển thành đô thị loại I.

Theo ông Thanh, quy hoạch tỉnh Quảng Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ sáp nhập huyện Núi Thành với thành phố Tam Kỳ để phát triển thành đô thị loại I, trở thành cực tăng trưởng quan trọng của miền Trung, phù hợp với định hướng phát triển chuỗi đô thị ven biển của Chính phủ.

Thành phố Tam Kỳ và huyện Núi Thành có điều kiện thuận lợi, khi được sáp nhập lại sẽ bổ sung nguồn lực, cơ hội cho nhau để cùng nhau xây dựng một đơn vị hành chính thống nhất vừa tiết kiệm nguồn lực nhưng cũng phát huy những khả năng hiện có, nhất là cơ sở hạ tầng giao thông đầu mối quan trọng như sân bay, cảng biển, trung tâm kinh tế khác...

“Quá trình nghiên cứu địa phương đánh giá việc sáp nhập là cần thiết và dự kiến giai đoạn từ năm 2025 đến 2030 sẽ xây dựng đề án báo cáo với Chính phủ” – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thông tin.

Ngày 16/3 tỉnh sẽ tổ chức Hội nghị Công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và khai mạc “Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia - Quảng Nam 2024”.

Quy hoạch với mục tiêu phấn đấu đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030. Đến năm 2050 phát triển toàn diện, hiện đại và bền vững, phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc trung ương.

Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt trên 8%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt trên 7.500 USD;

Đầu tư Cảng hàng không Chu Lai đạt tiêu chuẩn cảng hàng không quốc tế với quy mô cấp 4F, Cảng biển Quảng Nam đạt tiêu chuẩn loại I tiếp nhận tàu đến 50.000 DWT.

Liên quan đến phát triển Cảng hàng không Chu Lai, ông Thanh cho hay, lộ trình từ nay đến 2050 phát triển cảng hàng không Chu Lai thành cảng hàng không 4F. Trong đó giai đoạn 2030 tập trung đầu tư hoàn thiện khu cất hạ cánh sân bay Chu Lai hiện nay, mở rộng thêm khu bay mới ở khu vực phía đông của sân bay này. Từng bước hình thành trung tâm sữa chữa bảo dưỡng các loại máy bay.

“Khi mà quỹ đất chúng ta có, quy hoạch có, chức năng có thì sẽ mời gọi được các nhà đầu tư đến. Nếu có kỹ thuật tốt, cạnh tranh cao thì hoàn toàn có thể hình thành trung tâm công nghiệp sữa chữa bảo dưỡng các loại máy bay tại đây. Tiếp theo đó là sản xuất duy tu bảo dưỡng sữa chữa các thiết bị, chế tạo các linh kiện, phụ tùng khác phục vụ cho ngành hàng không. Từng bước, khi đủ điều kiện thì sẽ hình quy mô như trong quy hoạch” – ông Thanh nói.

MỚI - NÓNG
Giá vàng nhẫn tròn lên mức 79,3 triệu đồng/lượng, giá vàng SJC giảm về mức 81,8 triệu đồng/lượng. Ảnh:PQ.
Giá vàng nhẫn phá vỡ mọi kỷ lục
TPO - Sáng nay (20/9), giá vàng nhẫn tròn tiếp tục tăng 100.000 đồng/lượng, lên mức 79,3 triệu đồng/lượng, mức cao nhất trong lịch sử. Giá vàng SJC bất ngờ quay đầu giảm, về mức 81,8 triệu đồng/lượng.