Bộ Y tế giữ quan điểm hạn chế quảng cáo rượu, bia trên 5,5 độ

TPO - Tại Tọa đàm công bố Báo cáo đánh giá tác động của dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Quy chế tự quản của doanh nghiệp đồ uống có cồn diễn ra hôm nay 21/5, bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế cho biết, các quy định hạn chế quảng cáo rượu, bia là cần thiết để giảm nhu cầu sử dụng.  

Theo bà Trang, không có giới hạn an toàn cho việc sử dụng rượu bia, việc sử dụng phải thận trọng bởi tác động đến hệ thần kinh. Do vậy, cần thận trọng khi tuyên truyền. Cần có biện pháp để kiểm soát việc tiêu dùng. Ba nhóm giải pháp thế giới đã làm là: Kiểm soát giảm cung; kiểm soát việc tính sẵn có, tính dễ tiếp cận và việc kiểm soát quảng cáo. 

Về nội dung quảng cáo trong dự thảo luật, bà Trang cho rằng, cho phép quảng cáo thoải mái là tăng tiêu thụ. Bởi quảng cáo là thúc đẩy việc tiếp thị và tiêu dùng sản phẩm. Giảm quảng cáo sẽ giúp giảm tiêu dùng, đặc biệt trong giới trẻ. Bà Trang cho rằng, các quy định về quảng cáo trong dự thảo luật là phù hợp, như không hạn chế đối với sản phẩm dưới 5,5 độ cồn; hạn chế nhất định với sản phẩm từ 5,5 đến 15 đô cồn, và cấm hoàn toàn quảng cáo với sản phẩm trên 15 độ cồn. Quy định này không ảnh hưởng gì đến doanh thu của ngành quảng cáo. 

Mục tiêu của Luật đưa ra là giảm tiếp cận và đảm bảo an toàn xã hội. 

Trước đó, một số ý kiến trong tọa đàm cho rằng, quy định hạn chế quảng cáo rượu bia sẽ ảnh hưởng đến ngành quảng cáo với doanh thu hàng nghìn tỷ đồng. 

TS Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viên Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, việc cấm quảng cáo, có thể dẫn đến hậu quả là, không chỉ tự do kinh doanh bị ảnh hưởng mà quyền tự quyết của người tiêu dùng cũng bị hạn chế. Theo ông Hiếu, việc quản lý đồ uống có cồn là cần thiết, nhưng cần xác định đúng đối tượng, đúng phạm vi và với biện pháp phù hợp; cần phải cân bằng giữa lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội, tính khả thi của các biện pháp.

Ông Hiếu đề xuất, quy định cấm tuyệt đối việc quảng cáo rượu 5,5- 15 độ cồn và bia trên 5,5 độ trong chương trình, hoạt động thể thao, văn hóa, sân khấu, điện ảnh nên thay bằng biện pháp hạn chế. Ví dụ, cấm đối với chương trình có trẻ em dưới 18 tuổi tham gia; chương trình được xây dựng cho nhóm đối tượng là trẻ em dưới 18 tuổi.

Việc cấm quảng cáo trên báo nói, báo hình trong thời gian từ 18 giờ đến 21 giờ hằng ngày, ngay trước, trong và sau các chương trình dành cho trẻ em nên thay bằng cấm …. từ 18 giời đến 20 giờ.

Theo Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, các thành viên trong hiệu hội đều tuân thủ truyền thông thương mại phải hợp pháp và đúng quy định về cạnh tranh công bằng và thông lệ kinh doanh. Truyền thông quảng cáo thực hiện nhằm mục đích giúp cho người đủ tuổi uống bia có đủ hiểu biết để lựa chọn sản phẩm. 

Tất cả các hoạt động truyền thông về thương mại phải tuân thủ luật pháp hiện hành của Việt Nam, các quy định về quảng cáo và các quy chế tự điều chỉnh. Trong đó, có việc, tất cả các hình thức truyền thông thương mại không bao giờ được nhằm vào những người vị thành niên hoặc khách hàng dưới độ tuổi uống bia. 

Nội dung quảng cáo trên mạng internet, tin nhắn SMS hoặc bất kỳ công nghệ trên Web phải có khuynh huớng rõ ràng là dành cho người trên 18 tuổi. 

Các hoạt động truyền thông phải được thực hiện ở một nơi có khoảng cách hợp lý xa trường học, những nơi thờ phụng, các sân chơi công cộng. 

MỚI - NÓNG
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
TPO - Chiều 30/4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 45 người. Lực lượng chức năng tước hơn 3.400 giấy phép lái xe các loại do vi phạm an toàn giao thông.