Chủ quán bia “sốc” nặng
Khảo sát của PV tại nhiều quán bia ở các quận Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Đống Đa, Nam Từ Liêm..., lượng khách giảm hẳn. Vào giờ “vàng” (trưa, chiều, tối) khách sụt giảm thê thảm. Lúc 18h30 ngày 6/1, trong khuôn viên rộng hơn 200 m2 tại một quán bia trên đường Nguyễn Hữu Thọ (quận Hoàng Mai), chỉ có một vài bàn, khách đang ăn uống nhẹ nhàng, vắng hẳn những tiếng rầm rì rồi đột ngột gào lên “một hai ba … zô” như thường lệ.
Xế chiều anh Nguyễn Thành Nam, chủ một quán bia cũng ở đường Nguyễn Hữu Thọ đang ngồi chờ khách. Dù bắt đầu giờ cao điểm bán hàng nhưng quán của anh vẫn chưa có vị khách nào.
“Trước đây, cứ đến tầm này, quán của tôi chật kín khách. Cả dãy phố này có vài chục quán bia, khách nhậu ra vào náo nhiệt, nhưng giờ vắng như chùa bà Đanh”, anh Nam chia sẻ. Anh Nam cho biết, mấy ngày qua, lượng khách giảm từ 40 - 60 % so với trước. Kéo theo doanh thu cũng tụt xuống khoảng 50 %, thậm chí có ngày chỉ còn thu về vài triệu đồng, không đủ chi phí đầu vào. “Tôi và nhiều chủ quán bia ở đây bị “sốc” nặng, bởi lượng khách giảm bất ngờ”, anh Nam cho hay.
Ông Lê Thanh Hưng, quản lý một quán bia trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) cho biết quán ông cũng trong tình trạng tương tự. “Mấy ngày cuối tuần, lượng khách giảm khoảng 60% so với thời điểm trước khi tăng nặng hành vi uống rượu bia rồi lái xe. Ngày trước, chúng tôi đón gần 200 khách mỗi ngày mà giờ chắc chỉ còn hơn 50 người”, ông Hưng nói.
Đưa khách về nhà miễn phí
Nhiều chủ quán bia ở Hà Nội đang tìm cách để cải thiện tình hình. Chị Nguyễn Thị Huyền, chủ quán bia ở số 1B, đường Bắc Sơn (quận Ba Đình) cho biết, quán của chị có thu xếp nhân viên để lái xe đưa khách về nhà miễn phí. Đồng thời, nhà hàng cũng chuẩn bị phương tiện từ xe máy đến taxi để đưa đón khi khách có nhu cầu. “Chúng tôi phải đưa ra các giải pháp trên để níu kéo khách đến quán. Dù nhiệt tình nhưng tâm lý phải quay lại lấy xe, hay uống qua đêm nhưng sáng hôm sau vẫn còn nồng độ cồn nên khách hàng chưa thực sự hào hứng”, chị Huyền nói.
Ngày trước cửa hàng nhà của chị Huyền mỗi ngày đón từ 250-300 khách hàng, cao điểm còn đông hơn nên số lượng nhân viên của cửa hàng luôn dao động từ 25-30 người. Gần 1 tuần trở lại đây mỗi ngày chỉ còn 40-50 khách đến ăn nhậu. Lượng khách giảm, phải bù lỗ, chị Huyền đang cố gắng “giật gấu vá vai” chứ chưa thể cắt giảm nhân sự. “Tâm lý người đi làm, đến ngày cận tết mà bị đuổi việc thì đau đớn lắm, tôi không nỡ cho nhân viên nghỉ dù phải bù lỗ. Trước mắt chỉ biết cố gắng, ra Tết sẽ tính tiếp”, chị Huyền thở dài.
Trong khi đó, dân nhậu bắt đầu biết sợ trước việc uống rượu bia bị phạt nặng khi tham gia giao thông. Anh Nguyễn Văn Hòa, ở tổ 7, phường Phú Lãm (quận Hà Đông) chia sẻ, trước kia, anh và những người bạn thường rủ nhau ra các quán bia vài lần mỗi tháng. Bây giờ, anh và các bạn cũng ngại đi nhậu vì sợ gặp CSGT kiểm tra nồng độ cồn. “Tiền phạt có khi mất cả tháng lương nên chúng tôi cũng hạn chế ngồi bia rượu với nhau. Hiện tại nếu đi nhậu, tôi và các bạn sẽ chọn quán bia gần nhà để khi quá chén có thể gọi người thân đến đón”, anh Hòa nói.
Cũng tâm trạng trên, anh Nguyễn Xuân Thành ở quận Ba Đình cho biết, ngày trước, mỗi khi hết giờ làm, anh và đồng nghiệp thường ghé quán bia vỉa hè gần cơ quan uống mấy cốc bia giải khát, rồi mới về nhà. Nhưng, từ ngày Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực, anh và các đồng nghiệp bỏ bớt thói quen uống bia khi hết giờ làm.
Để bắt kịp với tình hình mới, dịch vụ đưa đón dân nhậu đã bắt đầu xuất hiện. Trên mạng xã hội, những hội nhóm về dịch vụ đưa đón người uống rượu, bia như “Say gọi xế - Xế nhận say”, mới thành lập nhưng đã có hơn 1.600 thành viên tham gia. Những thông tin về tên lái xe, số điện thoại, biển số xe, khu vực hay hoạt động… được đăng ký vào danh sách cho khách hàng có nhu cầu.
Chuyên gia giao thông, TS. Khương Kim Tạo cho rằng, Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và sắt có hiệu lực đã có tác động răn đe với những người uống rượu, bia khi tham gia giao thông, khiến người nhậu ở các quán giảm hẳn. Nghị định có tác động tích cực, có thể làm giảm tai nạn giao thông. Việc giảm uống rượu bia cũng giúp xã hội và các gia đình tốt đẹp hơn, vì khi say rượu bia có thể dẫn đến tình trạng quá khích, gây ra các vụ xô xát, đồng thời giảm thiệt hại về kinh tế và đảm bảo sức khỏe cho người dân.
Nguyễn Thắng