Mỹ tránh 'bãi mìn' Haiti

0:00 / 0:00
0:00
Cảnh sát đứng cạnh bức tranh tường phác họa chân dung Tổng thống Haiti Jovenel Moise gần dinh thự nơi ông bị ám sát ngày 7/7 Ảnh: AP
Cảnh sát đứng cạnh bức tranh tường phác họa chân dung Tổng thống Haiti Jovenel Moise gần dinh thự nơi ông bị ám sát ngày 7/7 Ảnh: AP
TP - Lần gần nhất Haiti rơi vào hỗn loạn vì ám sát nguyên thủ là năm 1915, khi một nhóm nổi dậy xông vào Đại sứ quán Pháp và đánh đập Tổng thống Vilbrun Guillaume Sam đến chết. Khủng hoảng kéo dài nhiều tuần dẫn đến sự can thiệp quân sự của Mỹ suốt gần 2 thập kỷ.

Khi kỷ nguyên ngoại giao súng ống đã qua, Mỹ giờ đây khó có thể điều quân một lần nữa đến Haiti sau vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moise ngay tại tư dinh, nhưng chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng khó đứng ngoài hoàn toàn trước xung đột chính trị ngày càng bạo lực ở quốc gia nghèo nhất châu Mỹ. “Sự việc lần này khiến Mỹ phải chú ý vì đó là vấn đề lớn. Cho đến nay, bất kỳ vấn đề quản trị nào ở Haiti hay chuyện gì xảy ra dưới thời ông Moise, Mỹ đều không hứng thú can dự ngoài chuyện ủng hộ”, nhà báo Amy Wilentz, tác giả của nhiều cuốn sách về Haiti, nói với AP.

Ông Moise, 53 tuổi, là một nhà buôn chuối ít tên tuổi cho đến khi được cựu Tổng thống Michel Martelly chọn làm người kế nhiệm khi ông không đủ điều kiện tái cử. Cuộc bầu cử năm 2015 bị cho là gian lận, dẫn đến việc ông Moise trở thành tổng thống, theo AP. Không ít người coi ông Moise là bình phong để duy trì quyền lực của cựu Tổng thống Martelly. Ông Moise đã nhiều lần trì hoãn cuộc bầu cử và đối đầu gay gắt với các đối thủ chính trị, trong khi người dân Haiti phải chịu đựng tình trạng bạo lực vì sự hoành hành của các băng đảng.

Sau nhiều lần trì hoãn, ông Moise cuối cùng đặt thời hạn 26/9/2021 để tổ chức bầu cử tổng thống và quốc hội. Chính quyền Biden ủng hộ lộ trình này, nhưng phe phản đối ở Haiti cho rằng bất kỳ cuộc bỏ phiếu nào do chính phủ tổ chức “cơ bản sẽ có gian lận và không đáng tin cậy”, theo Reuters.

Chính quyền Biden chưa đưa ra phương hướng nào cho chính sách tiếp theo mà nước này sẽ triển khai với Haiti sau vụ ám sát ông Moise, chỉ nói rằng Washington ủng hộ tiến hành một cuộc điều tra để xác định ai đứng sau vụ việc. Phe ủng hộ ông Moise cho rằng việc ông gần đây nhắm vào các “tài phiệt” Haiti, những người giàu lên nhờ giành được hợp đồng với nhà nước trong ngành điện và các lĩnh vực khác, đã khiến ông có thêm kẻ thù, dẫn đến vụ ám sát được tổ chức bài bản.

Hôm 7/7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken có cuộc trao đổi với quyền Thủ tướng Haiti Claude Joseph, một người thân tín của ông Moise, để gửi lời chia buồn. “Quan điểm của Mỹ là các cuộc bầu cử trong năm nay vẫn phải diễn ra”, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết.

Mỹ có ảnh hưởng lớn đến chính trị ở Haiti trong suốt chiều dài lịch sử, thông qua những hoạt động can thiệp quân sự, tài trợ cho các dự án phát triển và hậu thuẫn những người sắp trở thành lãnh đạo. Sự can thiệp của Mỹ sau vụ ám sát Tổng thống Sam năm 1915 mở ra giai đoạn gần 2 thập kỷ chiếm đóng của Mỹ, đánh dấu bằng luật chống phân biệt chủng tộc để Haiti trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấm nô lệ.

Tránh “bãi mìn” chính trị ở Haiti

Cộng đồng người Haiti ở Mỹ mỗi năm gửi về quê hương hơn 3 tỷ USD kiều hối, chiếm khoảng 1/3 GDP quốc gia này. Nhưng dù có đến 13 tỷ USD viện trợ quốc tế đổ vào Haiti để giúp tái thiết quốc gia này sau trận động đất kinh hoàng năm 2010, nền dân chủ Haiti vẫn cực kỳ mong manh, tham nhũng tràn lan và bất bình đẳng khiến hàng triệu người dân chật vật với miếng cơm manh áo.

“Mỹ không nhìn thấy điều đó. Tôi nghĩ có phải do chúng tôi là người da đen không?” Monique Clesca, một nhà văn người Haiti và từng là quan chức tại Liên Hợp Quốc, nói. Để nhấn mạnh tình trạng mà bà gọi là sự thờ ơ của Mỹ, nhà văn này dẫn ra vụ bắn giết mới xảy ra tuần trước ở thủ đô Haiti mà các đối tác quốc tế chỉ im lặng. Trong vụ đó, 15 người, trong đó có một nhà báo và một nhà hoạt động chính trị nổi tiếng, đã thiệt mạng. “Tôi không nghe thấy ông Biden nói gì. Tôi không nghe ông Boris Johnson nói gì. Họ đâu cả rồi?”, bà Clesca chất vấn.

Ông Biden nói rằng ông thấy sốc vì vụ sát hại ông Moise, đồng thời lên án hành động mà ông gọi là “ghê tởm”. Nhưng từ hồi còn là thượng nghị sĩ chuyên về đối ngoại, ông Biden đã thể hiện ít quan tâm đến việc dính vào “bãi mìn chính trị” ở Haiti. “Nếu một điều vô cùng tồi tệ xảy ra với Haiti như hòn đảo bỗng nhiên chìm xuống biển Caribe hay cao lên cả trăm mét so với mực nước biển, đó cũng không phải điều gì lớn lao đối với sự quan tâm của chúng tôi”, ông Biden nói trong cuộc trả lời phỏng vấn năm 1994.

Hỗn loạn ở Haiti xảy ra khi Mỹ sắp rút hết quân ở Afghanistan, vì thế sẽ khó, nếu không nói là không thể, thuyết phục dư luận Mỹ ủng hộ việc điều quân đến bất kỳ nơi nào trên thế giới vào thời điểm này, nhất là ở Haiti, nơi có ít kỳ vọng rằng sự can thiệp của Mỹ sẽ giúp ổn định chính trị.

Trong bức thư gửi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hồi tháng 4/2021, 69 Hạ nghị sĩ Mỹ cho rằng Washington cần thừa nhận sự thất bại sau khi đổ hàng trăm triệu USD vào Haiti để giúp ổn định chính trị và thiết lập dân chủ.

MỚI - NÓNG