Theo ông Phạm Tiến Dũng-Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Thanh tra Bộ NN&PTNT), vụ truy bắt salbutamol do Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường và Thanh tra Bộ NN&PTNT thực hiện ngày 8/12 vừa qua tại TPHCM cho thấy, cảnh “thả gà ra đuổi”. Một bên cho nhập không quản lý được, một bên truy tìm nhưng vẫn chưa tìm hết. “Phía Y tế cứ nhập về bán ra cho chăn nuôi thì nông nghiệp không quản nổi. Cái này phải làm cho rõ ra chứ quản lý kiểu này dân sẽ bị đầu độc và thiệt hại. Như ma trận thế này thì chết”, ông Dũng nói.
“Phía Y tế cứ nhập về bán ra cho chăn nuôi thì nông nghiệp không quản nổi. Cái này phải làm cho rõ ra chứ quản lý kiểu này dân sẽ bị đầu độc và thiệt hại. Như ma trận thế này thì chết”
Ông Phạm Tiến Dũng-Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Thanh tra Bộ NN&PTNT)
Theo ông Dũng, lâu nay cơ quan chức năng chỉ xử phạt hành chính nhưng phải bắt mới xử lý được. Việc buôn bán mang lại lợi nhuận cao nên đầu nậu vẫn buôn bán và cơ quan chức năng không bắt hết được. Từ đầu năm đến nay, 15 đoàn thanh tra về chất cấm được thành lập, có đến 7 đoàn bắt được cơ sở, cá nhân sử dụng chất cấm. Phía Nam, chất cấm tập trung ở các tỉnh: Đồng Nai, Tiền Giang, Long An; phía Bắc xuất hiện ở: Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh. Mới đây nhất, chất cấm đã xuất hiện tại Hà Nội.
Ông Dũng cho biết thêm, hiện có khoảng 10 doanh nghiệp ở miền Bắc được phép nhập khẩu salbutamol và có dấu hiệu sử dụng không đúng mục đích (vào chăn nuôi). “Hiện, chúng tôi chỉ quản lý phần ngọn. Để giải quyết tận gốc cần tìm hiểu rõ nguồn gốc, kiểm tra rõ ràng lượng hàng nhập chính ngạch đang đi đâu về đâu. Việc điều tra nguồn gốc của salbutamol chủ yếu do Bộ Công an vào cuộc”, ông Dũng nói. Ông Dũng cho rằng, chỉ có cách làm đồng bộ mới quản lý được. Hiện, Bộ NN&PTNT, Bộ Công an, Bộ Y tế và Bộ Công Thương cùng vào cuộc để ngăn chặn chất cấm lan truyền khắp nơi.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Dương- Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho rằng, muốn ngăn chặn buôn bán chất cấm trong chăn nuôi, phải kiểm soát đơn vị nhập. Ông Dương phân tích, chất salbutamol được Bộ Y tế nhập dùng để điều trị hen suyễn, nhưng nhập tới 2 tạ (tức 200kg) như của một công ty vừa qua thì nhiều quá.
“Bộ NN&PTNT lên tiếng quá nhiều về vấn đề này rồi. Bộ Y tế xác định salbutamol vẫn là chất hỗ trợ điều trị hen suyễn. Hen suyễn chỉ một vài gam thôi. Quan trọng nhất, Bộ Y tế hãy hoạch định rõ nhu cầu bao nhiêu nhập bấy nhiêu để kiểm soát”, ông Dương cho hay.
Chiều ngày 9/12, ông Nguyễn Việt Cường-Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, việc cấp phép, kiểm tra các công ty nhập khẩu salbutamol là trách nhiệm của Cục Quản lý dược. Sau khi nhận công văn thông báo của Cục quản lý dược, Sở sẽ xử lý, rút giấy phép kinh doanh các công ty vi phạm.
Nuôi lợn sân thượng “né” chất gây ung thư
Trong khi cơ quan chức năng loay hoay trước hậu quả từ chất cấm trong chăn nuôi thì một số người tiêu dùng tìm cách tự cứu mình. Nhiều hộ gia đình ở Hà Nội đã tìm cách “săn” thịt lợn sạch hoặc tự trồng rau, nuôi lợn trong chính những căn nhà giữa phố của mình. Anh Nguyễn Đức Quang (Cầu Giấy, Hà Nội) hằng tháng tự lái xe 100km về Bắc Giang lấy thịt lợn về cất trong tủ đá ăn dần. Để có nguồn thịt sạch, anh Quang mua lợn giống nhờ người quen nuôi hộ. Các lứa lợn xen kẽ nhau để mỗi tháng đều đặn có lợn thịt. Lợn được nuôi bằng cám, thóc, ngô…, đạt chừng 50 kg sẽ làm thịt.
Sinh ra ở Hà Nội, không nhờ được người quen ở quê nuôi lợn như gia đình anh Quang, ông Nguyễn Đức Mạnh (Đống Đa, Hà Nội) thiết kế “trang trại” nuôi lợn, trồng rau trên sân thượng. Từ lan can tầng 5 đến tầng 6, 7, ông Mạnh chất đầy thùng xốp trồng rau, khu nuôi lợn, gà. Mỗi sáng, ông Mạnh đun cám lợn với các thực phẩm sạch (ngô, rau, thóc…). Chất thải được đóng kín trong thùng, ủ đủ 6 tháng tạo thành phân hữu cơ để bón cho rau.
Theo Tổng cục Hải quan, 9 tháng năm 2015, Việt Nam nhập 4,6 tấn salbutamol (trị giá 330 ngàn USD). Ngoài ra, còn “thuốc tân dược” có chứa salbutamol đã được đóng gói nhập vào Việt Nam với con số rất lớn: 1,9 triệu bao. Cơ quan Hải quan cho biết, các mặt hàng có tên hoạt chất Clenbuterol không thuộc danh mục cấm nhập khẩu theo quy định của Bộ Y tế. Còn Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) khẳng định salbutemol và Clenbuterol thuộc danh mục hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh...
Tuấn Đức