Quan chức giấu tên tiết lộ Mỹ chưa có kế hoạch đưa quân đến Haiti

0:00 / 0:00
0:00
Cảnh sát Haiti yêu cầu người dân tránh xa khu vực Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Port-au-Prince trong bối cảnh nhiều người tụ tập bên ngoài, vẫy hộ chiếu để xin tị nạn ở Mỹ. Ảnh: AP
Cảnh sát Haiti yêu cầu người dân tránh xa khu vực Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Port-au-Prince trong bối cảnh nhiều người tụ tập bên ngoài, vẫy hộ chiếu để xin tị nạn ở Mỹ. Ảnh: AP
TPO - Sau khi Tổng thống Jovenel Moise bị một nhóm sát thủ quốc tế dùng súng bắn hạ tại tư dinh ở ngoại ô Port-au-Prince hôm thứ Tư, chính quyền lâm thời của Haiti đã chính thức yêu cầu Mỹ và Liên Hợp Quốc triển khai quân đội đến quốc gia này để giúp bảo vệ cơ sở hạ tầng chiến lược.

Nhưng theo thông tin mới nhất của ReutersNew York Times, Nhà Trắng “không có kế hoạch” hỗ trợ quân sự trực tiếp cho Haiti.

“Mỹ không có kế hoạch hỗ trợ quân sự ở thời điểm này”, một quan chức chính quyền cấp cao giấu tên tiết lộ.

Trước đó, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận với Sputnik rằng chính quyền Haiti đã yêu cầu Washington “hỗ trợ an ninh và điều tra”. Phát ngôn viên này cho biết Mỹ đang liên hệ với Port-au-Prince để thảo luận về “cách mà Mỹ có thể giúp đỡ”, nhưng không nói cụ thể liệu Mỹ có gửi quân tới nước này hay không.

Thông tin trên được đưa ra trông bối cảnh có nhiều suy đoán về nguồn lực thực sự mà Haiti đang yêu cầu từ Mỹ. Một nguồn tin quốc hội nói với The Hill rằng Haiti “yêu cầu sự hỗ trợ của quân đội Mỹ”. Nhưng một nguồn tin khác lại cho rằng Washington đang nhầm lẫn, vì trong tiếng Pháp - ngôn ngữ chính của Haiti, từ dùng để chỉ quân đội cũng có thể ám chỉ cảnh sát.

Chính phủ lâm thời của Haiti hôm thứ Sáu thông báo rằng họ đã chính thức yêu cầu Mỹ và Liên Hợp Quốc hỗ trợ tại chỗ để bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng như kho khí đốt, sân bay, bến cảng… trước "những kẻ khủng bố”.

Cùng ngày, phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki thông báo rằng các quan chức cấp cao của FBI và Bộ An ninh Nội địa sẽ được triển khai đến Port-au-Prince “càng sớm càng tốt để đánh giá tình hình và cách chúng tôi có thể hỗ trợ.”

Sau khi có thông tin cho rằng hai công dân Mỹ nằm trong số các nghi phạm vụ ám sát, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price cho biết Mỹ đang “theo dõi chặt chẽ” tình hình nhưng không thể bình luận thêm.

Việc yêu cầu Washington hỗ trợ được cho là “bất thường”, vì người dân Haiti đang cảm thấy chán nản trước sự can thiệp của Mỹ vào các vấn đề nội bộ của quốc gia này.

Mỹ đã đóng quân tại Haiti từ năm 1915 đến năm 1934 sau vụ ám sát Tổng thống Vilbrun Guillaume Sam, khai thác triệt để trữ lượng vàng của đất nước và tuyên bố việc đóng quân là cần thiết để ngăn chặn sự tiếp quản của Đức.

Trong Chiến tranh Lạnh, Washington ủng hộ chế độ độc tài của Tổng thống Francois Duvalier, nhưng đã quay lưng lại với con trai ông, Jean-Claude Duvalier vào năm 1986.

Năm 1993, Mỹ can thiệp quân sự để khôi phục quyền lực cho Tổng thống Jean-Bertrand Aristide sau khi ông bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 1991. Năm 2004, Washington lại can thiệp quân sự, lần này là ủng hộ cuộc đảo chính chống lại Aristide.

Tổng thống Jovenel Moise bị một nhóm tay súng bắn chết tại nhà riêng gần Port-au-Prince vào sáng sớm thứ Tư. Vợ ông cũng bị thương nặng và được đưa đến bệnh viện ở Miami, bang Florida (Mỹ).

Trong khi có rất ít thông tin chi tiết về những kẻ ám sát, các quan chức Haiti đã cáo buộc rằng ít nhất 28 người đứng sau âm mưu này, bao gồm 26 công dân Colombia và hai người Mỹ gốc Haiti.

Theo Sputnik
MỚI - NÓNG