Từ ngày 20 đến 21/8/2019, Tòa án thành phố Tây An đã mở một phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Hồ Chí Cường nguyên Bí thư thành ủy Du Lâm tỉnh Thiểm Tây nhận hối lộ, phiên tòa đã kết thúc, bị cáo không nhận tội, mức án cũng chưa được tuyên.
Hồ Chí Cường là con Bí thư tỉnh ủy Sơn Tây Hồ Phú Quốc, quan lộ của Cường gắn với các biệt danh “Quan tham trăm triệu”, “Bí thư bán chức”, “Dung quan” (quan chức tầm thường)... Ông ta viết trong cái gọi là “Bản sám hối”: “Tôi thực sự là một kẻ tiểu nhân, các ông chủ sử dụng tiền để dụ dỗ tôi làm việc thay cho họ!”.
Hồ Chí Cường chủ trì thành phố Du Lâm, tỉnh Thiểm Tây trong gần 10 năm, tự xưng là “quan thanh liêm” và thường xuyên cao giọng phát biểu chống tham nhũng. Năm 2014 khi là Bí thư thành ủy, Cường từng nói tại cuộc họp của Ban Điều phối chống tham nhũng của thành ủy: “Sự cám dỗ lớn nhất đối với cán bộ lãnh đạo là chính là bản thân. Kẻ thù khó đánh bại nhất là chính mình. Nếu làm quan với tham vọng cá nhân, với tâm thế kiếm chác một mẻ, ta sẽ rơi xuống vực thẳm của tội lỗi”.
Ông cũng viết bài đăng trên “Trung Quốc Kiểm tra kỷ luật báo” nhan đề “Bí thư phải nắm tất cả và nắm bản thân” với những tuyên ngôn hùng hồn về một người “Bí thư thực sự là Bí thư”.
Bốn năm sau, ông “Bí thư thực sự” bị bắt dẫn tới một làn sóng phản ứng rất gay gắt trong cộng đồng mạng: “Càng tỏ ra vui mừng, tâm địa càng đen tối”, “Đây chính là trò chơi biến hình trên quan trường”, “Trên sân khấu là người, bước xuống là quỷ. Đây là vai diễn thực sự của hầu hết các quan chức”...
Tư liệu công khai cho biết, Hồ Chí Cường. 56 tuổi là con trai cựu Bí thư tỉnh ủy tỉnh Sơn Tây Hồ Phú Quốc. Từ tháng 11/2001 là Phó thị trưởng, Phó Bí thư thành ủy Hàm Dương, rồi Phó Tổng thư ký chính quyền tỉnh Thiểm Tây; tháng 2/2008 Cường được chuyển đến thành phố Du Lâm giữ chức Phó bí thư, Quyền thị trưởng và Thị trưởng. Từ tháng 7/2011 đến tháng 4/2017 Cường giữ chức bí thư thành ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố. Từ tháng 4/2017 được điều đi làm Bí thư của Đảng ủy Ủy ban Kế hoạch gia đình - Y tế tỉnh cho đến khi bị bắt tháng 6 năm 2018.
Sau khi Hồ Chí Cường rời khỏi Du Lâm đi giữ chức Bí thư Ủy ban Y tế và Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Thiểm Tây ít lâu, thương gia Triệu Phát Kỳ đã gửi đơn tố cáo vấn đề tham nhũng hủ bại của ông ta, trong đó có việc mua quan bán chức, tham ô nhận hối lộ, vung tiền xây mộ tổ, nhà thờ, đền miếu ở quê.
Theo đơn tố giác, mẹ của Cường đã đứng ra xây dựng lại chùa An Lạc ở quê lấy tên “Thường Căn Tú cư sĩ”. Bức tượng Quan Âm bằng ngọc jadeite cúng vào đây có giá hơn 200 triệu NDT (700 tỷ VND). Bảng Công đức của ngôi chùa cho thấy, rất nhiều ông chủ doanh nghiệp nhà nước đã quyên góp tiền.
Khi Hồ Chí Cường nắm quyền sinh quyền sát ở Du Lâm đã định mức giá rõ ràng cho các chức vụ Bí thư, Chủ tịch của các quận và huyện ở Du Lâm. Nếu ai muốn trở thành Bí thư hay Chủ tịch của “6 huyện phía Nam” Du Lâm, thì phải bỏ ra 20 đến 30 triệu NDT. “Giá này đã trở thành một bí mật được công khai” – lá đơn tố cáo viết.
Tháng 12 năm 2018, Hồ Chí Cường bị “song khai” (khai trừ đảng tịch và công chức). Thông báo kỷ luật nói, Cường có các vấn đề chính trị và kinh tế đan xen vào nhau, phá hoại sinh thái chính trị, tham gia đường dây chính trị, hoạt động mê tín dị đoan, chống lại việc điều tra; lợi dụng chức quyền giúp người khác trong thăng tiến chức vụ, can thiệp và nhúng tay vào các dự án xây dựng lớn rồi nhận hối lộ.
Theo bài báo, vụ án Hồ Chí Cường nhận hối lộ rất nghiêm trọng, tình tiết phức tạp, tài liệu hồ sơ lên tới 149 trang. Viện kiểm sát Tây An đã cáo buộc ông ta phạm 56 tội danh, bao gồm nhận hối lộ của 22 doanh nhân và 34 quan chức với tổng số tiền hơn 100 triệu NDT (350 tỷ VND).
Cáo trạng của Viện Kiểm sát Tây An nêu rõ, bản thân Cường hoặc thông qua vợ, người thân đã nhận bất hợp pháp từ các công ty và cá nhân có liên quan tổng số 53.818.335 NDT, 5,44 triệu USD, 986.000 euro, 1 triệu HKD, 10 ngàn Bảng Anh, 3.380 gram vàng (trị giá 1.471.300 NDT), một chiếc xe BMW (trị giá 723.000 NDT), một chiếc Mercedes-Benz (trị giá 698.000 NDT), một bức tranh của Vương Tây Kinh (trị giá 290.000 NDT), 10 thùng rượu Mao Đài (trị giá 240.000 NDT), một bộ điều hòa trung tâm (trị giá 40.000 NDT).
Lượng ngoại tệ liên quan đến vụ việc nêu trên được tìm thấy quy theo tỷ giá hối đoái hiện tại, Hồ Chí Cường bị cáo buộc nhận hối lộ tổng giá trị hơn 100 triệu NDT. Tuy nhiên, tại phiên tòa, Hồ Chí Cường đã bác bỏ hầu hết các cáo buộc và thừa nhận chỉ nhận hối lộ hơn 3 triệu Nhân dân tệ.
Hồ Chí Cường sinh năm 1963 ở Sơn Tây, người cha Hồ Phú Quốc khi đó còn đang học chuyên ngành khai thác mỏ ở Học viện khai mỏ Phụ Tân, Liêu Ninh. Năm 1982, ông Quốc được bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Than, 3 năm sau là Thứ trưởng Bộ Năng lượng. Giữa Hồ Phú Quốc và Bạc Hy Lai có quan hệ rất gắn bó. Ông ta cũng là thành viên “Bang Sơn Tây” nổi tiếng và dính líu đến vụ án tham nhũng của Bộ trưởng Đường sắt Lưu Chí Quân.