Thông tin từ cuộc làm việc mới đây của đoàn công tác Chính phủ với Bộ Khoa học-công nghệ về công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Tốn kém vậy, tuy nhiên với tư duy tất cả mọi thứ nhà nước đều phải “bao sân” hiện nay, kiểm tra là cứ phải…kiểm tra. Cho dù nói như lãnh đạo Ban Pháp chế của Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam, có những hãng cung cấp sản phẩm đạt tiêu chuẩn châu Âu, hàng sản xuất từ những nước G7 mà đưa sang Việt Nam kiểm tra lại... không đạt tiêu chuẩn !? Cứ như “học sinh lớp 4 đi kiểm tra, đánh giá trình độ học sinh lớp 10”. Nên có khi một dây chuyền nhập khẩu ô tô đã kiểm tra khi nhập khẩu rồi, nhưng khi lắp ráp xong ở nhà máy thì Bộ khác lại đến kiểm tra lần nữa!
Quan điểm của Chính phủ là quyết “quăng” bớt gánh nặng kiểm tra mang tính hình thức, vô cùng tốn kém mà thiếu hiệu quả. Xây dựng một bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia hoàn thiện. Để chuyển sang hậu kiểm, buộc doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm đến cùng với hàng hóa, sản phẩm của mình, nếu không muốn bị nhận “thẻ đỏ” vĩnh viễn.
Như vụ án nhập thuốc chữa ung thư giả đang được xét xử phúc thẩm thuộc trách nhiệm của Công ty Cổ phần VN Pharma. Một khi tội trạng được kết luận rõ ràng, thì chỉ có tước quyền (có thời hạn hoặc vĩnh viễn) việc kinh doanh dược phẩm đối với doanh nghiệp này, mới có thể xử lý được tận gốc vấn đề. Làm gương cho mọi doanh nghiệp khác.
Người dân không cần biết đến con số báo cáo rất “đẹp”, rằng thị trường dược phẩm năm 2016 chỉ có 0,03% thuốc giả. Mà chỉ riêng một VN Pharma đã đủ khiến trên 90 triệu người dân ám ảnh, rùng mình.
Đảng, Chính phủ đang quyết tâm cho “rời sân” vô số những công chức đang tối ngày “vác ô” cùng những đơn vị sự nghiệp hoạt động chồng chéo, không hiệu quả. Trong tổng số 58.000 đơn vị sự nghiệp công lập với 2,5 triệu biên chế cả nước – một con số khổng lồ mà không ngân sách nào gánh nổi. Là sự cụ thể hóa quyết tâm cải cách, sắp xếp lại bộ máy của hệ thống chính trị được đặt ra tại Hội nghị Trung ương 6 mới đây.
Một không khí “cởi trói”, dỡ bỏ gánh nặng ôm đồm chi tiêu bao cấp có thể thấy đang diễn ra tại nhiều lĩnh vực trong xã hội. Hệ thống giáo dục, y tế đang đẩy mạnh cơ chế tự chủ. Các đơn vị khoa học- công nghệ công lập cũng đang tiến trình tự chủ hóa, xã hội hóa về tài chính, nghiên cứu. Bộ Công an vừa có dự thảo quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập trong lực lượng. Quân đội cũng đang tiến hành giảm số doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước từ 88 doanh nghiệp xuống còn 17.
Quẳng gánh nặng lên tiền thuế dân, và cột buộc rõ ràng trách nhiệm cho mỗi cá nhân, tập thể, con thuyền đất nước mới có thể trôi nhanh được.