Quảng cáo bia rượu: Nhiều quy định chưa phù hợp với thực tế

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TPO - Một số nội dung về quảng cáo và thương mại điện tử trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật phòng chống tác hại của rượu bia còn nhiều điểm mâu thuẫn và không có tính khả thi; cần được xem xét, điều chỉnh.

Tại Tọa đàm về quảng cáo và thương mại điện tử trong Dự thảo Nghị định chi tiết một số điều của Luật phòng chống tác hại của rượu bia ngày 10/12/2019 tại Hà Nội, các chuyên gia kinh tế, pháp luật cho rằng, một số quy định trong dự thảo Nghị định chưa đảm bảo tính thống nhất với các quy định pháp luật liên quan, chưa đảm bảo tính nhất quán với Luật phòng chống tác hại của rượu bia và cũng không đảm bảo tính khả thi. Do vậy, cần xem xét, điều chỉnh nhằm góp phần đảm bảo tính khả thi của Nghị định, tính thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam, và tạo điều kiện cho ngành phát triển bền vững.

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Nguyễn Tiến Vỵ- Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam nhận định, một số nội dung về quảng cáo và thương mại điện tử trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật phòng chống tác hại của rượu bia còn nhiều điểm mâu thuẫn và không có tính khả thi; cần được xem xét, điều chỉnh.

Về các quy định về quảng cáo, ông Nguyễn Tiến Vỵ cho rằng, quy định: nội dung cảnh báo phải chiếm tối thiểu 10% diện tích quảng cáo là quá lớn, ảnh hưởng đến tính chất sáng tạo đối với một thiết kế sản phẩm quảng cáo. Ông Vỵ đề nghị, quy định diện tích cảnh báo chiếm từ 5-7% là phù hợp.

Về quy định “Quảng cáo rượu, bia đã được đăng tải không được liên kết, quảng bá đến các tài khoản người dùng, các trang, kênh, phương tiện thông tin khác trên môi trường mạng”, Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam đề nghị xem xét, không quy định nội dung này trong dự thảo Nghị định, vì quy định này mâu thuẫn với Điều 12 Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, cho phép việc quảng cáo bia trên phương tiện kỹ thuật số; quy định này cũng mâu thuẫn với Luật Quảng cáo vì bia không phải là sản phẩm cấm quảng cáo được quy định tại Điều 7 Luật Quảng cáo 2012; đặc biệt là quy định này sẽ tạo ra gánh nặng không đáng có cho các ấn phẩm chỉ vì đăng quảng cáo bia.

Theo ông Nguyễn Thanh Hưng- Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam, Dự thảo Nghị định chi tiết một số điều của Luật phòng chống tác hại của rượu bia có nhiều mâu thuẫn trong Quy định Kinh doanh rượu bia bằng thương mại điện tử.

Ông Hưng đề nghị xem xét bỏ quy định: Có ứng dụng khai báo tên, tuổi trước khi người đó truy cập, tìm kiếm thông tin và khai báo tên người mua, địa chỉ cư trú của người mua, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trước khi giao dịch. Theo ông Hưng, việc yêu cầu khai báo thông tin trước khi người dùng truy cập website không có ý nghĩa trong việc kiểm soát thông tin người dùng, do không có cơ sở để xác thực thông tin nếu người dùng khai báo thông tin không đúng.

Tại hội thảo, các đại biểu đề nghị xem xét thêm nội dung mà tất cả các cảnh báo trước đây đều có ghi: “Đã uống rượu bia, không lái xe” để có thể sử dụng được cảnh báo này và tránh lãng phí kinh phí đã đầu tư cho quảng cáo.

Liên quan đến những quy định kinh doanh rượu, bia bằng thương mại điện tử với nhiều đề xuất được đánh giá là chưa theo kịp đời sống thương mại điện tử và hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.  

Thực tế, hầu hết các trang web thương mại điện tử không chỉ bán bia mà còn bán một loạt hàng hóa khác hoặc là một thị trường cho các cửa hàng tiêu dùng. Do đó, một hạn chế được đặt trên một danh mục hàng hóa riêng biệt sẽ ảnh hưởng đến nền tảng rộng hơn của trang thương mại điện tử đó và điều đó sẽ không khả thi trên thực tế hoặc sẽ dẫn đến việc các trang đó phải thiết lập một trang web mới dành riêng cho rượu, bia.

MỚI - NÓNG